19/11/2024

Ai dũng cảm làm “hạt tuyết” cuốn phăng những thứ lạc hậu?

Đọc những trăn trở của các em thiếu nhi đặt ra với lãnh đạo TP.HCM trên Tuổi Trẻ ngày 17-2, tôi nghĩ về những điều con trẻ đã và đang nhìn về người lớn, đang mong chờ ở người lớn…

Ai dũng cảm làm “hạt tuyết” cuốn phăng những thứ lạc hậu?

 
 
Đọc những trăn trở của các em thiếu nhi đặt ra với lãnh đạo TP.HCM trên Tuổi Trẻ ngày 17-2, tôi nghĩ về những điều con trẻ đã và đang nhìn về người lớn, đang mong chờ ở người lớn…


 

Ai dũng cảm làm “hạt tuyết” cuốn phăng những thứ lạc hậu? - Ảnh 1.

Người lớn dẫn trẻ qua đường không đúng vạch quy định trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi nhớ câu chuyện “hạt tuyết”. Nhiều hạt tuyết nhỏ có thể tạo thành một trận lở tuyết có sức mạnh kinh khủng. Nếu mỗi người lớn dám “hi sinh” một chút trong việc tiến đến cuộc sống văn minh hơn, đó mới là “di sản” cho con trẻ. Ai sẽ dũng cảm làm “hạt tuyết” cho thế hệ con cháu đây?

Từ chuyện vặt đến chuyện lớn

Con trẻ nêu vấn đề về chuyện giao thông, chuyện xả rác… Những chuyện này không mới, nhưng quan sát cuộc sống thì thấy gần như là chuyện nan giải. Ngày càng nhiều chuyện coi thường pháp luật, coi thường trật tự công cộng từ chính người lớn. Những bài học trong nhà trường và cách hành xử thực tế của người lớn khác xa nhau. Con trẻ của chúng ta tiếp thu được những gì, trưởng thành theo hướng nào?

Mỗi người có thể suy nghĩ thật kỹ rồi trả lời thành thật với chính mình một vài câu hỏi, ví dụ như: Đứng giữa một nhóm tranh thủ vượt đèn đỏ ở ngã tư, bạn có đủ “dũng cảm” làm khác họ không? Đi trên phố, một mẩu rác trong tay, dù nhỏ như giấy gói kẹo, bạn sẽ làm gì? Đến một đoạn đường có dấu hiệu ùn ứ, nhiều người nhào qua lấn trái để tìm đường thoát, bạn có kiên nhẫn đứng lại tại phần đường của mình để mọi thứ đi vào trật tự?

Có những chuyện khi xảy đến với người khác, chúng ta lên án mạnh mẽ, gay gắt. Nhưng nhiều khi chúng ta cũng hành xử y như vậy. Ai cũng lên án hành vi tham nhũng, điều đó đúng và tốt. Nhưng có bao nhiêu người tự vấn chính mình đã từng lạm dụng những thứ tạm gọi là “của công” ở nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống? 

Ai cũng lên án thói ích kỷ, tư lợi, nhưng nhiều người vẫn “hồn nhiên” giành phần hơn, vì lợi ích của bản thân mình, gia đình mình trước, lợi ích cộng đồng vẫn bị xếp sau…

Ví dụ khác, gặp một việc đúng đắn cần lên tiếng vì một nền tảng xã hội tốt hơn, chúng ta thường nghĩ, thậm chí “khuyên nhủ” người khác: “Thôi, việc mình là đi làm kiếm tiền lo cho vợ con!”.

Những người lớn luôn ưu tiên cho sự an toàn bản thân và gia đình mình, chỉ hi – sinh – một – cách – ươn – hèn để bảo vệ nồi cơm của nhà mình, không can đảm sống vì những điều cao thượng, tốt đẹp hơn sẽ tạo thêm được điều gì cho hậu sinh, tạo nền tảng nào cho con cháu? Nếu ai cũng mặc kệ những việc đúng – sai của xã hội thì trông mong gì cho tương lai? Xã hội tốt hơn được không nếu không có những cá nhân tốt?

“Món nợ” với đời sau

Lâu lâu, đọc thấy có một câu chuyện người tốt – việc tốt, cả xã hội ngợi ca, những tấm gương đó rất cần cho con trẻ. Nhưng điều chúng ta và con cái chúng ta cần là một nền tảng xã hội tử tế và công bằng. Chúng ta vẫn hay khen nước Nhật, khen Singapore sạch đẹp, văn minh. Từ đâu họ có điều ấy? 

Ngược lại thời gian, thập niên 60 thế kỷ trước, giao thông ở Nhật cũng rất lộn xộn, tình trạng vượt đèn đỏ xảy ra cũng nhiều, nhưng đúng là đã có một thế hệ chấp nhận thay đổi theo hướng tốt hơn để có hôm nay. Singapore thì sao? Đã có một “kỷ luật sắt” cho những hành vi vi phạm trật tự công cộng…

Sẽ rất thiệt thòi nếu chúng ta không thể tạo cho con trẻ một môi trường sống tốt. Bao giờ có một “môi trường sống tốt đẹp” nếu không có những người dũng cảm làm “hạt tuyết” góp sức cùng nhiều người trở thành một trận lở tuyết cuốn phăng những thứ lạc hậu. 

Pháp luật có, quy định có, chế tài cũng có, nhưng không thể nào xử lý hết được những hành vi này; trên hết, vẫn là sự tự trọng của mỗi người khi nghĩ về “món nợ” với đời sau.

Chuyện “lớn” trong mắt trẻ

Từ câu chuyện rác nhựa đến vấn đề phân loại rác tại nguồn; từ chuyện nhà vệ sinh không thể sử dụng vì quá mất vệ sinh đến chuyện người lớn không gương mẫu, thường xuyên vi phạm luật giao thông, đi đứng lộn xộn gây ùn tắc giao thông đến chuyện bán hàng rong lấn chiếm đường phố. Những cái sai của người lớn phơi bày mỗi ngày trước mắt con trẻ.

Giáo dục trẻ, không chỉ có những bài học trong sách vở. Một trong những phương pháp rất quan trọng và có hiệu quả nhất đó là sự làm gương của người lớn. Những bất cập còn tồn tại trong xã hội đều được các em thiếu nhi ghi nhận và suy nghĩ, và nhắc người lớn hãy nhìn lại mình.

Những bài học về luật pháp sẽ trở nên vô nghĩa khi các em bước ra khỏi trường thì lại chứng kiến cảnh người lớn không tuân thủ luật lệ. Nhà trường dạy các em phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định, liệu có ích gì khi khắp nơi người lớn vẫn vứt rác bừa bãi?

Chúng ta mong muốn trẻ bớt dán mắt vào màn hình điện thoại, bớt chơi game, mong trẻ biết chia sẻ… Điều này sẽ rất khó nếu thiếu những sân chơi, các hoạt động bổ ích cho các em, thiếu những chương trình dạy kỹ năng cho trẻ, thậm chí thiếu cả sự quan tâm đúng mức của người lớn trong nhà dành cho trẻ.

Những điều thiếu nhi phát biểu với lãnh đạo thành phố cũng chính là những điều trẻ đang mong từ người lớn, đang nhìn vào người lớn để học, để định hình văn hoá lối sống thế hệ sau mới. Vậy nên, người lớn bớt đi những tật xấu, giảm những hành vi sai chính là cách để lại nền tảng xã hội tốt hơn cho con em mình.

 

LÊ MINH TIẾN

THANH HƯƠNG