22/01/2025

THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ

Chúng tôi trân trọng mời các bạn đọc lại Thư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ để tìm hiểu về cái đẹp thật sự là gì và tại sao chúng ta cổ vũ cho cái đẹp trong đời sống.

 THƯ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CÁC NGHỆ SĨ[1]

NGÀY 04 THÁNG 04 NĂM 1999

***

***

“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31)

 

Letter of His Holiness Pope John Paul II to artists

 

 

1. Nghệ sĩ, hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa

Không ai cảm nhận sâu sắc hơn các bạn, những nghệ sĩ, những nhà sáng tạo tài tình của cái đẹp, sự rung động tình cảm (pathos) mà Thiên Chúa đã cảm nhận khi nhìn công trình do tay mình tạo dựng vào thuở khai nguyên vũ trụ. Thoáng tình cảm ấy cũng thường sáng lên trong đôi mắt các bạn, khi các bạn cũng như các nghệ sĩ của mọi thời đại bị cuốn hút trước sức mạnh kín đáo của âm thanh và lời nói, của màu sắc và hình dáng, khi các bạn thán phục trước công trình mà mình đã được cảm hứng tạo ra. Các bạn cảm thấy như trong đó vang vọng lại mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa, Đấng sáng tạo duy nhất của muôn loài, muốn các bạn tham gia một cách nào đó.

Chính vì thế, theo tôi, có lẽ không có lời nào đẹp hơn bản văn của sách Sáng Thế nên được dùng để mở đầu lá thư này, lá thư mà tôi muốn gởi đến các bạn, những người tôi cảm thấy có liên hệ rất mật thiết do những kinh nghiệm xưa kia của mình, đã từng ghi dấu sâu đậm lên cuộc đời tôi. Khi viết lá thư này, tôi muốn đi tiếp con đường đối thoại rất kết quả giữa Giáo Hội và các nghệ sĩ trong suốt 2000 năm qua và nay, trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, vẫn đang hứa hẹn rất nhiều cho tương lai.

Thật vậy, cuộc đối thoại này không phải chỉ xuất phát từ một sự tình cờ trong lịch sử hay vì một nhu cầu thực tiễn nào đó, nhưng nó bắt nguồn sâu xa từ trong yếu tính của kinh nghiệm tôn giáo lẫn trong bản chất của việc sáng tạo nghệ thuật. Trang đầu tiên của Thánh Kinh đã giới thiệu Thiên Chúa như một khuôn mẫu cho tất cả những ai đang tạo ra một tác phẩm: một nghệ nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa. Quan hệ này càng thấy rõ hơn trong tiếng Ba Lan: có một mối liên hệ về từ vựng giữa chữ “stwórca” (người sáng tạo) và “twórca” (nghệ nhân).

“Người sáng tạo” và “nghệ nhân” khác nhau như thế nào? Người sáng tạo là người mang tới sự hiện hữu, đưa một sự gì đó ra khỏi cõi hư vô, như ngạn ngữ Latinh thường nói: “ex nihilo sui et subjecti” (từ hư vô của mình và của chủ thể), và hiểu cho chặt nghĩa thì đây là cách hoạt động của một mình Đấng Tối Cao. Trái lại, “nghệ nhân” sử dụng một vật gì đó đã có, rồi cho nó một hình dạng và một ý nghĩa. Đây là cách hoạt động riêng của con người, một hữu thể đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, sau khi nói rằng Thiên Chúa sáng tạo nên người đàn ông và người đàn bà “theo hình ảnh của Ngài” (x. St 1,27), Thánh Kinh nói thêm Thiên Chúa đã trao phó cho họ nhiệm vụ thống trị mặt đất (x. St 1,28). Chuyện này xảy ra vào ngày cuối cùng của công trình sáng tạo (x. St 1,28-31). Còn những ngày trước, đánh dấu nhịp độ khai sinh của vũ trụ, Giavê đã tạo dựng vũ trụ. Sau cùng, Ngài mới tạo dựng con người như hoa quả cao quý nhất trong kế hoạch sáng tạo của Ngài. Ngài bắt thế giới hữu hình phải thần phục con người, làm địa bàn bao la cho con người thi thố khả năng phát minh của mình.

Bởi đó, Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua “hoạt động sáng tạo nghệ thuật” ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình “giống Thiên Chúa”. Con người hoàn thành nhiệm vụ này xuất sắc nhất là khi uốn nắn “chất thể” kỳ diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương, Nhà Nghệ Sĩ thần linh kia đã chuyển giao cho người nghệ sĩ nhân loại một chút óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền lực sáng tạo của mình. Dĩ nhiên, đây là một sự chia sẻ mà vẫn giữ nguyên khoảng cách vô cùng giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, như Hồng Y Nicholas thành Cusa đã nói rõ: “Nghệ thuật sáng tạo, tuy là kho tàng lớn cho linh hồn tận hưởng, nhưng không thể đồng hoá với một nghệ thuật căn bản là chính Chúa; nó chỉ là một phần nghệ thuật ấy được thông ban và chia sẻ lại”.[2]

Chính vì thế, càng ý thức “món quà” Chúa tặng cho mình, các nghệ sĩ càng có cơ hội nhìn mình và toàn thể thụ tạo với cặp mắt chiêm ngưỡng và biết ơn, đồng thời dâng lên Chúa lời ngợi khen. Đây là con đường duy nhất đưa họ tới chỗ hiểu bản thân mình, ơn gọi và sứ mạng của mình cách đầy đủ.

