24/12/2024

Chiến tranh Việt-Trung 1979: Diễn biến và hậu quả

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ đất nước Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung Quốc, chúng ta cần ôn lại bài học lịch sử để cẩn thận hơn trong quan hệ bạn bè.

Chiến tranh Việt-Trung 1979: Diễn biến và hậu quả

Tác giả: Việt Long

Diễn biến chiến tranh 1979

Cuộc tấn công được bắt đầu vào 3 giờ sáng ngày 17/2/1979. Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Từ đêm 16/2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với “lực lượng thứ năm” bí mật cắt các đường dây điện thoại, phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, cây cầu, khai quật các hầm vũ khí đã được chôn lấp chuẩn bị trước. Được sự dẫn đường của lính sơn cước và đạo quân thứ năm, quân Trung Quốc vòng qua các vị trí đồn công an vũ trang Việt Nam, thọc sâu, đánh chiếm các vị trí huyện lỵ quan trọng.[1] Có thể nói Trung Quốc đã hoàn toàn giữ được yếu tố bất ngờ và chủ động trong dụng binh.

Tối 17/2/1979, Thông tấn xã Việt Nam kêu gọi Liên Xô và các nước anh em giúp đỡ bảo vệ Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi ngay Công hàm cho Liên Hợp Quốc kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay cuộc chiến xâm lược.

Ngày 18/2/1979, Liên Xô ra tuyên bố ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam; “Nhân dân Việt Nam anh hùng, lại vừa trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược hôm nay, có đủ khả năng để quật khởi cho chính họ một lần nữa, và hơn thế họ có những người bạn tin cậy được. Liên Xô sẽ nghiêm chỉnh tôn trọng những cam kết theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên bang CHXHCN Xô viết và CHXHCN Việt Nam”.[2] Liên Xô cũng cảnh báo Trung Quốc bằng việc đặt các lực lượng vũ trang Liên Xô ở Siberia vào tình trạng báo động đồng thời cung cấp cho Việt Nam một số thông tin quân sự thu được từ vệ tinh do thám. Ngày 19/2/1979, một nhóm các cố vấn quân sự của Liên Xô do đại tướng Gennady Obaturov dẫn đầu tới Hà Nội.[3] Trong giai đoạn từ khi cuộc xung đột bắt đầu (giữa tháng 2) đến cuối tháng 3/1979, bằng đường thủy, Liên Xô đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe bọc thép, xe chở quân, 400 cỗ pháo và súng phóng lựu, 50 dàn phóng đạn phản lực 40 nòng, cỡ 122 mm “Grad”, hơn 100 cỗ pháo cao xạ, 400 đồng bộ cao xạ di động cùng hàng ngàn tên lửa đi theo, 800 súng chống tăng của bộ binh, 20 máy bay tiêm kích.[4] Hai hoạt động trợ giúp quân sự đáng kể nhất của Liên Xô là giúp hỗ trợ vận chuyển hàng không quân đội Việt Nam từ biên giới Tây Nam về Bắc và triển khai một số tàu chiến ngăn chặn tàu Mỹ ở Biển Đông vào những tuần đầu tháng 3. Liên Xô cũng triển khai một cuộc tập trận từ ngày 12 đến 26 tháng 3 năm 1979 trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương.[5] Phản ứng ngoại giao và quân sự của Liên Xô cho thấy họ sẽ không can thiệp khi cuộc xung đột chỉ ở mức độ hạn chế.[6] Liên Xô không có ý định động binh ở một quy mô lớn nguy hiểm với Trung Quốc chỉ để cứu Việt Nam. Trong cùng thời gian, các cuộc đàm phán biên giới Xô – Trung vẫn được tiến hành và đạt được một số thỏa thuận về hải hành trên sông biên giới.[7]

Nghiên cứu của Trung Quốc chia cuộc chiến 29 ngày thành hai giai đoạn: cuộc chiến phản kích tự vệ (17/2-5/3) và cuộc rút lui (5/3-16/3).

