Chống văcxin có thể bùng dịch sởi
Xấp xỉ 55% bệnh nhân mắc bệnh sởi tính từ đầu năm 2019 chưa được tiêm chủng, 44% không rõ về tiền sử tiêm chủng.
Chống văcxin có thể bùng dịch sởi
Xấp xỉ 55% bệnh nhân mắc bệnh sởi tính từ đầu năm 2019 chưa được tiêm chủng, 44% không rõ về tiền sử tiêm chủng.
Bác sĩ khám cho bé T.S.G.B. (1 tuổi) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) sáng 18-2 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước nhiều nguyên nhân khiến người bệnh không tiêm ngừa sởi, các chuyên gia y tế lo lắng cảnh báo tác hại của việc chống tiêm văcxin.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ những bệnh có văcxin tiêm phòng thì chỉ có văcxin mới giải quyết triệt để ngừa bệnh. Mặc dù có hai chiến dịch tiêm bổ sung văcxin ngừa sởi tính từ giữa năm 2018 đến nay, nhưng số mắc sởi trong các tháng đầu 2019 vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng với việc trẻ 9-18 tháng tuổi được tiêm hai mũi văcxin miễn phí mà dịch vẫn tăng, chứng tỏ vẫn còn một “khoảng trống tiêm chủng”.
Không tiêm văcxin, dịch sởi quay lại
Các tháng đầu năm 2019, khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận lượng bệnh nhân là người lớn mắc sởi xấp xỉ năm có số mắc sởi lớn nhất gần đây (năm 2014). Phần lớn bệnh nhân là phụ nữ độ tuổi 20-25, đa số ở Hà Nội, một người trong đó đang mang thai.
Hà Nội cũng là địa phương có số mắc sởi tính từ đầu năm đến nay ở mức cao nhất trong số 43 tỉnh, thành ghi nhận bệnh nhân sởi. Sau Hà Nội là TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Bình Dương, Yên Bái… Theo ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ 2018.
Đáng lưu ý, dịch sởi ở Hà Nội bùng phát ngay sau khi Hà Nội tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung phòng dịch miễn phí cho toàn bộ trẻ 1-5 tuổi. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, ngân sách T.Ư chỉ cấp văcxin cho 9 quận huyện của Hà Nội tiêm ngừa sởi bổ sung cho trẻ 1-5 tuổi, nhưng Hà Nội đã dành ngân sách địa phương để tiêm ngừa cho toàn bộ 30/30 quận huyện từ tháng 12-2018. Thế nhưng số mắc vẫn tăng.
Chiến dịch chồng chiến dịch, nhưng số mắc vẫn tăng so với cùng kỳ 2018. Có một lý do được giải thích là còn “khoảng trống tiêm chủng”, là những người bị bỏ sót chưa tiêm chủng do ốm, vắng mặt ở thời điểm tiêm chủng, do trẻ theo bố mẹ di cư đi làm ăn và bị “bỏ sót”. Số này khoảng 5-10% tùy địa phương. Khi số này tích luỹ đủ lớn và có mầm bệnh thì dịch lại xuất hiện. Theo thống kê, nhiều lứa tuổi ghi nhận người mắc sởi, trong khi chiến dịch tiêm chủng mới tập trung được vào lứa tuổi 1-5.
Trào lưu “chống văcxin” có gây hại
Trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định trên mạng xã hội có một nhóm có lượng thành viên tham gia tới hàng chục ngàn người, trước đây có tên là “Chống văcxin”, gần đây tên nhóm đã thay đổi theo hướng phân tích lợi ích và nguy cơ của việc tiêm văcxin. Chuyên gia này cho rằng ở nhiều nước trên thế giới, phong trào chống văcxin đã ảnh hưởng rõ đến tỉ lệ tiêm chủng, nhưng ở VN đây mới là một trào lưu, ảnh hưởng chưa đáng kể.
Tuy nhiên, rõ ràng là tỉ lệ tiêm chủng ngừa các bệnh có văcxin vẫn chưa đạt, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Một trong những lý do quan trọng là người dân e ngại phản ứng sau tiêm. Năm 2013, văcxin 5 trong 1 sử dụng lúc đó là Quinvaxem liên quan nhiều phản ứng có hại, Bộ Y tế buộc phải tạm dừng sử dụng văcxin trong 5 tháng và ảnh hưởng tới kết quả tiêm chủng chung. Năm 2014, dịch sởi đã bùng phát. Có một dấu hiệu khá tương tự với vụ dịch sởi năm nay. Đó là cuối 2018 trong quá trình chuyển đổi văcxin 5 trong 1, loại văcxin mới được đưa vào sử dụng là ComBE Five lại liên quan nhiều trường hợp tai biến sau tiêm. Rất cần Bộ Y tế có số liệu thống kê xem tỉ lệ tiêm chủng có sụt giảm sau những sự cố này, tìm tận gốc nguyên nhân dịch sởi bùng phát, dù chiến dịch tiêm chủng liên tiếp được tổ chức.
Hầu hết trẻ mắc bệnh sởi do chưa chích ngừa
Ghi nhận vào sáng 18-2, tại khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), có cả trẻ em và người lớn nhập viện vì mắc sởi.
Chỉ còn vài ngày nữa là bé N.T.L. (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) tròn 9 tháng tuổi, tuy nhiên bé L. mắc sởi ngay thời điểm này mặc dù gia đình đã chủ động lên lịch đưa bé đi tiêm văcxin trong những ngày tới. Bé T.S.G.B. (12 tháng tuổi) thì mắc sởi do chưa tiêm ngừa sởi mặc dù bé đã đủ tuổi tiêm ngừa trước đó.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết thời gian này vào năm trước, thỉnh thoảng mới gặp một ca bệnh sởi, thậm chí không có ca nào thì ngày 18-2, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn có 61 trẻ mắc bệnh sởi nằm điều trị. Hầu hết những trẻ mắc bệnh sởi nhập viện đều không tiêm ngừa sởi trước đó.
Bác sĩ Việt nhận định hiện số ca mắc bệnh sởi nhập viện vẫn chưa có chiều hướng giảm đi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết hiện có khoảng 20 trẻ mắc bệnh sởi đang nằm điều trị tại đây. Hầu hết trẻ mắc bệnh sởi nhập viện trước đó đều chưa được chích ngừa. Bác sĩ Khanh cho rằng nếu vẫn còn nhiều trẻ em đến tuổi chích ngừa sởi mà vẫn không được chích ngừa thì số trẻ mắc bệnh sởi sẽ vẫn ở mức cao, thậm chí còn tăng lên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, hiện nay số bệnh nhi mắc sởi nhập viện cũng đang tăng so với trước Tết Nguyên đán, hiện có 16 ca xác định mắc sởi đang được điều trị tại khoa nhiễm.
Riêng Đồng Nai có hơn 500 ca mắc bệnh sởi. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh sởi đang tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Có 11/11 huyện thị thành đều ghi nhận có ca bệnh. Đa số các ca mắc bệnh sởi không được tiêm phòng ngừa sởi.
Theo ông Bạch Thái Bình – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh sởi tiếp tục bùng phát trong năm 2019. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là nhóm tiêm chủng vẫn còn bỏ sót, người nhập cư tại các khu công nghiệp nhiều.
X.MAI – T.DƯƠNG – T.LUỸ – A LỘC