18/11/2024

Tôi học được từ trẻ em tình yêu, sự hồn nhiên và bao dung

TS Giáp Văn Dương trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Xuân về những điều anh đúc kết sau 5 năm trở về Việt Nam tập trung theo đuổi con đường giáo dục và những dự cảm cho tương lai Việt Nam dựa trên giáo dục.

 

Tôi học được từ trẻ em tình yêu, sự hồn nhiên và bao dung

TS Giáp Văn Dương trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Xuân về những điều anh đúc kết sau 5 năm trở về Việt Nam tập trung theo đuổi con đường giáo dục và những dự cảm cho tương lai Việt Nam dựa trên giáo dục.


Tôi học được từ trẻ em tình yêu, sự hồn nhiên và bao dung - Ảnh 1.

TS Giáp Văn Dương - Minh hoạ: BÍCH KHOA

Được biết tới như một gương mặt trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục, với những quan điểm nhiều suy tư và mới mẻ về triết lý giáo dục, TS Giáp Văn Dương trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Xuân về những điều anh đúc kết sau 5 năm trở về Việt Nam tập trung theo đuổi con đường giáo dục và những dự cảm cho tương lai Việt Nam dựa trên giáo dục.

* 10 năm qua, anh trải qua nhiều công việc tại nhiều quốc gia trong vai trò người làm nghiên cứu khoa học, cuối cùng quay về Việt Nam tập trung cho lĩnh vực giáo dục trong vài năm qua. Có lý do chủ quan mạnh mẽ nào thôi thúc anh trong hành trình đó? Giáo dục giờ đây đã là một điều gì bền vững mà anh sẽ theo đuổi dài lâu chưa?

– Hơn 10 năm qua, tôi đã làm việc ở 3 nước và 3 đại học khác nhau, trước khi về Việt Nam đầu năm 2013. Đó là hành trình xê dịch, không chỉ nơi ở và công việc, mà còn là hành trình của tâm thức, để tìm câu trả lời cho một câu hỏi cơ bản của nhân sinh: Tôi là ai?

Nói sự xê dịch của tâm thức là vì ban đầu tôi chỉ muốn đơn giản theo đuổi mạch ngầm tri thức. Tôi vốn được đào tạo để trở thành kỹ sư dầu khí ở ĐH Bách Khoa Hà Nội. Sau khi giảng dạy một năm, thấy kiến thức còn thiếu hụt, và thấy cần phải đi để mở rộng tầm nhìn, để hiểu mình hơn.

Trên danh nghĩa tôi đi học về ngành công nghệ hóa học, nhưng thực tế, học hành chuyên môn chỉ là một phần, còn lại là dành thời gian để quan sát, tìm hiểu thêm về văn hóa và triết học, điều tôi thích từ khi còn học đại học, nhưng không có điều kiện để tìm hiểu.

Tôi đã trải qua những quãng thời gian học tập, sống và làm việc ở Hàn Quốc, Áo, Anh và Singapore, vẫn không ra khỏi chuyên ngành của mình. Nhưng trong sâu thẳm, tôi biết mình không thuộc về lĩnh vực đó.

Mối quan tâm về triết học và văn hóa-xã hội ở cả hai bờ Đông-Tây, cộng với những trải nghiệm của đời sống cá nhân của người đã bước sang tuổi 30, đã hứng chịu vài sóng gió của cuộc đời, và thân phận của một người sống xa đất nước, luôn phải chất vấn mình là ai, mình thuộc về đâu… càng đẩy tôi đi ra xa chuyên ngành mà tôi được đào tạo.

Tôi trở về Việt Nam bình thản, không toan tính, để làm giáo dục, như tự nhiên là thế.

* Anh từng viết, nói và tranh luận khá nhiều về triết lý giáo dục, thậm chí đưa ra định nghĩa riêng: “Triết lý giáo dục là câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi ‘Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người nào?’ và có câu trả lời ‘Đó là con người tự do'”. Anh vẫn giữ quan niệm ấy cho đến giờ, hay thực tế làm việc trong giáo dục vài năm qua đã thay đổi nó?

- Tôi vẫn giữ quan niệm đó. Cụ thể, tôi cho rằng: Con người tự do là đích đến của giáo dục. Con người tự do tôi khám phá ra thông qua lập luận về giới hạn của xã hội lên mỗi cá nhân, để từ đó đưa ra khái niệm tự do nội tại năm 2009.

Nhưng dần dà, tôi trải nghiệm và kiểm chứng được con người tự do là có thật. Chúng ta đánh mất nó vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do xuất phát từ giáo dục.