Trong những ngày đầu tiên, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam có chỗ đến 15-20 km.[8] Dù bị bất ngờ song chỉ với lực lượng công an vũ trang và dân quân địa phương, Việt Nam đã quả cảm chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày. Trung Quốc chỉ vào được Lạng Sơn ngày 5/3[9] trước khi tuyên bố rút quân. Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên đã không đạt được mục tiêu hợp điểm ở thị xã Cao Bằng. Một lực lượng nhỏ bộ đội Việt Nam và dân quân tự vệ đã kiên cường chặn đứng bước tiến của quân đoàn Trung Quốc tại đèo Khau Chỉa, thuộc địa phận thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa, Cao Bằng), Trung Quốc buộc phải đưa thêm xe tăng, xe bọc thép và lực lượng dự bị vào vòng chiến. Tại các tuyến Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, quân Trung Quốc cũng chịu những tổn thất nặng nề.

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc.[10] Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và rút quân. Tuyên bố rút quân có đoạn: “Quân đội biên phòng Trung Hoa sau khi đạt được những mục đích đề ra vì buộc phải mở cuộc phản công tự vệ ngày 17 tháng 2 chống lại những cuộc xâm lấn và xâm lược có vũ trang không dứt của quân xâm lược Việt Nam chống Trung Hoa, nay Chính phủ Trung Hoa tuyên bố kể từ ngày 5/3 tất cả các quân biên giới Trung Hoa sẽ rút lui về lãnh thổ Trung Hoa. Chính phủ Trung Hoa nhấn mạnh rằng chúng tôi không muốn một phân đất của Việt Nam nhưng chúng tôi cũng không chịu được những cuộc xâm nhập phá hoại vào trong lãnh thổ Trung Hoa. Tất cả những gì mà chúng tôi muốn là một đường biên giới hòa bình và bền vững…”.[11] Trung Quốc cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán mà ngay từ đầu chiến tranh Việt Nam đã từng đề nghị nhưng không được đáp ứng. Đặng Tiểu Bình phát biểu quân đội Trung Quốc có thể đánh thẳng đến Hà Nội nếu muốn song chiếm đóng thủ đô Việt Nam không phù hợp với mục tiêu cuộc “phản kích tự vệ” của Trung Quốc.[12] Quân giải phóng Trung Hoa đã đánh bại hoang tưởng bất khả chiến bại và đội quân mạnh thứ ba thế giới của Việt Nam. Trung Quốc đã chứng tỏ Việt Nam không mạnh như họ tưởng.[13]

Các tác giả Trung Quốc coi đây là 16 ngày gây sốc cho thế giới[14] vì hành vi dạy cho Việt Nam một bài học từ Trung Quốc, hai nước anh em XHCN. Dù từng tuyên bố về ý định trừng phạt trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.[15] Các nước đều chăm chú theo dõi với quan ngại cuộc chiến có thể kéo theo sự can thiệp của các cường quốc khác như Liên Xô và Mỹ. Từ phía khác, đây đúng là những ngày gây sốc vì:

