Bay lệch múi giờ bị mệt mỏi, làm sao?
Dịp Tết, nhiều gia đình chọn du lịch dài ngày đến những địa điểm nằm xa Việt Nam và chênh lệch đến vài múi giờ.
Bay lệch múi giờ bị mệt mỏi, làm sao?
Dịp Tết, nhiều gia đình chọn du lịch dài ngày đến những địa điểm nằm xa Việt Nam và chênh lệch đến vài múi giờ.Khi đó, họ sẽ chịu ảnh hưởng của hội chứng lệch múi giờ.
Theo trang Science ABC, hội chứng lệch múi giờ (jet lag syndrome) là sự mất điều hòa các nhịp điệu sinh học của cơ thể, đặc biệt là về thói quen ăn, ngủ, mà cơ thể chưa kịp thích ứng. Ngoài ra, jet lag syndrome còn ảnh hưởng đến chu kỳ thân nhiệt, hocmon bên trong cơ thể.
Hiện tượng này xảy ra khi đi máy bay trên quãng đường xa tới những nơi có độ chênh lệch múi giờ, thường là trên 3 tiếng.
Từ Việt Nam nếu đi về phía tây, do giảm múi giờ, cơ thể bạn sẽ thấy buồn ngủ sớm nhưng lại cảm giác như ngày dài hơn bình thường.
Trái lại, khi di chuyển về phía đông như Mỹ hay Canada, bạn sẽ khó ngủ do cảm giác như đêm đến sớm hơn, từ đó mệt mỏi khi làm việc vào các ngày tiếp theo.
Trung bình, nếu di chuyển bằng máy bay đến một địa phương cách chúng ta 6 múi giờ, cơ thể con người cần trung bình khoảng 3 ngày để chỉnh lại giấc ngủ, khoảng 1 tuần để cân bằng chu kỳ thân nhiệt và vài tuần để các hocmon có thể hoạt động bình thường như trước.
Dẫu vậy, điều này là khác nhau với từng người. Đồng thời, chứng mệt mỏi do di chuyển sang khu vực có múi giờ khác hoàn toàn có thể khắc phục.
Ông J.Deutschendorf, cơ trưởng hãng hàng không Southwest Airlines, cho biết một người muốn trở thành phi công đều phải được học cách đối phó với sự mệt mỏi do bay lệch múi giờ.
Theo Deutschendorf, để tránh mệt mỏi, giữ nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nước ở đây phải là nước lọc, trong khi đó những đồ uống khác như nước ngọt, nước trái cây… sẽ không có hiệu quả.
Ngoài ra, cơ thể hành khách cũng có thể thấy khó chịu khi lượng oxy trong khoang máy bay thường ít hơn thông thường. Do đó, hành khách đi máy bay nên nhắm mắt và nghỉ ngơi. Điều này còn giúp chúng ta tỉnh táo khi đến nơi.
Về chuyện ăn, TS Charles Ehret (Chicago, Mỹ) khuyên mọi người khi di chuyển lệch múi giờ nên giữ bụng đói trong khi bay và sau khi đến nơi nên ăn một bữa thật đầy đủ với nhiều thịt, cá, trứng, sữa bởi chất đạm sẽ giúp ta năng động hơn, trái lại hạn chế ăn cơm, mì hay khoai tây bởi tinh bột dễ gây buồn ngủ.
Không nên uống cà phê, rượu bia… bởi cả 2 đều khiến cơ thể mệt mỏi sau khi hạ cánh. Cụ thể, cà phê là tác nhân gây ra hiện tượng mất ngủ, trong khi đó rượu bia lại khiến bạn mất nước.
Trước đó, một nhóm nhà nghiên cứu ở ĐH Harvard (Mỹ) đã phát hiện trong não có một “đồng hồ ăn uống” kiểm soát giờ giấc các bữa ăn sau khi nghiên cứu trên chuột thí nghiệm.
Họ nhận thấy khi bị đói, đồng hồ ăn uống này lấn át đồng hồ sinh học chính của cơ thể, giữ cho động vật tỉnh táo cho đến khi được cung cấp thức ăn.
Theo trang Wiki How, quan trọng cần dần thay đổi thói quen sinh hoạt theo giờ mới.
Nếu thời điểm hiện tại nơi đến là ban ngày, bạn nên đọc sách, nghe nhạc trong chuyến bay chứ đừng ngủ để giết thời gian. Ngược lại nếu điểm đến là ban đêm, có thể tắm rửa hoặc nghe nhạc giúp cơ thể dễ chịu rồi ngủ nghỉ để lấy lại sức. Những đồ vật như kính che mắt, bịt tai hay gối cổ sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Ngoài ra, trong những ngày hôm sau, du khách cũng nên tập thói quen ăn uống theo múi giờ mới. Dù có đôi chút bất tiện ban đầu nhưng mọi thứ sẽ trở về quỹ đạo nếu bạn chủ động tạo cho cơ thể cơ hội tiếp hoà nhập với môi trường mới.