25/12/2024

Lắp ống cấp nước trong hành lang đường cao tốc: Lợi trước mắt, hại về sau

Nhiều người đi trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đoạn qua tỉnh Long An rất ngạc nhiên vì một tuyến đường ống cấp nước đang được thi công lắp đặt phía trong hàng rào thuộc phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc này.

 

Lắp ống cấp nước trong hành lang đường cao tốc: Lợi trước mắt, hại về sau

Nhiều người đi trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đoạn qua tỉnh Long An rất ngạc nhiên vì một tuyến đường ống cấp nước đang được thi công lắp đặt phía trong hàng rào thuộc phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc này.


 

Lắp ống cấp nước trong hành lang đường cao tốc: Lợi trước mắt, hại về sau - Ảnh 1.

Ống cấp nước công trình xây dựng nhà máy nước Nhị Thành nằm trong hành lang bảo vệ đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Ảnh: N.ẨN

Trước đó, vào những năm 2009-2010, trước và sau khi tuyến đường cao tốc này được đưa vào sử dụng, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) đã đầu tư tiền tỉ, mất cả năm trời cho các hoạt động truyền thông, vận động đến từng người dân địa phương ở hai bên cao tốc không được xây dựng, trồng cây… bên trong hàng rào bảo vệ đường cao tốc. Vậy vì sao lại cho lắp đặt tuyến ống cấp nước trong phạm vi bảo vệ đường cao tốc này?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành, cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 – đơn vị quản lý đường cao tốc này, cho biết tuyến ống cấp nước thô trên được lắp đặt từ km 28+600 đến km 37+900 (gần 9km) có đường kính phi 800mm. 

Tháng 2-2016, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thỏa thuận dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nước Nhị Thành (giai đoạn 1) có công suất 30.000 m3/ngày đêm. Ngày 3-8-2016 Bộ GTVT có văn bản chấp thuận cho phép xây dựng tuyến ống cấp nước thô trong phạm vi đất bảo vệ đường cao tốc. Ngày 3-4-2018, Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ) cấp giấy phép thi công.

Vị trí thi công nằm trong lòng đường dân sinh, việc thi công khó khăn và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương. Ngày 29-1-2019, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An xin điều chỉnh nội dung thiết kế kỹ thuật. “Cục Quản lý đường bộ 4 có công văn chấp thuận điều chỉnh một số vị trí thi công nằm trong hành lang bảo vệ đường cao tốc và gia hạn thời gian thi công đến 10-8-2019” – ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

Theo Cục Quản lý đường bộ 4, khi thỏa thuận xây dựng tuyến ống cấp nước trên, nhà đầu tư đã có cam kết tự di dời hoặc cải tạo công trình không đòi bồi thường khi ngành đường bộ có yêu cầu di chuyển hoặc cải tạo công trình.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Dũng, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, người phụ trách xuyên suốt dự án xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cho biết ngay từ khi triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ (lúc đó là Thủ tướng Phan Văn Khải) đã chỉ đạo phải giải tỏa mặt bằng một lần để sau này mở rộng đường cao tốc lên 8 làn xe không cần giải toả nữa. “Do đó việc Tổng cục Đường bộ cho xây dựng tuyến ống cấp nước trong phạm vi bảo vệ đường cao tốc thì họ phải chịu trách nhiệm” - ông Dũng nói.

Thiệt hại đôi đường

Ngày 14-2, trao đổi với Tuổi Trẻ khi đi thực tế công trình, một cán bộ của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đã chỉ vào dòng ôtô đông nghẹt đang ùn ứ trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, nói: “Đường cao tốc này đang quá tải.

Vì vậy, trong thời gian không xa cần mở rộng đường cao tốc này lên 8 làn xe, vì vậy đã dành sẵn phần đất bảo vệ đường cao tốc để mở rộng đường. Nếu giải tỏa ngay thì nhà đầu tư nhà máy nước thiệt hại vì đầu tư chưa bao lâu, còn giải toả chậm thì dự án đường cao tốc ách tắc kéo dài vì vướng mặt bằng. Thiệt hại đôi đường”.

 

NGỌC ẨN