25/01/2025

Tranh đương đại Việt khẳng định vị thế

Nhiều phiên đấu giá của các họa sĩ đương đại VN vừa diễn ra khá sôi nổi. Trong đó, không thể không nhắc đến một số tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại được bán ra với mức giá cao cho thấy thị trường tranh của nước ta có nhiều chuyển biến.

 

Tranh đương đại Việt khẳng định vị thế

Nhiều phiên đấu giá của các họa sĩ đương đại VN vừa diễn ra khá sôi nổi. Trong đó, không thể không nhắc đến một số tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại được bán ra với mức giá cao cho thấy thị trường tranh của nước ta có nhiều chuyển biến.


 
 

Tác phẩm Cá voi của họa sĩ Phạm An Hải
Tác phẩm Cá voi của họa sĩ Phạm An Hải

 
 
Nghệ thuật đương đại có sức hấp dẫn
 
 
Tranh đương đại Việt khẳng định vị thế - ảnh 1
Mỹ thuật VN đang trở thành mảnh đất màu mỡ. Điều này thuận theo lẽ tự nhiên, vì tranh Đông Dương càng ngày càng hiếm, trong khi các nhà sưu tập cũng như người yêu tranh mỗi lúc một nhiều hơn
Tranh đương đại Việt khẳng định vị thế - ảnh 2
 
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim – Khôi
 

Hồi trung tuần tháng 1 vừa qua, trong phiên đấu giá Hội họa VN thế kỷ 20 và đương đại do nhà đấu giá Lythi Auction tổ chức tại TP.HCM, các tác phẩm của nghệ sĩ đương đại được bán ra với mức giá dao động từ 500 triệu đồng trở lên. Tác phẩm Cát Bà 7 (sơn dầu, 110 x 135 cm, vẽ năm 2011) của họa sĩ Trần Lưu Hậu đã trải qua 14 bước đấu giá sôi nổi và bán 788.453.000 đồng với mức giá khởi điểm là 463.796.000 đồng. Tác phẩm Cá voi (sơn dầu, 100 x 200 cm, 2011) của Phạm An Hải bán với giá 486.985.956 đồng. Tác phẩm Cảnh nông thôn (sơn dầu, 135 x 155 cm, 2003) của Hoàng Hồng Cẩm (1959 – 2011) bán 231.898.000 đồng. Tác phẩm Young Lady (sơn dầu, 80 x 80 cm, 2014) của Nguyễn Trung bán 347.847.000 đồng. Số tiền thu được từ việc đấu giá tác phẩm của các họa sĩ đương đại tại phiên đấu giá được nhiều người nhận định là một tín hiệu vui, cho thấy sự chuyển hướng trong sưu tập, cũng như sự vươn lên của mỹ thuật đương đại Việt. Bởi trước đây các tác phẩm của những họa sĩ danh tiếng đã mất như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nam Sơn, Phan Kế An… mới thật sự tạo được tiếng vang tại thị trường tranh cả trong nước lẫn quốc tế.

Ngoài ra, phải kể đến việc các họa sĩ đương đại còn tự biết “tiếp thị” các tác phẩm của mình thông qua kênh Facebook cá nhân, hoặc các trang, nhóm chuyên ngành mỹ thuật trên mạng xã hội. Thậm chí họ còn tự tổ chức đấu giá tranh của chính mình hoặc của một số đồng nghiệp khác. Bên cạnh đó, một số họa sĩ đương đại còn “thuyết phục” được nhà đầu tư bỏ vốn cho các hoạt động sáng tác của mình. Ví dụ cuối năm ngoái, Hathor Art Gallery cho biết đã mua hơn 30 bức tranh của hai họa sĩ trẻ chưa nổi là Mai Đại Lưu và Vũ Mười để triển lãm See ever by Vu Muoi & Mai Dai Luu.
 
Tranh đương đại Việt khẳng định vị thế - ảnh 3

Tác phẩm Cát Bà 7 của họa sĩ Trần Lưu Hậu  ẢNH: D.T

 
Việc mua lại các tác phẩm và hỗ trợ các họa sĩ trẻ khiến nhiều người đánh giá việc đầu tư của Hathor Art Gallery quá mạo hiểm. Anh Bảo Hoài Nam, Giám đốc nghệ thuật của Hathor Art Gallery, cho biết: “Vào tháng 5.2019, trong khuôn khổ hoạt động đưa các họa sĩ trẻ VN đến với Hội chợ nghệ thuật Affordable Art Fair tại London (Anh), Hathor Art Gallery tài trợ tất cả các chi phí gồm: đăng ký tham dự, thuê vị trí, tổ chức không gian trưng bày, dự kiến lên tới 370 triệu đồng, chưa kể chi phí vé máy bay, lưu trú… cho các thành viên trong đoàn đến Anh hỗ trợ”. Bên cạnh đó, Hathor Art Gallery cam kết mua tối thiểu 50% số tác phẩm được lựa chọn tham dự Hội chợ nghệ thuật Affordable Art Fair cùng nhiều điều khoản khác nhằm thể hiện vai trò và trách nhiệm của Hathor Art Gallery đối với các họa sĩ trẻ.

Tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt

Việc thị trường tranh có nhiều chuyển biến mới khi người mua tranh lẫn các nhà đầu tư chú ý tới các họa sĩ trẻ, chị Nguyễn Lệ Chi, đại diện Chi Art Space, một trong những đơn vị trong lĩnh vực sàn đấu giá tranh online, đồng thời còn hỗ trợ cho các hoạt động triển lãm và truyền thông cho các họa sĩ đương đại, nói: “Qua mạng xã hội, những người vốn yêu thích nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng có điều kiện thưởng thức tranh online trực tiếp từ các nhóm của các gallery, các đơn vị bán đấu giá tranh online… và thậm chí từ chính các họa sĩ”.
 
Tranh đương đại Việt khẳng định vị thế - ảnh 4
Tác phẩm Young Lady của họa sĩ Nguyễn Trung
 

“Việc tiếp cận internet, nhìn sang thị trường tranh của các nước khác cũng giúp người xem dễ so sánh, tìm hiểu được giá cả và thậm chí tiếp cận được trực tiếp với người bán, với họa sĩ”, chị Nguyễn Lệ Chi nói thêm.
 
Chia sẻ về việc nhiều tác phẩm của các họa sĩ đương đại đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim – Khôi khẳng định: “Đây là một biến chuyển tốt. Mỹ thuật VN đang trở thành mảnh đất màu mỡ. Điều này thuận theo lẽ tự nhiên, vì tranh Đông Dương càng ngày càng hiếm, trong khi các nhà sưu tập cũng như người yêu tranh mỗi lúc một nhiều hơn”. Bà Lý Bích Ngọc, Giám đốc điều hành Lythi Auction, nhận định: “Nghệ thuật đương đại VN chắc chắn sẽ là một thành tố mới, có sức hấp dẫn để đầu tư vào thị trường nghệ thuật VN trong tương lai”.
 
 
DIỄM THƯ