  1. Tính chất ác liệt của chiến tranh và sức chiến đấu kiên cường của dân quân tự vệ, bộ đội địa phương Việt Nam đã làm phá sản nhanh chóng kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của đội quân mạnh hơn gấp 10 lần. Sức chiến đấu và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đã làm ngạc nhiên thế giới trong điều kiện không có giúp đỡ vật chất từ nước khác, ngoài các tuyên bố lên án chiến tranh, ủng hộ Việt Nam từ các nước XHCN và nhân loại tiến bộ. [16]
  2. Năng lực chiến đấu của Quân giải phóng Trung Hoa không như đánh giá. Các tướng Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ đổ gục ngay từ cú đánh đầu tiên và họ sẽ dễ dàng bị quét sạch. Thực tế quân đội Trung Quốc đã bị tổn thất nặng nề. Quân Việt Nam cũng thực hiện những cú giáng trả ngay vào hậu phương Trung Quốc. Ngày 1/3/1979, AFP và Tân Hoa Xã đều xác nhận có một cuộc đột kích “cảm tử” vào phi trường Ninh Minh (Ningming) trong tỉnh Quảng Tây, cách xa biên giới bốn mươi cây số.
  3. Tuyên bố rút quân nhanh chóng của Đặng Tiểu Bình khi Trung Quốc thông báo đã chiếm được Lạng Sơn mở toang cánh cửa vào Hà Nội. Ngoài sức chiến đấu không ngờ tới của quân địa phương Việt Nam, lý do Quân giải phóng Trung Quốc phải rút còn do những trở ngại khó khắc phục về hậu cần và khả năng đụng độ lớn với quân chủ lực Việt Nam được điều động từ chiến trường Tây Nam ra Bắc. Một lý do khác là những người lãnh đạo ở hai bên chiến tuyến đã quá hiểu nhau. Đặng Tiểu Bình và Lê Duẩn đã có nhiều lần gặp mặt và đều là những người quyết đoán. Trong bài phát biểu của mình sau chiến tranh 1979, Lê Duẩn đã khái quát: “Trung Quốc hiện nay có một đội quân ba triệu rưỡi người nhưng họ phải để lại một nửa trên biên giới Trung – Xô để phòng ngừa Liên Xô. Vì lý do đó nếu họ có mang một hoặc hai triệu quân sang đánh ta, chúng ta cũng không hề sợ hãi gì cả. Chúng ta chỉ có sáu trăm ngàn quân ứng chiến và nếu sắp tới chúng ta phải đánh với hai triệu quân thì cũng không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ vì chúng ta đã biết cách chiến đấu. Nếu họ mang vào một triệu quân thì họ cũng chỉ đặt được chân ở phía Bắc. …Phải đối mặt với những làng mạc, thành phố, nhân dân và công tác phòng ngự, không ai có thể thực hiện một cuộc tiến công hiệu quả chống lại từng người dân. Thậm chí có phải đánh nhau hai, ba năm hoặc bốn năm, họ cũng không thể tiến vào được. …Mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và họ sẽ không thể xâm nhập vào được”.[17] Lý do thứ tư, Trung Quốc chủ động rút quân theo kế hoạch khi mục tiêu hợp thức hóa các tranh chấp lãnh thổ đã đạt được và Trung Quốc tính toán đủ để vấn đề không bị đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, không gây cớ cho sự can thiệp nếu có từ phía Liên Xô hay khó xử cho Mỹ, nước ngầm ủng hộ cuộc chiến tranh. Tuyên bố rút quân được đưa ra vài giờ trước khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng ban hành lệnh tổng động viên. Khi đó hoàn toàn là một cuộc chiến tranh xâm lược, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, buộc Hội đồng Bảo an phải xem xét. Đặng Tiểu Bình hiểu rõ quyết tâm của Việt Nam và sự lợi hại của chiến tranh du kích. Tuyên bố rút quân của ông đã được tính toán kỹ song nó gây sốc cho công chúng, những người chưa hiểu rõ thế mạnh chiến tranh du kích của Việt Nam. Lịch sử nhiều lần chứng minh các cuộc tấn công thần tốc từ phương Bắc cuối cùng đều bị đánh bại khi tiến sâu vào đồng bằng Bắc Bộ.
  4. Mức độ tàn ác của quân Trung Quốc khi thực hiện lệnh của Hứa Thế Hữu “sát cách vô luận”, bất kể là gặp người Việt Nam nào dù già hay trẻ, nam hay nữ đều là kẻ địch và phải giết hết[18].Ngày 22/2/1979, lính Trung Quốc thả hơi độc vào pháo đài Đồng Đăng giết hại hơn 400 dân và thương binh; ngày 9/3/1979, trong vụ thảm sát ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, lính Trung Quốc trên đường rút quân về nước đã dùng gậy, cuốc đập sọ 43 người, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và quẳng tất cả thi thể xuống giếng cổ.