2. Ơn gọi đặc biệt của các nghệ sĩ

Không phải tất cả mọi người đều được gọi trở thành nghệ sĩ theo nghĩa riêng của hạn từ này. Nhưng, như sách Sáng Thế có nói, tất cả mọi người, nam lẫn nữ, đều được giao cho nhiệm vụ kiến thiết cuộc sống riêng của mình, tức là, theo một nghĩa nào đó, họ phải biến cuộc sống của mình thành một tác phẩm nghệ thuật, một kiệt tác.

Đúng là cần phải phân biệt hai khía cạnh của hình thức hoạt động ấy, nhưng cũng không được quên sự liên kết giữa hai khía cạnh ấy. Ai cũng thấy rõ sự khác nhau: làm tác giả các hoạt động của mình, trách nhiệm về giá trị luân lý của chúng là một việc; nhưng làm người nghệ sĩ, biết đáp ứng những yêu cầu của nghệ thuật và trung thành chấp hành những mệnh lệnh riêng của nghệ thuật là một việc khác.[3] Đây là động cơ giúp các nghệ sĩ có thể sản sinh ra những vật thể, không có liên hệ gì với tính cách luân lý của họ. Ở đây chúng ta không nói tới việc uốn nắn bản thân mình, đào tạo nhân cách của mình, mà chỉ đề cập tới việc thể hiện các khả năng sản sinh của mình, làm cho các ý tưởng mà mình đã thai nghén trong tâm trí có được một hình thức nghệ thuật nào đó.

Phân biệt khía cạnh luân lý với khía cạnh nghệ thuật là điều rất quan trọng, nhưng liên kết chúng với nhau cũng là điều quan trọng không kém. Cái này chi phối cái kia một cách sâu xa. Khi sản xuất ra một tác phẩm, người nghệ sĩ bộc lộ con người mình nhiều đến nỗi tác phẩm ấy trở thành nơi duy nhất tiết lộ con người thật của mình, cho biết họ là gì và làm sao thể hiện được vai trò ấy. Có vô số thí dụ cho thấy điều này trong lịch sử nhân loại. Khi hình thành một kiệt tác, người nghệ sĩ không những làm cho tác phẩm ấy xuất hiện, mà còn tiết lộ con người mình cách nào đó. Người nghệ sĩ nhìn thấy nghệ thuật làm cho sự phát triển tâm linh của mình vừa có một chiều kích mới vừa có được một cách diễn tả hết sức đặc biệt. Thông qua tác phẩm của mình, người nghệ sĩ trò chuyện và trao đổi với người khác. Thế nên, lịch sử nghệ thuật không phải chỉ là lịch sử của các tác phẩm đã được làm ra, mà còn là lịch sử của những con người. Các tác phẩm nghệ thuật nói cho ta biết tác giả của chúng, đời sống nội tâm của họ và những sự độc đáo họ đóng góp được cho lịch sử văn hóa.

3. Ơn gọi của nghệ thuật trong việc phục vụ cái đẹp

Một thi hào Ba Lan nổi tiếng, là Cyprian Norwid, đã viết: “Vẻ đẹp thì làm ta phấn khởi lao động, còn lao động thì nâng ta lên cao”.[4]

Cái đẹp là một đề tài không thể thiếu được trong bất cứ bài luận bàn nào về nghệ thuật. Điều ấy đã được nói tới khi tôi lưu ý các bạn rằng Chúa đã sung sướng nhìn xem thụ tạo. Khi nhận thức tất cả mọi sự mình đã tạo dựng đều tốt, Chúa cũng thấy chúng đẹp nữa.[5] Quan hệ giữa tốt và đẹp bắt ta phải suy nghĩ thế nào cho đúng. Theo một nghĩa nào đó, đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp. Người Hy Lạp rất hiểu rõ việc này, nên kết hợp hai khái niệm ấy, tạo ra một thuật ngữ bao gồm cả hai khái niệm, đó là “kalok-agathia” hay “tốt-đẹp”. Về điều này Platon cũng viết: “Cái tốt có ảnh hưởng thế nào là nằm trong cái đẹp”.[6]

Chính khi sống và hoạt động, con người mới thấy mình có quan hệ với cái đang có, với sự thật và với điều tốt. Người nghệ sĩ có một quan hệ rất đặc biệt với cái đẹp. Nói cho đúng, cái đẹp là ơn gọi Tạo Hóa đã ban cho người nghệ sĩ qua hình ảnh họ được Chúa trao cho “nén bạc nghệ thuật”. Chắc chắn, đây cũng là nén bạc phải làm cho sinh hoa kết quả, đúng theo ý nghĩa của dụ ngôn các nén bạc.

Đến đây, chúng ta đụng phải một điểm căn bản. Những ai nhận thấy nơi mình có tia sáng thần linh ấy, tức là ơn gọi làm nghệ sĩ (làm thi sĩ, văn sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc, nhà nhiếp ảnh, nhạc sĩ,…) cũng sẽ cảm thấy mình có bổn phận không được để hoang phí tài năng ấy mà phải phát triển, để đem ra phục vụ nhân loại.

4. Nghệ sĩ và công ích

Xã hội cần các nghệ sĩ, như vẫn cần các nhà khoa học, kỹ thuật, lao động, chuyên nghiệp, chứng nhân đức tin, thầy cô, cha mẹ; các nghệ sĩ là những người giúp cá nhân được phát triển và cộng đoàn được tăng trưởng nhờ vào nghệ thuật tối cao là “nghệ thuật giáo dục”. Trong toàn cảnh văn hóa rộng lớn của mỗi dân tộc, các nghệ sĩ có một chỗ đứng đặc biệt. Khi nghe theo cảm hứng để sáng tạo ra các tác phẩm vừa đáng giá vừa đẹp đẽ, các nghệ sĩ chẳng những đã làm giàu cho di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại, mà còn phục vụ công ích qua sự phục vụ xã hội hết sức đặc biệt của mình.

