28/01/2025

Kinh tế chia sẻ từ giáo dục giá trị chia sẻ

Vận động học sinh góp tiền mừng tuổi làm hàng trăm ngàn ‘Tủ sách lớp em’ để chia sẻ sách, nhân rộng tri thức là cách nuôi dưỡng các giá trị sống cho công dân tương lai…

 

Kinh tế chia sẻ từ giáo dục giá trị chia sẻ

Vận động học sinh góp tiền mừng tuổi làm hàng trăm ngàn ‘Tủ sách lớp em’ để chia sẻ sách, nhân rộng tri thức là cách nuôi dưỡng các giá trị sống cho công dân tương lai…
 
 
 

Kinh tế chia sẻ từ giáo dục giá trị chia sẻ - Ảnh 1.

Thay vì mừng tuổi bằng tiền, nhiều người đã cùng chung tay mừng tuổi bằng sách cho trẻ em xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh – Ảnh: T.Q.K.

Sáng 30-1, khi đi thăm, mừng tuổi sách cho học sinh Trường tiểu học Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ: “Tết đến, hầu như cháu nào cũng được mừng tuổi. Có cháu đưa hết cho bố mẹ, có cháu được mua quần áo mới, bánh kẹo. 

Bố mẹ và thầy cô, nếu có thể, giúp các cháu dành một phần tiền mừng tuổi để mua sách cho mình và chia sẻ cho bè bạn…”.

Bài toán nhỏ để tăng lượng sách cho trẻ

Việc Phó thủ tướng khuyến khích học sinh dành một phần tiền mừng tuổi mua sách cho bản thân và chia sẻ cho bạn bè, xét về mặt giáo dục, đã giúp hình thành giá trị chia sẻ trong mỗi đứa trẻ. 

Chúng ta thường gọi tên các giá trị phổ quát như trung thực, mình vì mọi người – mọi người vì mình, tương thân tương ái… và đặt các giá trị đó vào tâm trí trẻ bằng lời dạy. Con trẻ có thể nhớ những cụm từ đấy nhưng không thể thấu hiểu các giá trị cốt lõi, cho đến khi con trẻ được trải nghiệm bằng các hoạt động cụ thể.

Sự cộng hợp và lũy tiến các lần thực hành sẽ tạo cho trẻ giá trị cụ thể. Đơn cử, nếu học sinh sử dụng 50.000-100.000 đồng tiền mừng tuổi để mua sách xây dựng “Tủ sách lớp em” thì các em biết rằng mình góp tiền, bạn góp tiền mua sách để tất cả đều được đọc hàng chục, hàng trăm đầu sách hay. 

Từ lợi ích thấy được, các em sẽ tự nguyện và tích cực mua sách và chia sẻ cho nhau trong quãng đời học trò, giá trị chia sẻ hình thành rất tự nhiên.

Hơn nữa, mỗi lần nhà trường quyên góp sách cho vùng sâu, vùng xa, học sinh ở thành phố, đồng bằng và trung du có thể trích góp hàng trăm ngàn bản sách đã đọc, tạo thành mạng lưới chia sẻ liên vùng. Cứ như vậy, một giá trị phổ quát là “chia sẻ” được nuôi dưỡng và thành giá trị sống.

Chúng ta làm một phép toán giản đơn: nước ta có 20 triệu học sinh các cấp, ngoại trừ 5 triệu học sinh ở vùng sâu vùng xa, thì 15 triệu học sinh ở đô thị, vùng đồng bằng, trung du nhận được trung bình 100.000 đồng mừng tuổi. Như vậy, 1.500 tỉ đồng nằm trong tay học sinh. 

Giả sử nhà trường trên cả nước vận động mỗi học sinh dành 50.000 đồng mua sách, thì khoảng 750 tỉ sẽ được huy động. Số tiền này có thể mua được 25 triệu bản sách, tạo nên khoảng 500.000 tủ sách với 50 đầu sách/tủ, giúp 15 triệu học sinh đô thị và nông thôn được nghe và đọc sách.

5 triệu học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa ngoài nguồn ngân sách được Nhà nước hỗ trợ, có thêm sách từ các nhóm tủ sách trên toàn quốc hỗ trợ nữa, lại nhận được sách chia sẻ từ các trường học đô thị, sẽ được nghe và đọc sách bình đẳng như trẻ em thành phố. 

Việc đưa sách đến lớp học, theo kết quả thực tế, đã tăng lượng sách được đọc gấp 10-20 lần so với thư viện nhà trường. Thặng dư thấy được bằng tiền có thể tính sơ sơ theo công thức từ 750 tỉ đồng ban đầu nhân lên số sách được đọc từ 10-20 lần kể trên.

Giá trị lớn hơn ở sự chia sẻ

Giá trị chia sẻ được nuôi dưỡng trong mỗi học sinh, tri thức được lĩnh hội để nuôi dưỡng sáng tạo thì không thể tính bằng tiền, mà bằng giá trị và sức mạnh quốc gia trong thập niên tới qua việc chia sẻ sách cùng nhau, mà còn mang giá trị khác lớn hơn nữa về kinh tế chia sẻ.

Việc học sinh dành tiền mừng tuổi mua sách không những là bài học giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ em lĩnh hội tri thức đa chiều, nuôi dưỡng sáng tạo, mà còn góp phần tạo nên nền kinh tế chia sẻ. 

Nền kinh tế chia sẻ là cách tối đa hóa lợi ích trên sự khan hiếm nguồn lực, trên đơn vị nhỏ nguồn lực thông qua niềm tin của nhiều người cùng đóng góp đơn vị nhỏ nguồn lực. Tiền mừng tuổi của mỗi trẻ em là nguồn lực nhỏ.

Hiển nhiên rằng về mặt vĩ mô và cấu phần kinh tế quốc dân, nền kinh tế chia sẻ là đầu ra tất yếu từ giá trị chia sẻ, được nuôi dưỡng trong các thành viên xã hội. Nguồn lực tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Bất bình đẳng cơ hội giữa nông thôn và đô thị, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng…

Đất nước chúng ta không có cách nào khác ngoài đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy, mô hình kinh tế chia sẻ là cách tối đa hóa lợi ích bằng cộng hợp các nguồn lực nhỏ để tạo nguồn lực lớn thúc đẩy giáo dục từ nông thôn đến đô thị, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn mà các cá nhân đơn lẻ khó có thể thực hiện.

Câu chuyện 30.000 học sinh huyện Thái Thuỵ (Thái Bình) góp tiền mừng tuổi mua hơn 100.000 bản sách trị giá hơn 2 tỉ đồng bổ sung cho “Tủ sách lớp em”, “Tủ sách phụ huynh” trong bốn năm qua là con số biểu thị kinh tế chia sẻ.

Vận động học sinh góp tiền mừng tuổi làm hàng trăm ngàn “Tủ sách lớp em” để chia sẻ sách, nhân rộng tri thức, là cách nuôi dưỡng các giá trị sống cho công dân tương lai, cũng như đưa kinh tế chia sẻ vào tâm trí xã hội, lại là cơ hội cho các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách, nhà công nghệ… xây dựng các tiêu chuẩn và cấu trúc tạo niềm tin kích thích toàn xã hội tham gia nền kinh tế chia sẻ.

 

NGUYỄN QUANG THẠCH