Ngày 7/3, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam tôn trọng nhân dân Trung Hoa, cố gắng duy trì tình hữu nghĩ bền vững và mong muốn lập lại hòa bình trong khu vực Đông Nam Á. …Nếu việc triệt thoái là một âm mưu che đậy chính sách xâm lược thì nhân dân Việt Nam sẽ đánh trả. Lệnh tổng động viên đã có hiệu lực và nhân dân Việt Nam sẽ đáp ứng lời kêu gọi để sẵn sàng chiến đấu.”[19] Các cuộc đàm phán ở cấp Thứ trưởng ngoại giao sẽ được tiến hành với điều kiện quân Trung Quốc phải rút hết về nước. Quân đội Việt Nam thi hành chính sách nhân đạo “trải thảm đỏ” cho quân Trung Quốc rút lui mà không tổ chức các cuộc truy kích. Ngược lại, cuộc rút quân của Trung Quốc với chính sách tận diệt đã mang lại biết bao đau thương, thiệt hại cho Việt Nam. Các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và một số thị trấn khác bị san phẳng. Các nhà báo nước ngoài đưa tin quân Trung Quốc trên đường rút đã cướp bóc, tàn sát và phá hoại, đốt phá nhà cửa của dân chúng Việt Nam.[20] Chiến dịch tàn phá này được lính Trung Quốc gọi là “nụ hôn từ biệt”.

Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam ra một “Bị vong lục”, tố cáo Trung Quốc:

  1. xâm canh, xâm cư, xâm lược lấn đất;
  2. lợi dụng các công trình hữu nghị để di chuyển những trụ mốc;
  3. đơn phương xây dựng các công trình biên giới lấn vào lãnh thổ Việt Nam;
  4. “mượn đất Việt Nam để lấn vào lãnh thổ;”
  5. xê dịch mốc biên giới và xuyên tạc luật pháp để lấn đất;
  6. Làm đường biên giới lấn sang Việt Nam;
  7. Lợi dụng việc vẽ bản đồ cho Việt Nam để sửa biên giới;
  8. Dùng lực lượng vũ trang để đóng đồn, lấn đất;
  9. Chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng nhai đi nhai lại luận điểm “Trung Quốc không thèm một tấc đất của Việt Nam.”[21]

Ngày 16/3/1979, Bắc Kinh tuyên bố đã hoàn tất việc rút quân, và kêu gọi Việt Nam triệt thoái khỏi Campuchia.

Tuy nhiên, một số tài liệu chưa được kiểm chứng cho biết ngày 22/3/1979, Trung Quốc huy động thêm quân, chiếm 30 điểm trên lãnh thổ Việt Nam, dời 6 cột mốc biên giới ở Lạng Sơn; 10 ở Hoàng Liên Sơn; 10 ở Hà Tuyên. Lỗ Minh, Ðại biện Trung Quốc ở Hà Nội, tuyên bố quân Trung Quốc chỉ chiếm lại lãnh thổ Trung Hoa. Thực sự cho đến cuối năm 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân như tuyên bố. Suốt hơn 10 năm (1979-1990), chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất là năm 1984-1985. Chiến sự tập trung ở những khu vực không được biết đến, xa đường giao thông, cửa khẩu quốc tế nhằm hạ thấp sự chú ý của dư luận quốc tế. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân chuyển tới biên giới, biến biên giới Bắc Việt Nam thành thao trường.

Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới.

Hậu quả chiến tranh

Hoàn Cầu Thời báo bản điện tử ngày 2/3/2015 dẫn nguồn Trung Quốc viết rằng: “Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam. Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2.173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng”.[22]Hà Nội cho rằng chỉ có dân quân và các lực lượng địa phương đã tham gia vào cuộc xung đột, và không áp dụng một chiến thuật phòng thủ nào nhưng đã tấn công liên tục, gây thương vong và thiệt hại nặng nề cho đối phương. Theo VNExpress ngày 17/2/2015, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, hàng chục nghìn người thiệt mạng trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ; 400.000 gia súc bị giết và bị cướp; hàng chục nghìn ha hoa màu bị tàn phá. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản.[23] Hầu hết các thị xã, thị trấn mà Trung Quốc chiếm được đều bị phá hủy một cách có hệ thống. Tại thị xã Cao Bằng, quân Trung Quốc dùng thuốc nổ phá sập bất cứ công trình gì từ công sở đến bưu điện, từ bệnh viện đến trường học, từ chợ đến cầu. Tại thị xã Cam Đường trên bờ sông Hồng, cách biên giới khoảng 10km, ngoài việc phá hủy thị xã, quân Trung Quốc còn cho đốt cả mỏ apatit. Những hoạt động này một phần nằm trong các phá hoại có kế hoạch và tổ chức với mục đích đánh vào nền kinh tế Việt Nam, một phần do binh lính Trung Quốc sang Việt Nam bị sốc vì sự khốc liệt, sức kháng cự của quân đội Việt Nam cũng như sự bất hợp tác, xa lánh, chống đối của dân bản xứ. Giáo sư sử học Edward C. O’dowd tổng kết “người Việt Nam rất yêu nước, thấm nhuần tư tưởng chính trị, giỏi chịu đựng, không dễ bị lung lạc,…”.[24]