Ơn gọi đặc biệt của mỗi nghệ sĩ sẽ quyết định lãnh vực nào phải chọn để phục vụ, những nhiệm vụ nào phải đảm nhận, công tác khó nhọc nào phải gánh vác và trách nhiệm nào phải thi hành. Những nghệ sĩ ý thức tất cả các điều này cũng đều rõ mình phải lao động, nhưng không để mình bị lôi vào cuộc săn tìm những vinh quang hão huyền, những sự nổi tiếng rẻ tiền, càng không để mình bị hướng dẫn bởi sự tính toán lợi lộc cá nhân nào. Bởi đó, có cả một nền đạo đức, thậm chí một “linh đạo” cho việc làm nghệ thuật, để đóng góp cho đời sống và sự tiến bộ của một dân tộc. Đây chính là điều mà Cyprian Norwid muốn ám chỉ khi nói rằng: “Vẻ đẹp thì làm ta phấn khởi lao động, còn lao động thì nâng ta lên cao”.

5. Nghệ thuật và mầu nhiệm Ngôi Lời làm người

Luật Cựu Ước đã công khai nghiêm cấm hình dung “Thiên Chúa vô hình và khôn tả” bằng những “hình tạc hay tượng đúc” (Đnl 27,15), vì Thiên Chúa siêu vượt trên mọi sự hình dung bằng vật chất: “Ta sao thì Ta vậy” (Xh 3,14). Tuy nhiên, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã trở nên hữu hình: “Khi thời gian đã đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, sinh ra từ một phụ nữ” (Gl 4,4). Thiên Chúa đã trở thành con người nơi Đức Giêsu Kitô; vì thế, Đức Giêsu Kitô đã trở thành “tâm điểm cần tham chiếu nếu muốn hiểu biết bí mật về kiếp sống con người, về thế giới đã được tạo thành và về chính Thiên Chúa”.[7]

Sự hiển lộ tuyệt vời của “Thiên Chúa Mầu Nhiệm” ấy vừa là một nguồn động viên, vừa là một lời thách đố đối với người Kitô hữu, cũng như đối với người làm công tác sáng tạo nghệ thuật. Chính từ mầu nhiệm Nhập Thể ấy mà cái đẹp đã triển nở, sau khi rút lấy nhựa sống từ chính mầu nhiệm này. Khi trở thành người, Con Thiên Chúa đã mang vào trong lịch sử nhân loại tất cả kho tàng Tin Mừng gồm những gì là chân, là thiện và kèm theo đó, Ngài vén mở cho ta thấy một chiều kích mới của cái đẹp, một điều mà Tin Mừng có dư dật.

Như thế, Thánh Kinh đã trở thành một loại “kho tàng ngữ vựng bao la” (Paul Claudel) và một “tập bản đồ mô tả bằng hình tượng” (Marc Chagall) cho văn hóa và nghệ thuật Kitô giáo khai thác. Khi đọc Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước, Cựu Ước sẽ cung cấp cho chúng ta những nguồn cảm hứng bất tận. Từ những câu chuyện về sự Sáng Tạo và Tội, Đại Hồng Thủy, lịch sử các Tổ Phụ, các biến cố chung quanh cuộc Xuất Hành, cho đến nhiều sự việc và nhân vật khác trong lịch sử cứu độ, Thánh Kinh quả là đã châm ngòi cho óc tưởng tượng của các họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, nhà biên kịch và làm phim hoạt động. Chỉ cần lấy một thí dụ thôi, một khuôn mặt như Gióp, với nỗi băn khoăn và thắc mắc không nguôi về đau khổ, đã và vẫn còn gây sự chú ý không phải chỉ về mặt triết học mà cả về mặt văn chương và nghệ thuật. Rồi chúng ta phải nói sao đây về Tân Ước? Từ cuộc Hạ Sinh Đức Giêsu đến đồi Golgotha, từ cuộc Hiển Dung đến sự Phục Sinh của Người, từ những phép lạ đến bài giảng, cho đến những biến cố đã được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ hay đã được tiên báo trong sách Khải Huyền trong bối cảnh cánh chung, biết bao nhiêu lần những lời lẽ của Thánh Kinh đã trở thành hình ảnh, âm nhạc và thi ca, nhằm gợi lại mầu nhiệm “Ngôi Lời nhập thể”bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Trong lịch sử văn hóa của loài người, tất cả những điều vừa kể đúng là một chương sử rất phong phú của niềm tin và cái đẹp. Hơn ai hết, các tín hữu đã học được rất nhiều từ đó, làm lợi cho kinh nghiệm cầu nguyện và sống đạo của mình. Thật vậy, khi chưa mấy ai biết đọc và biết viết, nhiều người đã coi những cách trình bày tượng hình của Thánh Kinh là một phương thế cụ thể để học hỏi giáo lý.[8] Nhưng, dù tin hay không tin, ai ai cũng vẫn coi các tác phẩm nghệ thuật, được cảm hứng từ Thánh Kinh, là một cách suy tư về một mầu nhiệm khôn dò, đang bao trùm và ngự trị trên thế giới.