Giáo dục đã góp phần tạo ra chúng ta như ngày hôm nay, với những kiến thức và định kiến của chúng ta về chính mình và cuộc sống. Một nền giáo dục như thế, chỉ là một nền giáo dục không hoàn chỉnh. Một nền giáo dục hoàn chỉnh và đích thực, phải giúp ta vượt thoát khỏi những giới hạn do chính giáo dục mang lại.

Nếu không, chính giáo dục sẽ giam hãm chúng ta, định hình chúng ta theo những khuôn mẫu cứng nhắc. Mà cuộc sống thì không cứng nhắc như thế. Cuộc sống luôn thay đổi, chúng ta cũng luôn thay đổi.

Cái “Ta là ai?” và cuộc sống quanh ta có tương quan chặt chẽ với nhau. Vậy thì hà cớ gì khi cuộc sống thay đổi, và ta cũng thay đổi, nhưng quan niệm của ta về chính mình, và về chính cuộc sống, lại không thay đổi?

Nguyên nhân của sự không thay đổi đó là do những quan niệm chúng ta đón nhận mà không hề chất vấn, ngay từ thời thơ ấu, khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vậy nên, nếu giáo dục không khác đi, không đi xa hơn tình trạng hiện thời, thì giáo dục sẽ là những cái khuôn để đúc ra các sản phẩm giống hệt nhau, theo thiết kế của người khác. Những người được đúc sẵn đó sẽ không thể trưởng thành được.

* Anh có thể giải thích về nội hàm “con người tự do” trong bối cảnh xã hội, lịch sử và văn hóa đặc thù hiện nay và trong tương lai của Việt Nam?

- Con người chúng ta vốn sống trong nhiều thế giới. Vì thế, tự do trước hết là tự do trong các thế giới đó. Thế giới đầu tiên mà chúng ta sống là thế giới của riêng ta, không ai có thể xâm nhập được, là thế giới của nội tâm và tư tưởng.

Vì thế, con người tự do là trước hết là con người có khả năng tự do tư tưởng. Thế giới thứ hai là thế giới của các biểu đạt, là nơi ta thể hiện bản thân mình với cuộc sống bên ngoài thông qua biểu đạt và lựa chọn. Con người tự do vì thế phải có năng lực tự do biểu đạt.

Thế giới thứ ba là thế giới của những khả năng. Đối với con người thì đó là những con người mới, cuộc sống mới, có thể trở thành hiện thực. Nhưng thường ta không biết đến nó, cũng chính vì định kiến của ta về chính mình đã che lấp mất những khả năng này, nên dù có bày ra trước mắt, ta cũng không thấy.

Cuối cùng, là thế giới của những kiến tạo cùng người khác. Chúng ta không sống một mình mà sống và làm việc cùng người khác. Chúng ta luôn cùng nhau làm một điều gì đó chung. Chúng ta luôn kiến tạo cùng nhau một điều gì đó.

Nếu là con người tự do thì phải có được tự do trong việc kiến tạo đó, trong việc hợp tác đó, để trở thành một thứ gì to lớn hơn những gì một cá nhân có thể làm được. Tôi gọi đó là tự do kiến tạo.

Với bối cảnh đặc thù của Việt Nam, khái niệm con người tự do có hữu dụng? Tôi thấy nó hữu dụng hơn ở bất cứ nơi nào khác. Bởi lịch sử, bởi sự ràng buộc của Nho giáo, nên khái niệm tự do là một khái niệm mới du nhập, xa lạ với hầu hết chúng ta.

Thậm chí, ta còn chưa phân biệt được con người tự do như một khái niệm triết học với những con người cụ thể. Chúng ta dễ dàng có được vô vàn những con người cụ thể phóng túng, lêu lổng, thích làm gì thì làm, nhưng không có được con người tự do ngự trị trong những con người thích làm gì thì làm cụ thể đó.

Con người tự do trước hết là con người tự do ở thế giới bên trong đó. Đó là thứ tự do nội tại bất khả tước đoạt. Mà khi đã có tự do ở thế giới bên trong, nó sẽ bộc lộ ra ở thế giới bên ngoài.

* Nhập cuộc vào giáo dục trong mấy năm qua, mở các khóa đào tạo, mở trường… vậy giờ anh có nghĩ giáo dục là một thị trường thực sự?

– Thị trường hay không là tùy theo góc nhìn. Với tôi, giáo dục là giáo dục. Nếu không, đã chẳng sinh ra chữ này, và lĩnh vực này để làm gì. Và nhiệm vụ của những người làm giáo dục là hãy làm giáo dục thật tốt. Nhưng không thể phủ nhận, giáo dục và thị trường có liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, muốn hay không cũng phải xử lý mối quan hệ này.