Theo tướng Ngũ Tu Quyền, Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc có hơn 2 vạn chiến binh tử trận trên chiến trường Bắc Việt Nam.[25] Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy.. Russell D. Howard thì cho rằng quân Trung Quốc thương vong 6 vạn người, trong đó số chết là 26.000. Sử gia Mỹ gốc Hoa King C. Chen nói phía Trung Quốc có 26.000 quân bị chết và 37.000 người bị thương. Trương Hiểu Minh sử dụng con số này.[26] Phía Việt Nam có 30.000 binh sĩ bị chết và 32.000 người bị thương; Phía Trung Quốc đã trao trả 1.638 tù binh Việt Nam đổi lấy 260 tù binh Trung Quốc.[27] Tạp chí Time của Mỹ lại đưa ra con số khá khác biệt: ít nhất 20.000 lính Trung Quốc thiệt mạng, trong khi số bộ đội Việt Nam chết chưa tới 10.000.[28]

Gần đây, phía Trung Quốc đưa ra số liệu khác, giảm tổn thất, cho rằng chỉ có 6.900 lính chết và 15.000 bị thương, tổng số thương vong là 21.000 trong tổng số lực lượng tham gia chiến hơn 300.000 tức chưa tới 1% (0.7%).[29] Tạp chí Quân đội Nhân dân và Tạp chí Cộng sản của Việt Nam số tháng 4 năm 1979 cho biết Việt Nam đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 280 xe tăng và xe bọc thép, 279 xe vận tải, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, bắt nhiều tù binh”[30] Con số ước lượng của Việt Nam về tổng thiệt hại và thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người trên tổng số 600.000 quân tham chiến (chiếm 1.04%). Đã có cả một đại đội sơn cước Trung Quốc gồm cả phó chỉnh ủy trung đoàn đi cùng ra đầu hàng.[31]

Dù theo con số nào thì các nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng Việt Nam “trên thực tế đã chiến đấu tốt hơn” quân Trung Quốc và thương vong của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh ngắn như vậy là quá cao, trung bình một ngày mất một trung đoàn, phản ánh chiến thuật biển người của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, sẵn sàng thí quân.[32] Henry Kissinger trong cuốn On China đã đưa ra một so sánh: “…PLA tiến quân rất chậm và phải trả giá đắt. Theo thống kê của một số nhà phân tích, trong một tháng giao tranh với Việt Nam, số thiệt mạng của PLA ngang với số lính Mỹ bị giết trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam”.[33] Ông cũng nhận định: Cuộc chiến ngắn ngày đã tiêu tốn của Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cải cách kinh tế. Việt Nam cũng bị tổn hại nặng nề về kinh tế, chịu hậu quả bởi chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và Trung Quốc. Hai nước có hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới, trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng nặng hơn do buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả mất cân đối, mất cân bằng, tác động xấu đến nền kinh tế. Sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng tiêu cực.

————————–

[1]Bài học đau đớn từ “đội quân thứ 5” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh 1979, Lao Động, 18/2/2015.