6. Một sự liên minh hữu ích giữa Tin Mừng và nghệ thuật

Mọi trực giác nghệ thuật chính hiệu đều vượt xa những gì giác quan nhận biết và một khi đã lọt được tới cái nằm đằng sau bộ mặt của thực tại, nó sẽ cố gắng giải thích mầu nhiệm kín ẩn của thực tại ấy. Bản thân trực giác này cũng nảy sinh từ nơi thẳm sâu của linh hồn con người, nơi đó ta gặp thấy con người đang khát khao tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình, đồng thời thoáng thấy vẻ đẹp cũng như sự thống nhất diệu kỳ của mọi sự. Người nghệ sĩ nào cũng nghiệm thấy có một quãng cách không sao vượt qua được giữa tác phẩm do tay mình làm ra, dù có thành công đến đâu, và vẻ đẹp tuyệt vời mà mình đã thoáng thấy trong một lúc được cảm hứng sáng tác: những gì họ cố gắng diễn tả qua tranh vẽ, tượng điêu khắc, tác phẩm sáng tác đều chẳng hơn gì một tia sáng phát ra từ ánh sáng đã từng loé lên trước đôi mắt tinh thần của họ trong một khoảnh khắc nào đó.

Các tín hữu không thấy có gì là lạ trong việc đó, vì họ biết rằng họ mới chỉ thoáng thấy vòm ánh sáng, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Vì thế, có gì là lạ đâu khi nó làm cho tâm trí ta choáng ngợp trong giây lát, khiến cho tâm trí ta chẳng còn cách nào khác hơn là đáp lại? Hơn ai hết, các nhà nghệ sĩ chân chính rất sẵn sàng nhìn nhận những giới hạn của mình và lấy lời thánh Phaolô sau đây làm của mình: “Thiên Chúa không ngự trong các ngôi đền do bàn tay con người làm ra” và vì thế “chúng ta không được nghĩ rằng thần minh cũng tựa như vàng bạc hay gỗ đá, một sản phẩm do nghệ thuật và trí tưởng tượng của con người làm ra” (Cv 17,24.29). Nếu cái thực tại sâu xa của vạn vật đã luôn luôn “vượt xa” khả năng nhận thức của con người như thế, thì huống nữa là Thiên Chúa trong mầu nhiệm sâu xa khôn dò của Ngài!

Sự hiểu biết do đức tin mang lại thuộc về một loại khác: nó giả thiết là đã có sự gặp gỡ cá nhân giữa ta với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, sự hiểu biết này cũng có thể được trực giác nghệ thuật làm giàu lên. Một thí dụ hùng hồn cho thấy sự chiêm ngắm của nghệ thuật đã được người nghệ sĩ nâng cao lên trong đức tin như thế nào, đó là các tác phẩm của Fra Angelico. Về mặt này, ta còn phải kể đến lời “ngợi ca” xuất thần mà thánh Phanxicô Assisi đã hai lần lặp lại trong bản “hiến chương nhỏ” do ngài biên soạn sau khi nhận các dấu thánh của Đức Kitô trên núi La Verna: “Ôi, Ngài là vẻ đẹp. Ôi, Ngài là vẻ đẹp!”.[9] Thánh Bonaventura đã chú giải: “Trong tất cả các vật đẹp đẽ, thánh nhân chiêm ngắm thấy Đấng đẹp vô cùng, và theo dấu chân của Đấng ấy để lại nơi các thụ tạo, thánh nhân đã đi theo Người Yêu ấy khắp mọi nơi”.[10]

Một cách tương tự để tiếp cận Thiên Chúa của nền linh đạo Đông Phương, mô tả Đức Kitô là “người đẹp vô cùng, người có một vẻ đẹp vượt xa mọi người trên trần gian”.[11] Macario Cả nói tới vẻ đẹp của Chúa Phục Sinh, một vẻ đẹp có sức biến đổi và giải thoát, như sau: “Linh hồn nào được chiếu sáng trọn vẹn bởi vẻ đẹp khôn tả và sáng láng của Đức Kitô cũng đầy tràn Thánh Thần. đến nỗi chỉ còn thấy mắt, ánh sáng và gương mặt”.[12]

Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy, đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó. Đó chính là lý do giải thích tại sao chân lý trọn vẹn của Tin Mừng ngay từ đầu đã có sức khơi dậy sự quan tâm thích thú của các nghệ sĩ, những người do bản tính tự nhiên vốn rất nhanh nhạy trước các sự “hiển lộ” của cái đẹp bên trong các sự vật.

7. Từ thuở ban đầu

Nền nghệ thuật mà Kitô Giáo gặp được trong những ngày đầu tiên của mình là kết quả đã chín muồi của thế giới thượng cổ, biết phối hợp các điều luật thẩm mỹ và biết biểu hiện các giá trị của thế giới ấy. Không phải chỉ trong cách sống và suy nghĩ, mà cả trong lãnh vực nghệ thuật, đức tin luôn buộc người Kitô hữu phải biết biện biệt, không được phép đón nhận di sản văn hóa ấy một cách dễ dãi, thiếu phê bình. Bởi đó, nghệ thuật cảm hứng từ Kitô giáo đã khai sinh một cách khiêm tốn, chỉ để phục vụ nhu cầu của các tín hữu là dùng các dấu hiệu có nguồn gốc Thánh Kinh để diễn tả các mầu nhiệm đức tin và để tạo một “bộ mã biểu tượng” giúp phân biệt và xác định mình, nhất là trong các thời kỳ bị bách hại. Ai lại không nhớ những biểu tượng giúp khai sinh nghệ thuật tạo hình và họa ảnh? Hình con cá, ổ bánh mì, người chăn chiên,… rồi một cách nào đó không biết, đã trở thành những dấu vết đầu tiên của một nền nghệ thuật mới, nhắc ta nhớ tới các mầu nhiệm.