Chúng ta có thể thay đổi giáo dục bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ bằng chính sách đúng. Với tôi, tôi muốn dùng thị trường để thay đổi giáo dục, bởi thị trường cũng là một trong những phương tiện rất mạnh để tạo ra sự thay đổi. Nhưng thị trường chỉ là phương tiện, giáo dục mới là đích đến.

* Anh định thay đổi giáo dục bằng thị trường ra sao?

– Xã hội về cơ bản gồm bốn lĩnh vực lớn: nhà nước, thị trường, gia đình và các tổ chức xã hội. Tôi đang không ở khu vực nhà nước, tôi cũng không thể can thiệp vào công việc của mỗi gia đình. Các tổ chức xã hội ở Việt Nam chưa định hình rõ.

Mảnh đất còn lại duy nhất là thị trường. Tôi cho rằng sự vận động của thị trường, của giáo dục khu vực tư, đang tạo ra sức sống mới, đang thay đổi bức tranh giáo dục theo hướng tích cực, mà biểu hiện rõ nhất là mang lại những lựa chọn mới cho phụ huynh và học sinh, bên cạnh lựa chọn trường công, nay đang quá tải, và ít có cơ hội cải thiện vì ngân sách cạn kiệt.

* Anh nhìn thấy điều gì mới mẻ đang được ươm trong lĩnh vực giáo dục?

- Điều mà tôi lạc quan nhất về giáo dục hiện nay, là tương lai của Việt Nam sẽ tương đối sáng. Ít nhất là so với lịch sử của chính chúng ta. Giáo dục là một phần của Việt Nam, nên giáo dục cũng phát triển theo xu hướng chung đó.

Nhưng tôi e rằng giáo dục đang không bắt kịp nhịp thay đổi đó. Lẽ ra phải là người dẫn dắt thì giáo dục lại đang lẽo đẽo theo sau mà vẫn hụt hơi.

Những người làm giáo dục ngày hôm nay lẽ ra phải hình dung những viễn cảnh của 30 năm sau để tìm cách ứng xử đúng, thì lại vẫn tranh cãi những chủ đề của muôn năm cũ. Rồi triết lý giáo dục, chưa được dõng dạc gọi tên.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, khác với những cuộc cách mạng công nghiệp trước mà chúng ta hoặc không tham gia, không có ý niệm và ở bên lề, đây là lần đầu tiên, Việt Nam tham gia ngay từ đầu, bình đẳng và sòng phẳng với các nước khác.

Cũng là lần đầu tiên Việt Nam không ở trong tình trạng chiến tranh, trình độ dân trí đủ để tham gia một cuộc chơi lớn như thế, khi cả chục triệu người đã qua đại học và hàng trăm nghìn du học sinh du học ở nước ngoài trở về.

Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có điều kiện tốt như thế này. Vì thế, theo dự đoán của tôi, 30 năm tới là khúc ngoặt lớn của Việt Nam, có thể coi như 30 năm hay nhất trong lịch sử từ xưa đến nay của chúng ta. Vì thế, về đại thể, tôi rất lạc quan trong tương lai của Việt Nam.

* Câu chuyện giáo dục trong gia đình anh diễn ra dưới những nguyên tắc chung nào? Có những tranh luận nào từ phía các con anh về chuyện học hành mà anh cảm thấy mình được học hỏi từ các cháu?

– Gia đình tôi có một bộ quy tắc nhỏ, hình thành trong khoảng thời gian chúng ở nước ngoài. Chúng tôi gọi đó là Gia quy, gồm 4 điều: Sống lành mạnh; Đúng giờ; Giữ lời và Tôn trọng người khác. Chỉ 4 điều đó là đủ để điều chỉnh hành vi của cả nhà.

Sau này các con lớn hơn một chút, tôi bổ sung thêm 4 giá trị sống: Chân – Thiện – Mỹ – Hòa. Thỉnh thoảng, tôi hướng dẫn thêm các con về kỹ năng và văn hóa sống… khi tình huống phù hợp xuất hiện. Chỉ có vậy thôi, không có gì nhiều.

Tôi chưa bao giờ phải tranh luận với các con về việc học hành, cùng lắm, chỉ là nhắc nhở: “Thôi đi học cả ngày rồi, ra chơi với em, ra chơi với bố mẹ!”.

Học tập phải tự nhiên và phải là niềm vui. Khi học tập không còn tự nhiên và không còn là niềm vui thì học tập có vấn đề. Còn việc học tập từ con trẻ, tôi học được rất nhiều, chẳng hạn, về sự hồn nhiên, tình yêu và sự bao dung.

* Chân thành cảm ơn anh.

Tôi học được từ trẻ em tình yêu, sự hồn nhiên và bao dung - Ảnh 2.

 

CẦM PHAN