Cách trữ thức ăn trong tủ lạnh một cách khoa học
Trữ lạnh là một cách bảo quản thực phẩm tránh sự phát triển của vi trùng làm hỏng thực phẩm. Nhiệt độ trong ngăn lạnh của tủ nên đảm bảo dưới 5 độ C và ngăn đông là dưới 0 độ (tốt nhất là âm 18 độ C).
Cách trữ thức ăn trong tủ lạnh một cách khoa học
Trữ lạnh là một cách bảo quản thực phẩm tránh sự phát triển của vi trùng làm hỏng thực phẩm. Nhiệt độ trong ngăn lạnh của tủ nên đảm bảo dưới 5 độ C và ngăn đông là dưới 0 độ (tốt nhất là âm 18 độ C).Cần sắp xếp các loại thực phẩm trong tủ lạch một cách khoa học vừa tiết kiệm không gian tủ vừa tiện lấy – Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Tuy nhiên, nhiệt độ trong từng khoang của tủ sẽ rất khác nhau. Do đó, để thực phẩm được bảo quản tốt nhất thì cần phân loại thực phẩm phù hợp với từng vị trí của tủ.
Theo TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh - Tổng thư ký hội Dinh dưỡng thực thẩm TP.HCM, có một số bí quyết để sắp xếp, trữ đồ ăn trong tủ lạnh những ngày tết một cách khoa học:
1. Ngăn đông:
Thịt, cá tươi sống cần được bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh. Nên chia thực phẩm thành từng phần (đủ cho một lần ăn của gia đình), bao gói kín hoặc để trong hộp đậy nắp kín.
Khi cần chuẩn bị thức ăn thì mang nguyên một phần xuống ngăn mát để rã đông.
Khi đã rã đông thì nên chế biến hết, tránh tái cấp đông trở lại.
Ngăn này cũng có thể trữ các loại rau củ đông lạnh.
Thực phẩm nên để riêng với khoang nước đá dùng để uống để tránh nước đá bị nhiễm bẩn và có mùi.
2. Ngăn mát:
Ngăn trên cùng: Nhiệt độ nơi đây ổn định nhất nên giữ được các thức ăn đã chế biến, hoặc thức ăn còn thừa từ bữa trước. Nơi đây cũng dễ quan sát nên sẽ không quên ưu tiên sử dụng trước các thực phẩm này.
Cánh cửa tủ: Ít được làm lạnh nhất nên chỉ bảo quản thực phẩm khô hoặc các loại gia vị. Các chai đồ uống thường nặng hơn nên sẽ được để ở ngăn dưới cùng của cánh tủ. Không nên để sữa ở cửa tủ, nhất là các hộp sữa đang dùng dở.
3. Những ngăn bên dưới:
Nhiệt độ lạnh hơn ngăn trên nên trữ được trứng, sữa, hoặc các loại thịt, hải sản muốn dùng nhanh hay rã đông ở đây.
Nên bọc kỹ thịt, hải sản hoặc cho vào hộp đậy kín để tránh rỉ nước và bốc mùi làm bẩn tủ và các thực phẩm khác.
Không nên chất quá nhiều thức ăn trong những ngăn này vì không khí trong tủ cần được lưu thông để làm lạnh đều.
4. Hộc tủ:
Giữ được độ ẩm thích hợp cho các loại rau, củ, quả nên phù hợp nhất để bảo quản các thực phẩm này luôn được tươi ngon.
Nên để rau và trái cây riêng biệt vì một số loại trái cây thải ra ethylene (táo, đào, lê…) có thể làm vàng lá rau hoặc làm củ nhanh mọc mầm.
5. Những nguyên tắc nhỏ và hữu ích khác
Cho thức ăn vào các hộp thực phẩm:
Bảo quản thức ăn trong hộp sẽ tránh bốc mùi bám vào các thức ăn khác và không khí trong tủ sạch sẽ hơn. Hơn nữa, các hộp có thể được sắp xếp chồng lên nhau ngay ngắn, làm cho tủ trông đẹp và gọn gàng hơn.
Sắp xếp thực phẩm theo thời hạn sử dụng:
Những thức ăn gần hạn sử dụng hoặc thức ăn đã được khui hộp và đang dùng dở nên để bên ngoài nơi dễ nhìn thấy để không bị quên.
Dán nhãn thức ăn:
Ghi tên thức ăn và ngày chế biến (hoặc hạn sử dụng) để dễ sắp xếp và dễ tìm. Việc ghi nhãn thức ăn sẽ giúp tìm nhanh loại thức ăn cần dùng mà không phải mở nắp hộp kiểm tra. Có thể ghi tên các thực phẩm có trong tủ và đính nam châm trước cửa tủ để hạn chế mở cửa tủ lạnh kiểm tra nhiều lần. Việc mở tủ lâu sẽ làm mất độ lạnh của tủ nên thức ăn dễ bị hỏng hơn.
Một số thực phẩm đặc biệt, cần có cách bảo quan riêng:
– Gia vị, rau ngò: Nên cho vào túi hoặc hộp và đậy nắp kỹ để không bị những mùi lạ khác trong tủ lạnh bám vào làm mất đi hương vị đặc trưng.
– Thực phẩm làm từ tinh bột: Cho bánh mì, bánh ngọt hay bánh kem… vào bao hoặc hộp kín để không làm bánh bị khô và cứng đi.
– Rượu sâm panh: Bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ 4-5ºC, đây là nhiệt độ giữ cho các hợp chất trong sâm panh được giữ nguyên, không bị biến đổi hợp chất và gây hỏng rượu.