Khi được chiếu chỉ của vua Constantinop cho phép xưng đạo một cách hoàn toàn tự do, các Kitô hữu đã dùng nghệ thuật làm phương thế đặc biệt để diễn tả đức tin. Các vương cung thánh đường huy hoàng bắt đầu mọc lên, trong đó ta gặp lại các quy tắc kiến trúc của thế giới ngoại giáo, đồng thời điều chỉnh chúng sao cho đáp ứng các yêu cầu của hình thức thờ phượng mới. Làm sao chúng ta lại không thể nhận ra vương cung thánh đường thánh Phêrô ngày trước và vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano, cả hai đều do vua Constantinop tài trợ? Hay thánh đường thánh Sophia ở Constantinopoli là do hoàng đế Justiniano xây dựng theo nghệ thuật rất huy hoàng của Byzantin?

Nếu kiến trúc là phác họa ra không gian thờ phượng, thì dần dần nhu cầu chiêm ngắm mầu nhiệm rồi trình bày giản dị cho quần chúng bình dân hiểu, bắt ta sử dụng tới những hình thức nghệ thuật nguyên sơ của hội họa và điêu khắc. Ta cũng bắt đầu thấy một số yếu tố nguyên sơ của nghệ thuật lời nói và âm thanh. Trong số những đề tài được thánh Augustino làm việc, ta thấy có bài viết “về âm nhạc”. Còn thánh Hilario thành Poitiers, thánh Ambrosio, Prudentio, Ephrem người Syria, thánh Gregorio người Nazianzo và Paulino người Nola, (đó là mới chỉ kể một số), tất cả các vị ấy đều đẩy mạnh thi ca Kitô giáo với chất lượng cao không phải chỉ về mặt thần học mà cả về mặt văn chương. Trong các tác phẩm thi ca của mình, các vị ấy đánh giá cao những hình thức văn chương kế thừa từ các tác giả cổ điển, nhưng luôn lấy chất liệu nguyên tuyền từ Tin Mừng nuôi sống mình, như Paulino thành Nola đã nhận xét một cách hết sức chính xác: “Nghệ thuật duy nhất của chúng ta là đức tin và nền âm nhạc duy nhất của chúng ta là Đức Kitô”.[13] Ít lâu sau, thánh Gregorio Cả đã biên soạn cuốn “Antiphonarium” (sách Điệp Ca) và như vậy, ngài đã đặt nền tảng cho nền thánh nhạc độc đáo nhất của Kitô giáo được phát triển; nền thánh nhạc này đã được đặt tên theo tên của ngài. Trải qua nhiều thế kỷ, nhạc Gregorio, với những giai điệu được cảm hứng, đã trở thành âm nhạc của Giáo Hội trong những lúc cử hành các mầu nhiệm thánh theo phụng vụ. Thế là “cái đẹp” đã được ghép với “cái thật”, giúp các tâm hồn được nâng lên khỏi thế giới giác quan và đi vào thế giới vĩnh cửu.

Trong cuộc hành trình ấy cũng có những lúc sóng gió. Nói cho rõ hơn, trong những thế kỷ đầu tiên đã có một cuộc tranh luận rất gay gắt về vấn đề miêu tả các mầu nhiệm Kitô giáo, thường được biết đến trong lịch sử là “cuộc khủng hoảng do chủ nghĩa bài trừ ảnh tượng gây ra”. Các hình ảnh thánh, đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống đạo của người Kitô hữu, bỗng trở thành đối tượng cho hai bên tranh cãi quyết liệt. Công Đồng nhóm họp tại Nicea năm 787, nhìn nhận sự hợp pháp của các ảnh tượng và việc tôn kính ảnh tượng, đúng là một biến cố lịch sử không chỉ đối với đức tin mà cả đối với văn hóa. Luận cứ quyết định mà các giám mục dựa vào để giải quyết cuộc tranh cãi là mầu nhiệm Nhập Thể: nếu Con Thiên Chúa đã đến trong thế giới của các thực tại hữu hình (nhân tính của Ngài chính là cầu nối thế giới hữu hình và thế giới vô hình), thì một cách loại suy, ta có thể dùng các hình ảnh diễn tả mầu nhiệm ấy trong phạm vi các dấu chỉ để nhắc nhớ mầu nhiệm trong giác quan. Ảnh tượng thánh được tôn kính thì đó không phải là vì chính nó, nhưng nó muốn dẫn ta đến chủ thể mà ảnh tượng ấy diễn tả.[14]

8. Thời Trung Cổ

Trong các thế kỷ sau, người ta chứng kiến nghệ thuật Kitô giáo được phát triển mạnh mẽ. Ở Đông Phương, nghệ thuật ảnh tượng thánh tiếp tục phát triển, dựa vào các chuẩn mực thần học và thẩm mỹ, rất súc tích ý nghĩa và được hậu thuẫn bởi niềm xác tín, theo một nghĩa nào đó thì, “ảnh tượng là một bí tích”. Tương tự với những gì diễn ra trong bí tích, các ảnh tượng làm cho mầu nhiệm Nhập Thể như xuất hiện lại dưới góc cạnh này hay góc cạnh khác. Chính vì thế, vẻ đẹp của ảnh tượng được đánh giá cao nhất là trong nhà thờ nào ở đó, giữa bóng tối ta thấy rất nhiều tia sáng lung linh xuất hiện bên cạnh những ngọn đèn dầu. Như Pavel Florensky đã nói: “Dưới ánh sáng nhợt nhạt ban ngày, ta thấy những ảnh tượng dát vàng ấy thật thô kệch, nặng nề, vô nghĩa, vô dụng, nhưng dưới ánh sáng đậm đà của một ngọn đèn hay một cây nến, ta thấy chúng như sống dậy, lấp lánh với vô vàn tia sáng, khi ở đây, lúc ở kia, làm ta nghĩ tới những ánh sáng khác, không thuộc thế giới này nhưng chan hòa trên trời cao”.[15]