[2]Sông Hồng, Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, www.vietrade.net In tại Mỹ, 1999-2005

[3]Các cố vấn Liên Xô và cuộc chiến tranh 30 ngày ở Việt Nam, http://vietnamese.ruvr.ru/2011/02/17/44740573.html

http://soha.vn/quan-su/vi-dai-tuong-lien-xo-da-sat-canh-cung-viet-nam-nam-1979-la-ai-20160216171001044.htm ngày 18/2/2016

[4]Tháng 2/1979: Liên Xô cảnh cáo “Không được động đến Việt Nam”. http://soha.vn/quan-su/thang-21979-lien-xo-canh-cao-khong-duoc-dung-den-viet-nam-20140217022631312.htmngày 18/2/2016

[5] Các cuộc diễn tập quy mô lớn nhất diễn ra trên lãnh thổ Mông Cổ, huy động tới 6 sư đoàn bộ binh cơ giới và sư đoàn tăng, trong đó có 3 sư đoàn được điều động tới Mông Cổ từ Sibir và Zabaikal. Trong khuôn khổ cuộc diễn tập này còn có sự góp mặt gần 3 sư đoàn không quân, 2 lữ đoàn độc lập và một số liên binh đoàn và đơn vị tăng cường. Tại biển Đông, và biển Hoa Đông, gần 50 chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, trong số đó có 6 tàu ngầm đã trực chiến sẵn sàng chiến đấu và tiến hành tập trận đánh tiêu diệt hải quân đối phương. “Tháng 2/1979: Liên Xô cảnh cáo “Không được động đến Việt Nam”. http://soha.vn/quan-su/thang-21979-lien-xo-canh-cao-khong-duoc-dung-den-viet-nam-20140217022631312.htm ngày 18/2/2016

[6]John Blodgett, “Vietnam: Soviet Pawn or Regional Power?” in Rodney W. Jones and Steven A. Hildreth, eds., Emerging Powers Defense and Security in the Third World, New York, Praeger Publishers, 1986, 98

[7]Xinhua (Tân Hoa Xã), 27 Tháng Hai 1979.

[8] Edward C. O’Dowd (2007). Chinese Military Strategy in the Third Indochina War: The Last Maoist War. Routledge., p. 46

[9]Videoclip“Tái hiện cuộc chiến tranh tự vệ phản kích Việt Nam”.Đài phát thanh truyền hình tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc thực hiện, Bản điện tử của Hoàn Cầu thời báo ngày 2/3/2015

[10] Quyết định Tổng động viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ngày 5/3/1079, Nhân Dân ngày 6.3.1979

[11]New York Times, March 6, 1979.

[12] Henry Kisinger, On China, p. 501-503

[13]Li Man Kin, Sino-Vietnanese War, Kingsway International Publications, Hongkong 1981, ISBN 962-7051-02-2, p. 58.

[14]Li Man Kin, Sino-Vietnanese War, p. 56.

[15]Herbert S. Yee, The Sino-Vietnamese Border War: China’s Motives, Calculations and Strategies, China Report (New Delhi, India), Vol. 16, No 1, 1980, p. 15-32.

[16] Liên Xô có yêu cầu gửi phi công chiến đấu sang Việt Nam nhưng Hà Nội đã từ chối. Laurent Cesari (1995). L’Indochine en guerres 1945-1993. Paris: Belin, 1995, p.266

[17] Bài phát biểu của Lê Duẩn.(Tài liệu lưu tại thư viện quân đội, Hà Nội. Tài liệu do Christopher E. Goscha phát hiện và dịch sang tiếng Anh, Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris. Bùi Xuân Bách lại chuyển ngữ ngược lại từ Anh sang Việt

[18] Những tư liệu quý về cuộc chiến chống bành trướng Bắc Kinh 1979, http://thcsbachthuan.vuthutb.edu.vn/tintucthongbao/tainguyen/tulieu/nhungtulieuquyvecuocchienchongbanhtruongbackinh1.html

[19]Nhân Dân, 7/3/1979.

