19/11/2024

Đến 2030, TP.HCM cấm xe máy vào nội đô

Không chỉ Hà Nội, TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến 2030 sẽ cấm xe máy lưu thông vào vùng trung tâm.

 

Đến 2030, TP.HCM cấm xe máy vào nội đô

Không chỉ Hà Nội, TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến 2030 sẽ cấm xe máy lưu thông vào vùng trung tâm.
 
 


Đến 2030, TP.HCM cấm xe máy vào nội đô

 

Giảm ùn tắc, ô nhiễm

 
 
 

 

Theo thống kê gần đây, TP.HCM có khoảng 8 triệu xe máy. Trong khi đó, Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy, hơn 600.000 ô tô, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên tham gia giao thông. Đáng nói số lượng phương tiện không ngừng tăng lên, dự báo đến năm 2020 TP sẽ có hơn 800.000 ô tô, hơn 6 triệu xe máy, và năm 2030 số ô tô sẽ lên đến gần 2 triệu, xe máy khoảng 7,5 triệu
 

Sở GTVT TP.HCM vừa trình Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP.HCM. Trên quan điểm vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống VTHKCC khối lượng lớn hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030), đề án của Sở GTVT nêu mục tiêu: Đến năm 2020, thị phần VTHKCC toàn TP đảm nhận 15 – 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5 – 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3 – 36,8%. Sở GTVT nhận định khi thị phần đảm nhận của hệ thống vận tải công cộng theo từng giai đoạn 2020 – 2025 – 2030, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm tương ứng.

Nếu đề án được thông qua, TP sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2 – 3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10…) vào giai đoạn 2025 – 2030, khi hệ thống VTHKCC đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đạt dưới 500 m.
 
“Đề án khi được triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững”, đại diện Sở GTVT khẳng định và nhấn mạnh việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
 
Đến 2030, TP.HCM cấm xe máy vào nội đô - ảnh 1

 

Kẹt xe trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 (TP.HCM), xe máy vây quanh xe hơi  ẢNH: KHẢ HOÀ

 
Trước đó, Đề án 04 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua cũng đưa lộ trình từ năm 2017 – 2030, sẽ từng bước hạn chế hoạt động một số phương tiện trong một số khu vực và từ năm 2030 cấm xe máy trên địa bàn một số quận trung tâm.
 
 
Báo cáo sau 1 năm thực hiện đề án hạn chế hoạt động của xe máy, đại diện liên ngành Hà Nội cho biết trước mắt đơn vị lựa chọn những khu vực đã và sẽ có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ để triển khai. Cụ thể, đồng bộ về hạ tầng ngoài đường sá được đầu tư nâng cấp, mở rộng, còn có hệ thống VTHKCC phát triển, kết nối thông suốt.
 
Hiện VTHKCC trên địa bàn Hà Nội hầu hết mới chỉ có xe buýt, nhưng khi bắt đầu dừng hoạt động xe máy sẽ phải có các loại hình khác nhau để người dân lựa chọn, thuận tiện trong đi lại. Với xe buýt, tại khu vực dừng hoạt động xe máy, ngoài bố trí xe buýt phù hợp cho từng loại khổ đường để đi vào, các điểm dừng, đón trả khách cũng được UBND TP.Hà Nội thống nhất mục tiêu khi bỏ xe máy người dân chỉ cần đi 500 m phải có một điểm dừng, đón. Đơn vị tư vấn đang tham mưu cho Hà Nội thực hiện trước việc phân vùng để hạn chế hoạt động của xe máy tại các quận trung tâm, đến năm 2030 sẽ thực hiện đồng bộ tại tất cả các quận.

Thu phí vào nội đô với ô tô

Sở GTVT TP.HCM đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp thành từng nhóm theo nguyên tắc “kéo – đẩy”, đảm bảo hai nhóm giải pháp tăng cường VTHKCC và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất. Đáng chú ý trong nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, giai đoạn 2020 – 2025, TP sẽ thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, đồng thời kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với tất cả các phương tiện cơ giới, từ đó phân vùng hoạt động theo các mức điều kiện an toàn và tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với phương tiện.
 
Biện pháp hành chính cũng được áp dụng tương tự đối với Hà Nội. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trung tâm TP.Hà Nội đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Sở GTVT đang phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị tư vấn xây dựng, hoàn thiện đề án với mục tiêu năm 2019 sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được triển khai theo từng vùng, khu vực.
“Dự kiến tháng 6.2020, TP sẽ ban hành quy định lắp thiết bị trả phí tự động trên ô tô và mỗi chủ phương tiện phải mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí tự động. Việc thu phí tự động sẽ triển khai trên các tuyến phố có mật độ phương tiện cao, khu vực trung tâm bị hạn chế phương tiện đi vào”, vị này thông tin.

Đánh mạnh vào chi phí sử dụng xe cá nhân

Ủng hộ đề xuất loại xe gắn máy ra khỏi địa bàn TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng phân tích trong khi các nước trên thế giới đã hạn chế phương tiện giao thông này từ rất lâu thì VN lại cho xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy; thả lỏng vấn đề nhập khẩu xe máy vào nội địa. Điều này gây ra hiệu ứng ngược về kinh tế. Nếu đưa lên bàn cân để so sánh thì số tiền mà nhà nước phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, chi phí xây dựng, mặt bằng cho mỗi chiếc xe lớn hơn nhiều so với số thu về từ ngành này. Chưa kể với số dân đông như siêu đô thị TP.HCM, số tiền phải bỏ ra để phục vụ việc đậu đỗ của các xe cá nhân quá lớn.
 
Quan trọng hơn, người dân mới chính là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp. So với giao thông công cộng, một người dân sẽ phải mất rất nhiều chi phí cho vấn đề đi lại nếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Với mức lương thấp so với mặt bằng chung của thế giới hiện nay, dân VN quá “tội nghiệp” khi phải tự lo về giao thông và đối mặt với các rủi ro tai nạn từ xe máy khi số người chết vì tai nạn giao thông (phần lớn do xe máy gây ra) mỗi năm quá lớn. Tuy nhiên, theo ông Dũng, chính sự không rõ ràng về lộ trình, kế hoạch cụ thể của TP cũng như nhà nước đã dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân trước thông tin cấm xe máy.
 
“Không chỉ mất an toàn, xe máy còn là phương tiện không phục vụ cho người tàn tật, người già và trẻ em. Phương tiện giao thông này không dành cho một TP, một đất nước văn minh, cần phải loại bỏ. Lộ trình trong vòng 10 năm, bắt đầu từ việc áp dụng các biện pháp hạn chế, sau đó mới từ từ tiến đến cấm hẳn và triển khai theo từng khu vực để thăm dò hiệu quả như vậy là hợp lý. Muốn thay thế cái này phải có cái kia. Chủ trương là đúng nhưng phải đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, để họ so sánh cái nào tiện hơn, hiệu quả hơn và quan trọng nhất là an toàn hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.
 
Dự kiến kinh phí thực hiện đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP.HCM.
Nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển VTHKCC bằng xe buýt, dự kiến khoảng 52.489 tỉ đồng. Cụ thể:
– Giai đoạn 2018 – 2020: 9.783 tỉ đồng
– Giai đoạn 2021 – 2025: 18.896 tỉ đồng
– Giai đoạn 2026 – 2030: 23.810 tỉ đồng
Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA (đầu tư phương tiện xe buýt, tổ chức xe đạp, xe gắn máy điện công cộng, vận tải hành khách đường thuỷ…), ngân sách (nghiên cứu cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch) dự kiến khoảng 322.921 tỉ đồng

 

HÀ MAI – MAI HÀ