Ở Tây Phương, các nghệ sĩ khởi đi từ những quan điểm khác nhau, đồng thời dựa vào những quan điểm ngầm của thế giới văn hóa đương thời. Trong kho tàng nghệ thuật có từ nhiều thế kỷ ấy, ta thấy rất nhiều tác phẩm linh thiêng có nguồn hứng rất cao cả, mà đến nay khán giả vẫn còn trầm trồ thán phục. Trước hết là những tòa nhà to lớn dùng để làm việc thờ phượng, trong đó mục tiêu thực dụng luôn kết hợp với ý đồ sáng tạo, xuất phát từ sự cảm nhận cái đẹp và trực giác được các mầu nhiệm. Từ kho tàng này ta có được rất nhiều kiểu kiến trúc thời danh trong lịch sử nghệ thuật. Như kiểu Romanesque vừa hùng dũng vừa giản dị, nơi các thánh đường và các tu viện, đã dần dần biến thành kiểu Gothic thật huy hoàng, tráng lệ. Những dáng vẻ này không chỉ phản ảnh thiên tài của nhà nghệ sĩ mà còn cho thấy tâm hồn của cả một dân tộc. Kết hợp ánh sáng và bóng tối, những hình dáng khi thì đồ sộ lúc lại mảnh mai, đó không phải chỉ là quan điểm về sự kết cấu, mà còn nói lên sự căng thẳng rất đặc thù của những kinh nghiệm về Thiên Chúa, một mầu nhiệm vừa “khả úy” vừa “khả ái”. Làm sao ta có thể tóm tắt sức sáng tạo của bao nhiêu thế kỷ thời Trung Cổ bằng một vài gợi ý vắn tắt về mỗi hình thức nghệ thuật? Cả một nền văn hóa đã thấm nhuần Tin Mừng, dù có những giới hạn không thể tránh được của tất cả những gì là nhân loại. Nếu thần học lúc ấy đã sản sinh ra bộ “Tổng luận thần học” của thánh Tôma Aquinô thì nghệ thuật thánh đường cũng khuôn đúc các chất liệu xây dựng sao cho chúng có thể giúp ta thờ phượng mầu nhiệm Thiên Chúa, còn các thi sĩ trác tuyệt như Dante Alighieri thì sáng tác ra “bài thơ thánh, bài thơ do trời và đất bắt tay nhau tạo thành”,[16] như chính ông đã mô tả khi nói về tập thơ “Vở kịch thần linh” (Divine Comedy).

9. Chủ nghĩa nhân bản và thời Phục Hưng

Bầu khí văn hóa thuận lợi, đưa tới sự phát triển đặc biệt của chủ nghĩa nhân bản và thời Phục Hưng, cũng ảnh hưởng nhiều tới cung cách các nghệ sĩ thời ấy làm việc với các đề tài tôn giáo. Dĩ nhiên, những cảm hứng và văn phong của họ rất đa dạng, ít là nơi các nghệ sĩ xuất sắc. Nhưng ở đây, tôi không muốn nhắc lại những điều mà quý vị là các nghệ sĩ đã quá rõ. Tôi viết thư này từ cung điện của giáo triều, là nơi chứa đựng cả một lô kiệt tác có lẽ độc nhất vô nhị trên thế giới này. Chính vì thế, tôi muốn nhường lời cho các nghệ sĩ thượng đẳng đã biểu dương thiên tài phong phú của mình tại nơi này, với những tác phẩm mang chiều sâu tâm linh rất đáng kể. Từ nơi này, quý vị có thể nghe thấy tiếng nói của Michelangelo, người đã trình bày cả vở kịch và toàn bộ mầu nhiệm thế giới từ ngày Sáng Tạo tới ngày Chung Thẩm, tại nguyện đường Sistine: quý vị có thể nhìn thấy ở đó khuôn mặt của Chúa Cha, của Đức Kitô Thẩm Phán và của con người đang vất vả tiến bước từ thuở khai sinh lịch sử đến khi hoàn tất. Ở đây, quý vị cũng nghe thấy tiếng nói của một thiên tài vừa tinh tế vừa sâu sắc là Raphael, người đã vận dụng các tranh vẽ của mình, nhất là tác phẩm “Tranh cãi” (Dispute)trưng bày ở Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh, để diễn tả mầu nhiệm mặc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngài đã làm bạn với loài người trong bí tích Thánh Thể và soi sáng cho những câu hỏi và thắc mắc của trí khôn con người. Từ cung điện này hay từ vương cung thánh đường dành để kính nhớ vị Thủ Lãnh các tông đồ, hay từ hành lang bắt đầu từ thánh đường ấy vòng ra hai bên như đang mở tay tiếp đón toàn thể gia đình nhân loại, chúng ta còn nghe được tiếng nói của Bramante, Bernini, Borromini, Maderno, đó là chỉ kể tên các nghệ sĩ quan trọng, tất cả đều giúp chúng ta hình dung ra một mầu nhiệm đã làm cho Giáo Hội trở thành cộng đồng có khả năng đón tiếp mọi người, trở thành người mẹ và người bạn đường của tất cả những ai đang đi tìm Chúa.

