24/01/2025

Đi tìm bức tranh giáo dục mầm non

Trường công sa vào lối mòn, nhiều bất cập, còn trường tư thì loạn phương pháp, bất bình đẳng – đó là một phần bức tranh giáo dục mầm non hiện tại.

 

Đi tìm bức tranh giáo dục mầm non

Trường công sa vào lối mòn, nhiều bất cập, còn trường tư thì loạn phương pháp, bất bình đẳng – đó là một phần bức tranh giáo dục mầm non hiện tại.


 

Đi tìm bức tranh giáo dục mầm non - Ảnh 1.

Ảnh: N.V.N.

Đọc lại Giáo dục mới tại Việt Nam thập niên 1940, chúng ta có thêm nhiều thông tin để đối chiếu với khái niệm “Giáo dục mới” (Progressive Education hay Éducation Nouvelle) được nhiều nhà đầu tư các cơ sở giáo dục mầm non sử dụng để truyền thông gần đây.

Trường công sa vào lối mòn, nhiều bất cập, còn trường tư thì loạn phương pháp, bất bình đẳng – đó là một phần bức tranh giáo dục mầm non hiện tại.

Phụ huynh phải chi trả mức học phí cao ngất ngưởng cho con em mình được thụ hưởng “Giáo dục mới”, nhưng lại không khỏi băn khoăn tự hỏi: Giáo dục mới, thực chất là gì?

Khái niệm “Giáo dục mới” gần đây được nhiều nhà đầu tư các cơ sở giáo dục mầm non sử dụng để truyền thông như là “cây đũa thần” về phương pháp, hứa hẹn giải quyết khủng hoảng lòng tin xã hội, đem lại không gian vui học, khuyến khích phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo cho trẻ… Nhưng lời hứa “phép mầu” từ “cây đũa thần” ấy hầu như chỉ đến với con em những gia đình khá giả.

Công trình du khảo của Nguyễn Thuỵ Phương – tiến sĩ giáo dục ĐH Paris Descartes – về Giáo dục mới thuở ban đầu có tựa Giáo dục mới tại Việt Nam thập niên 1940 với nội dung về Những nhà tiên phong, Đi tìm trường mẫu giáo tư thục đầu tiên của người Việt (Phanbook và NXB Văn Hóa Văn Nghệ) đem lại những hiểu biết đầy thú vị.

Nhà nghiên cứu sinh năm 1980 đã thông qua những trước tác khoa học quan trọng và đặc biệt, khám phá, xử lý những kho tư liệu gia đình, các văn khố tại Pháp, Thụy Sĩ và Việt Nam để vẽ lại tấm bản đồ du hành của Giáo dục mới từ châu Âu vào Việt Nam – đi cùng lý tưởng canh tân và khát vọng “tự lực khai hóa” của của những nhà tiên phong trong lịch sử.

Từ đó, bức tranh chi tiết về ngôi trường mẫu giáo tư thục hình mẫu đầu tiên do người Việt mở ra tại Hà Nội cũng được phục dựng lại đầy sống động trên trang sách. Như những trang sử biên niên được kể cô đọng, giản dị nhưng đầy tính khám phá, Nguyễn Thụy Phương cung cấp một phông nền về lịch sử giáo dục mầm non của người Việt trong thời Pháp thuộc.

Chương 3 là trung tâm của công trình với những trình thuật thú vị. Tác giả lần theo bước chân của nhà thực hành giáo dục Nguyễn Phước Vĩnh Bang đưa tinh thần văn minh, tiến bộ trong giáo dục từ châu Âu về triển khai trên quê hương.

Năm 1946, ông Nguyễn Phước Vĩnh Bang và vợ (bà Nguyễn Thị Tuất) đã đứng ra mở Trường mẫu giáo và cơ bản Bách Thảo tại đường Tống Duy Tân để thực hành Giáo dục mới. Tại đây, chính thức phương pháp Giáo dục mới có mặt tại Việt Nam từ những nỗ lực “phụng sự trẻ em”, với 15 cộng sự và gần 300 trẻ em từ 4 đến 12 tuổi.

Nguyễn Phước Vĩnh Bang là nhà nghiên cứu tâm lý học sư phạm quan trọng tại Thụy Sĩ. Ông là cánh tay phải của nhà tâm lý học giáo dục Jean Piaget trong suốt ba thập niên 1950 – 1970.

Vai trò của hướng đạo trong giáo dục giá trị con người một thời cùng với những lý tưởng tự lực khai khóa của giới trí thức, tư sản trong việc tạo ra một môi trường giáo dục mầm non tích cực là một phát hiện mới đáng chú ý của cuốn sách du khảo này.

Một điều thú vị nữa, qua chân dung những nhà tiên phong trong giáo dục mầm non, Nguyễn Thụy Phương đã chi tiết hóa bức chân dung của Nguyễn Phước Vĩnh Bang, nhà tâm lý học sư phạm hàng đầu của Thụy Sĩ nói riêng và châu Âu nói chung. Một nhân vật văn hóa gốc Việt nhưng hãy còn quá xa lạ với người Việt.

Và sau cùng, những khám phá đáng ngạc nhiên từ công trình này gửi đến hiện tại và tương lai một thông điệp nhân văn. Đây còn là câu hỏi lớn về trách nhiệm dành cho những “vườn ươm con người”, sự trang bị những giá trị làm người bình đẳng và văn minh trong xã hội ở thời hiện tại và tương lai.

“Trường nhận trẻ nhà giàu cũng như trẻ nhà nghèo…”

Giáo dục mới, khái niệm tưởng chừng xa lạ, đã được nhà nghiên cứu tâm lý học sư phạm Nguyễn Phước Vĩnh Bang diễn giải dung dị thế này: “Nhà trường nhận trẻ nhà giàu cũng như trẻ nhà nghèo, những trẻ khỏe mạnh cứng cáp cũng như những bé ốm yếu, những trẻ sạch sẽ, nhanh nhẹn, thông minh cũng như những em đầu di truyền tai hại, những trẻ đã chịu cuộc đời khổ sở, mất cả lòng tin.

Nhưng bất luận trẻ nào, nhà trường cũng cố làm cho các trẻ tập cuộc sống hợp đoàn, cố để hiểu, để trọng luật chung, chung sức trong lúc tập học cũng như lúc chơi đùa, chú ý đến công việc, gắng sức làm cho khéo, đẹp với tất cả thông minh, nhẫn nại, bền bỉ và vui vẻ”.

 

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN