17/11/2024

Người Mỹ ‘dụ’ trẻ đọc sách thế nào?

Không ít phụ huynh ở Việt Nam phàn nàn con mình không thích đọc sách như mình ngày xưa, trong khi chính họ chưa tạo được thói quen đọc sách cho con cái. Vậy ở Hoa Kỳ người ta tạo môi trường đọc sách như thế nào?

 

Người Mỹ ‘dụ’ trẻ đọc sách thế nào?

Không ít phụ huynh ở Việt Nam phàn nàn con mình không thích đọc sách như mình ngày xưa, trong khi chính họ chưa tạo được thói quen đọc sách cho con cái. Vậy ở Hoa Kỳ người ta tạo môi trường đọc sách như thế nào?


 

 

Người Mỹ dụ trẻ đọc sách thế nào?  - Ảnh 1.

Hội chợ sách cũ ở TP Lubbock, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ – Ảnh: QUỐC VINH

Ở thành phố Lubbock (tiểu bang Texas), tôi từng tham dự lớp “Dạy làm cha mẹ” (Parenting class). Cứ tưởng là việc đi học sẽ chỉ giúp bản thân có thêm nhiều kiến thức trước khi chuẩn bị sinh con, nhưng không ngờ lại có thêm nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên.

Khóa học hoàn toàn miễn phí, được ăn uống giữa giờ miễn phí, được tặng một thùng bỉm miễn phí nếu tham dự đủ các buổi học, đặc biệt nhất là quy trình dạy cha và mẹ đọc sách cho con từ khi chúng còn nằm trong bụng. Rồi sau đó là hướng dẫn phụ huynh kỹ năng duy trì thói quen cho anh chị lớn đọc truyện cho em bé nghe khi mới chỉ là trẻ sơ sinh.

Lớn lên cùng sách

Thư viện thành phố có chương trình miễn phí “Ngồi cùng bé nghe đọc sách” (Lap – sitter reading) vào thứ ba hằng tuần dành cho hai độ tuổi 3 và 4. Đến giờ vào phòng, các phụ huynh đặt bé vào lòng và nghe cô thủ thư đọc một cuốn sách tranh rồi hỏi vài câu đơn giản, sau đó vui chơi. Đây cũng là cơ hội các phụ huynh quen biết nhau để trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái.

Để thu hút việc tham gia thường xuyên của các bé, thư viện trang trí giống như khu vui chơi thu nhỏ với nhà gỗ, thú bông, ghế lắc hay các trò chơi bằng gỗ. Sách được trưng bày theo chủ đề phù hợp, sự kiện của tháng để các cháu lựa chọn dễ dàng hơn.

Ngoài ra ở đây luôn có các chương trình giải trí dành cho đủ lứa tuổi từ 3 đến tuổi già sức yếu, hệ thống tra cứu có sự tương tác cao để mọi người có thể dành nguyên ngày ở đây mà không thấy chán.

Ở khu giao trả sách có kệ sách “sale off” siêu rẻ với giá năm cuốn chỉ… 1 USD, tính ra chưa bằng một cây kem. Hội chợ sách cũ hằng năm thư viện thành phố tổ chức bán sách theo cân ký mà nhiều gia đình mang cả vali, xe đẩy đến mua không kém gì hội hoa xuân ngày tết!

Vì lý do giữa các thư viện cũng có sự cạnh tranh không hề nhẹ nên họ luôn cố gắng tạo thêm sự đa dạng bằng cách mời thêm các diễn giả viết sách đến nói chuyện với những độc giả của mình về một đề tài nào đó hoặc về cuốn sách mình viết. Cuối cùng là ký tặng và chụp hình lưu niệm với độc giả yêu quý.

Khi đọc sách trở thành thói quen

Tôi còn đăng ký giáo viên đến tận nhà mỗi tháng một lần để đào tạo miễn phí chương trình “Cha mẹ làm giáo viên” (Parents as teacher) để được hướng dẫn cách dạy học và dạy đọc dành cho các bé chuẩn bị đến trường mẫu giáo lớn – lớp đầu tiên của cấp 1 (hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ thì cấp I bao gồm cả lớp mẫu giáo lớn gọi là “Kindergarten”).

Sau khi buổi học kết thúc, phụ huynh sẽ được tặng một cuốn truyện tranh để đọc cùng con cái.

Điều thú vị là khi nào con gái đi chơi xa cũng mang theo một con thú bông và một cuốn sách mà cháu yêu thích. Và việc tự đọc một đoạn sách là một thói quen được bé tạo thành từ khi còn nhỏ do thường được tôi đọc sách trước khi đi ngủ.

Có lúc thấy con gái đọc lui đọc tới một cuốn sách truyện gần cả chục lần, tôi thắc mắc hỏi lý do. Con gái lại hỏi ngược lại tôi: “Vậy tại sao ba chỉ đọc sách một lần mà thôi?”.

Rồi cháu giải thích đọc sách nhiều lần sẽ trải nghiệm qua nhiều cung bậc khác nhau tùy thuộc trạng thái tình cảm của mình, cũng như việc lần đầu chỉ đọc lướt qua nhưng những lần sau cứ đọc lại thì các chi tiết nhỏ sẽ hiện ra hay có thêm nhiều điều để khám phá mà không chỉ đọc một hai lần là thấy được.

Tôi chỉ biết tròn xoe mắt và gật đầu ậm ừ đồng ý…

Nhờ tham gia chương trình “Cha mẹ làm giáo viên”, tôi biết và áp dụng được cách dạy con học thuộc lòng ca dao tục ngữ Việt Nam bằng cách tự mình viết ra giấy và dán ở cửa… nhà vệ sinh để chúng có thể đọc hằng ngày. Đây là cách học thuộc lòng bằng vô thức, dễ ghi nhớ vì không bị ép buộc.

 

QUỐC VINH (Hoa Kỳ)