Cả quần thể kỳ lạ này chính là một biểu hiện hết sức mạnh mẽ của nghệ thuật thánh, một nghệ thuật đã đạt tới đỉnh cao bất tử của mỹ thuật và tôn giáo. Một điều càng lúc càng ghi dấu trên nghệ thuật thánh, do ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân bản và thời Phục Hưng, rồi sau đó là của các xu hướng văn hóa và khoa học nối gót nhau ra đời, chính là càng ngày người ta càng quan tâm tới tất cả những gì là của con người, tới thế giới và tới thực tế lịch sử. Tự bản thân, quan tâm như thế chẳng có gì là nguy hiểm cho đức tin Kitô giáo, vì đức tin Kitô giáo cũng tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể và từ đó, chú ý tới sự đề cao mà Thiên Chúa dành cho con người. Tác phẩm của các nghệ sĩ đại tài nhắc tới trên đây là bằng chứng nói lên điều đó. Chỉ cần nghĩ tới cung cách Michelangelo trình bày vẻ đẹp của thân xác con người trong các tranh vẽ và các tượng điêu khắc của ông cũng đã đủ.[17]

Ngay cả trong bầu khí đã thay đổi của những thế kỷ gần đây, khi mà một bộ phận xã hội đã tỏ ra dửng dưng với đức tin, nghệ thuật tôn giáo vẫn tiếp tục phát triển. Ta có thể thấy được điều này cách rộng rãi hơn, nếu không dừng lại với nghệ thuật tạo hình mà xét tới cả sự phát triển mạnh mẽ của thánh nhạc cũng trong thời kỳ ấy, hoặc dành riêng cho phụng vụ hoặc chỉ khai thác các đề tài tôn giáo. Không kể các nghệ sĩ đã coi thánh nhạc là bận tâm chủ yếu của mình, như Pier Luigi da Palestrina, Orlando di Lasso, Tomás Luis de Victoria, rất nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại như Handel, Bach, Mozart, Schubert, Beethoven, Berlioz, Liszt và Verdi, cũng đã cống hiến cho chúng ta những tác phẩm xuất thần trong lãnh vực này.

10. Nối lại cuộc đối thoại

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng trong kỷ nguyên hiện đại này, bên cạnh chủ nghĩa nhân bản của Kitô giáo đã không ngừng sản sinh ra những tác phẩm văn hóa và nghệ thuật quan trọng, còn có một thứ chủ nghĩa nhân bản khác đang dần dần khẳng định được vị trí của mình; chủ nghĩa này có đặc điểm là không đề cập đến Thiên Chúa hay nhiều khi chống đối lại Thiên Chúa. Tình hình này đôi khi đưa tới hiện tượng: chia rẽ thế giới văn hóa với thế giới đức tin, ít là ở chỗ nhiều nhà nghệ sĩ hiện nay đã bớt quan tâm tới các đề tài tôn giáo.

Dẫu vậy, Giáo Hội vẫn không ngừng trân trọng giá trị của nghệ thuật. Ngay cả khi không phải là những cách diễn tả tôn giáo điển hình, nghệ thuật chân chính vẫn rất gần gũi với thế giới đức tin, đến nỗi ngay trong những tình huống văn hóa và Giáo Hội cách biệt nhau, nghệ thuật vẫn là cây cầu đưa ta đến với kinh nghiệm tôn giáo. Bao lâu nghệ thuật còn đi tìm cái đẹp, như hoa trái của một óc tưởng tượng biết vươn lên trên những chuyện hằng ngày, thì nghệ thuật tự bản chất vẫn là một con đường dẫn ta đến với những gì là mầu nhiệm. Ngay cả khi thăm dò tâm hồn con người tới những điểm tối sâu xa nhất hay những khía cạnh gây bất an nhất của sự xấu, một cách nào đó, các nghệ sĩ vẫn lên tiếng thay cho khát vọng được cứu rỗi của hết mọi người.

Bởi vậy, không lạ gì khi thấy Giáo Hội đặc biệt quan tâm việc mở cuộc đối thoại với nghệ thuật và ý thức rất sâu sắc rằng trong thời đại chúng ta hiện nay cần phải có một sự liên minh mới với các nghệ sĩ, như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là đức Phaolô VI đã kêu gọi trong bài diễn thuyết hùng hồn của ngài với các văn nghệ sĩ tại nhà nguyện Sistine ngày 7 tháng 5 năm 1964.[18] Từ sự cộng tác ấy, Giáo Hội hy vọng sẽ thấy lại sự “hiển lộ” của cái đẹp trong thời đại chúng ta, cũng như những đáp ứng thích hợp cho các nhu cầu riêng của cộng đồng Kitô hữu.

11. Theo tinh thần của Công Đồng Vatican II

Công Đồng Vatican II đã đặt nền tảng cho việc đổi mới mối quan hệ giữa Giáo Hội và văn hóa, kèm theo những hệ lụy trực tiếp rút ra từ đó cho thế giới nghệ thuật. Đây là một quan hệ trong tình bằng hữu, diễn ra trong cởi mở và đối thoại. Trong Hiến chế mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et spes), các nghị phụ Công Đồng đã nhấn mạnh tầm “quan trọng rất lớn” của văn chương và nghệ thuật trong đời sống con người: “Các nghệ sĩ tìm cách thăm dò bản tính thật của con người, tìm hiểu các vấn đề và kinh nghiệm của con người khi con người cố gắng hiểu biết mình và hoàn thiện chính mình cùng với thế giới, tìm ra chỗ đứng của mình trong lịch sử và vũ trụ, mô tả niềm vui, nỗi khổ và cái được cái chưa của mình, với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn”.[19]

