Tết, xin đừng so sánh con với con nhà người
Tết nhất, trẻ con hay kêu khổ vì bị ba mẹ so sánh sao không học giỏi như con ông A, không ngoan như con bà B… Những lời so sánh đó làm bất cứ đứa trẻ nào cũng thấy buồn.
Tết, xin đừng so sánh con với con nhà người
Tết nhất, trẻ con hay kêu khổ vì bị ba mẹ so sánh sao không học giỏi như con ông A, không ngoan như con bà B… Những lời so sánh đó làm bất cứ đứa trẻ nào cũng thấy buồn.
Tết là dịp để gia đình sum họp, họ hàng gặp gỡ, hỏi han chuyện trò. Nhưng tết cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người khi phải đối mặt với những câu hỏi, những lời nhận xét, so sánh mang tính ‘sát thương’ kiểu như: cháu được khá thôi à, con cô xếp loại giỏi đấy…
Tết nhất, trẻ con hay kêu khổ vì bị ba mẹ so sánh sao không học giỏi như con nhà A, không ngoan ngoãn như con nhà B… Những lời so sánh đó làm bất cứ đứa trẻ nào cũng thấy buồn, thấy ghét cái đứa “điển hình tiên tiến” kia và lắm khi ước ao sao ba mẹ không nhận đứa kia mà nuôi rồi cho mình sang nhà khác!
Nhưng đừng tưởng chỉ có trẻ con mới khổ vì bị so sánh, vì người lớn sẽ bị “so” kiểu người lớn: “Thưởng Tết của cháu thấp thế à, con bác/người yêu con bác/con ông A bà C thưởng cao ngất”.
Hôm trước về nhà chơi, tôi nghe mẹ kể thằng H. con nhà bà N. mới bỏ đi trốn nợ rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Ủa, thằng nhỏ mà mới đi làm hai năm, tết đã sắm sửa cho ba mẹ không thiếu thứ gì trong nhà đó hả?
Hóa ra là thằng nhỏ đó lừa chạy việc cho người ta, nhận tiền rồi không xin được, giờ không có tiền trả lại nên phải bỏ trốn. Ba mẹ nó khóc hết nước mắt vì thằng con trai mới năm ngoái thôi còn là niềm tự hào, là niềm ao ước của những ông bố bà mẹ khác trong xóm giờ bỗng chốc mất việc, phiêu bạt nơi nào không biết!
Tôi thì vừa thấy thương thằng H. nhưng lại vừa mừng vì từ nay sẽ không còn bị đem ra so sánh với nó.
Mới gần đây thôi, tôi và những đứa con khác trong xóm – những đứa cũng đều được nuôi ăn học đàng hoàng tử tế như H., phải đau đầu nhức óc vì bị so sánh với nó: sao nó mới đi làm mà đã lo được cho ba mẹ không thiếu thứ gì, mua sắm đồ đạc chật nhà mà mấy đứa bay lại…
Nhiều lần chứng kiến cảnh mấy bác hàng xóm ngồi nói chuyện cứ lôi hết con nhà nọ nhà kia giàu có, thành đạt, mua cái này sắm cái kia cho ba mẹ ra mà không khỏi chạnh lòng. Kết thúc những câu chuyện dài tập kia là y như rằng có những tiếng thở dài, những cái chép miệng ước sao con mình cũng được vậy.
Tôi nói với mẹ mình: thằng H. đến nông nỗi phải mất việc, bỏ trốn một phần có khi cũng có lỗi của ba mẹ nó. Lẽ ra khi thằng con mới đi làm được 2 năm tự nhiên có nhiều tiền thì ba mẹ phải nghi ngờ, phải hỏi han đầu đuôi xem tiền ở đâu ra… Mà không chừng tại ba mẹ nó cũng hay so sánh nó với đứa nọ đứa kia, rồi nó đâm ra làm liều?
Con cái có ăn có học ai mà không thương ba thương mẹ, nhưng đâu phải đứa nào cũng thành đạt được như nhau. Sao ba mẹ không nghĩ rằng chính sự so sánh đó vô tình trở thành áp lực buộc những đứa con phải tìm đủ mọi cách để bố mẹ được “nở mày nở mặt”.
Ba mẹ nào mà không thương con, so sánh con mình với con người khác cũng chỉ để con mình tiến bộ hơn. Nhưng sự so sánh đó vô tình đã làm tổn thương con mình, mà đứa được đưa ra làm “tấm gương” chưa chắc đã vui sướng.
Tôi có đứa bạn thân đi làm ở Sài Gòn, lễ tết mới về thăm ba mẹ. Cứ mỗi lần thấy tôi tới chơi là ba nó lại chê nó không chịu nghe lời, đâm đầu lấy thằng chồng mê cá độ nên nợ nần, phải biết như tôi, lấy thằng chồng làm nhà nước nghèo nhưng biết lo cho vợ con thì đời đỡ khổ biết bao nhiêu. Tôi nghe ba nó nói mà mắc cỡ muốn độn thổ, còn nhỏ bạn như muốn khóc, chắc trong lòng nó đang ghét tôi lắm.
Thôi thì một năm có mấy ngày xuân, chỉ mong người lớn hiểu cho nỗi lòng của tụi nhỏ để bớt so sánh con nhà mình với con nhà người ta, để Tết không trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của sắp nhỏ!