King C. Chen, China’s War Against Vietnam: A Military Analysis, The Journal of East Asian Affairs, Vol. 3, Issue 1, 1983, p. 233-263. Ngô Bắc dịch

[20]Linda Mathew, Los Angeles Times, March 7. 1979, p. 1 and 19

Henrry Kamm, New York Times, March 9, 1979

[21] Nguyễn Ngọc Minh, “Bọn bành trướng và bá quyền nước lớn Trung Quốc phạm tội ác xâm lược, tội ác chống hòa bình và an ninh quốc tế;” UBKHXHVN, Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh (Hà Nội: KHXH, 1979), tr. 134-135

[22]Videoclip“Tái hiện cuộc chiến tranh tự vệ phản kích Việt Nam”.Đài phát thanh truyền hình tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc thực hiện, Bản điện tử của Hoàn Cầu thời báo ngày 2/3/2015

[23]35 năm cuộc chiến biện giới phía Bắc, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-2950346-p2.html ngày truy cập 27/7/2015

[24]Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign, p. 45-73; Chapter 5: The Battle of Lang Son, February – March 1979, p. 74-88; Chapter 10: Conclusion: the legacy of an “incredible, shrinking war”, p. 159-166.Ngô Bắc dịch

[25]Trả lời phỏng vấn của tướng Ngũ Tu Quyềnvới nhà báo Pháp AFP, 2 Tháng Năm, 1979, trong Foreign Broadcast Information ServiceDaily Report, China (FBIS), Số 80, các trang E1-E2.

Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign,p. 45-73; Ngô Bắc dịch

[26] Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”, p. 866

[27]King C. Chen, China’s War With Vietnam, 1979: Issues, Decisions and Implications, Stanford, CA: Hoover Institution Press, 1987, p. 114. Tác giả Nayan Chanda tường thuật rằng phía Trung Quốc đã bắt giữ “khoảng 2,000 người Việt Nam” trong khi Việt Nam bắt giữ “ít hơn 1,000 quân Trung Quốc”. Xem, “A Breather Between Rounds” trong tờ Far Eastern Economic Review (FEER), 20 April, 1979, p.17.

[28] BBC Vietnamese, Trung Quốc nói về chiến tranh biên giới 1979.htm ngày 16/2/2012

[29]Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”

[30]Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc (Hà Nội: 1982), tr. 20 [trích đăng “Xã luận” của Tạp chí Cộng sản (TCCS), 4/1979]

[31]Nguyễn Nguyên Bình, Chuyện hỏi cung đại đội tù binh Trung Quốc ra hàng quân du lích ở Cao Bằng tháng 3/1979, http://nguoidongbang.blogspot.com/2014/08/hinh-anh-tam-ly-tu-binh-trung-quoc-o.html “Cái đại đội ra hàng đó là thuộc trung đoàn bộ binh 448, sư đoàn 150, quân đoàn 50, quân khu Thành Đô. Đơn vị còn có đầy đủ cả bộ sậu: Đại đội trưởng, chính trị viên, cả ban chi ủy, các trung đội trưởng…và đầy đủ vũ khí trang bị. Cùng đi với đại đội còn có hai cán bộ do trung đoàn phái xuống để đốc chiến, một ‘vị’là tham mưu phó trung đoàn, ‘vị’kia là phó chính ủy trung đoàn. Cả đại đội còn đầy đủ cả trăm con người. Đơn vị này thuộc thê đội hai của chiến dịch, mới ngơ ngáo tiến vào vùng núi Cao Bằng trập trùng bí hiểm, bị quân dân địa phương dồn đuổi mấy ngày, hoang mang quá, không biết làm thế nào, đã bàn nhau(bàn trong chi ủy Đảng CSTQ hẳn hoi) kéo cờ trắng ra hàng”. Tư liệu này cũng được phóng viên chiến trường Lý Bảo Tồn xác nhận tr ong cuốn tiểu thuyết Vòng hoa dưới chân núi do Dương Danh Dy dịch sang tiếng Việt.

[32] Trong một tháng giao tranh, quân Trung Quốc thiệt hại 62.500 người trên tông số 600.000 quân tham chiến trong khi Mỹ đưa nửa triệu quân vào chiến tranh Việt Nam, chịu tổn thất khoảng 58.000 binh chết và hơn 305.000 người bị thương trong vòng 21 năm dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Xem Congressional Research Service, American War and Military Operations Casualties: Lists and Statistics, January 2, 2015, https://fas.org/sgp/crs/natsec/RL32492.pdf