Dựa trên căn bản đó, vào cuối Công Đồng, các nghị phụ đã có lời chào hỏi và hiệu triệu đối với các văn nghệ sĩ: “Thế giới chúng ta đang sống rất cần cái đẹp để không rơi vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật, mang lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá có thể chịu được sự sói mòn của thời gian, nối kết các thế hệ và đưa họ đến với nhau trong cùng một tâm tình cảm phục và ngưỡng mộ!”.[20] Trong tinh thần kính trọng sâu xa đối với cái đẹp như thế, Hiến chế về Phụng Vụ đã nhắc lại sự thiện cảm của Giáo Hội đối với nghệ thuật và, cách riêng đối với nghệ thuật thánh, tức là “đỉnh cao” của nghệ thuật tôn giáo, Công Đồng đã không ngần ngại coi các nghệ sĩ ấy là những người đang thi hành “một thừa tác vụ cao cả”khi các tác phẩm của họ phản ảnh vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, giúp nâng cao tâm trí con người lên với Ngài.[21] Cũng nhờ các nghệ sĩ ấy mà “Thiên Chúa được mặc khải nhiều hơn, Tin Mừng được trở nên rõ ràng hơn cho tâm trí loài người”.[22] Trong viễn tượng này, không có gì là lạ khi cha Marie Dominique Chenu cho rằng nhà viết sử thần học kể như chưa làm xong nhiệm vụ khi không chú ý đủ tới các tác phẩm nghệ thuật, cả nghệ thuật văn chương lẫn nghệ thuật tạo hình, vì theo cách của mình, chúng “không chỉ là những công trình thẩm mỹ mà còn là những nguồn thần học thứ thiệt”.[23]

12. Giáo Hội cần đến nghệ thuật

Để truyền đạt sứ điệp mà Đức Kitô đã giao cho mình, Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ là làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay. Bởi đó, nghệ thuật phải chuyển dịch những gì tự chúng vốn không thể diễn tả được thành những ngôn từ có ý nghĩa. Nghệ thuật có một khả năng độc đáo là lấy một mặt này hay một mặt khác của sứ điệp, rồi chuyển dịch thành một cái gì đó có màu sắc, hình dáng và âm thanh, để nuôi dưỡng trực quan của những người đến xem hay đến nghe. Nghệ thuật làm việc này không phải bằng cách đánh mất đi giá trị siêu việt và hào quang mầu nhiệm của sứ điệp.

Giáo Hội đặc biệt cần đến những người có thể làm công tác ấy trong lãnh vực văn chương và tạo hình, dùng được những khả năng vô tận của các hình ảnh và sức mạnh biểu tượng của chúng. Chính Đức Kitô cũng đã sử dụng rất nhiều hình ảnh trong các bài giảng của Ngài, cho theo kịp với ước nguyện của Ngài là trở thành hình tượng của Thiên Chúa vô hình, qua mầu nhiệm Nhập Thể.

Giáo Hội cũng cần các nhạc sĩ. Biết bao tác phẩm linh thiêng đã được sáng tác qua nhiều thế kỷ do những người có cảm thức sâu sắc về mầu nhiệm! Lòng tin của biết bao tín hữu đã được nuôi dưỡng nhờ những giai điệu xuất phát từ tâm hồn các tín hữu khác, những giai điệu này hoặc đã được đưa vào phụng vụ hoặc được dùng để hỗ trợ cho việc thờ phượng thêm trang trọng. Qua các bài hát, người tín hữu nghiệm thấy lòng tin của mình lúc thì tưng bừng vui tươi, khi dào dạt yêu thương hay tin tưởng đợi chờ Thiên Chúa ra tay cứu độ.

Giáo Hội cũng cần các nhà kiến trúc, vì Giáo Hội cần có những không gian cho dân Chúa tụ họp và cử hành các mầu nhiệm cứu độ. Sau những sự tàn phá kinh khủng do chiến tranh thế giới thứ hai gây ra và sau khi các đô thị lớn được mọc lên, có cả một thế hệ các kiến trúc sư đã chứng tỏ mình thừa sức đáp ứng các yêu cầu của việc thờ phượng Kitô Giáo, và cho thấy đề tài tôn giáo vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều mẫu thiết kế xây dựng ngày nay. Các kiến trúc sư ấy thường xây dựng các nhà thờ như những nơi thờ phượng và như những công trình nghệ thuật đích thực.

13. Nghệ thuật có cần đến Giáo Hội không?

Bởi đó, Giáo Hội rất cần đến nghệ thuật. Nhưng còn nghệ thuật có cần đến Giáo Hội không? Câu hỏi này có vẻ hơi khiêu khích. Nhưng, nếu hiểu cho đúng thì đó là một câu hỏi vừa chính đáng vừa sâu sắc. Các nghệ sĩ luôn tìm kiếm ý nghĩa tiềm ẩn của mọi sự và băn khoăn làm sao có thể diễn đạt được thế giới khôn tả ấy. Nếu vậy, làm sao ta lại không thấy rằng có một nguồn cảm hứng lớn là tôn giáo, quê hương của linh hồn được trao tặng cho các nghệ sĩ? Chẳng phải ta thấy tôn giáo là nơi đặt ra những câu hỏi riêng tư có tầm quan trọng sinh tử hay sao, đồng thời là nơi ta tìm được những câu trả lời cụ thể và dứt khoát đấy hay sao?

Thật vậy, đề tài tôn giáo là một trong số các đề tài được các nghệ sĩ mọi thời khai thác nhiều nhất. Giáo Hội luôn nhờ đến khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ để giải thích sứ điệp Tin Mừng và để tìm cách áp dụng sứ điệp ấy cách chính xác vào trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Sự cộng tác này xưa nay vẫn là nguồn giúp hai bên làm giàu cho nhau về tâm linh. Xét cho cùng, đó chính là nguồn nâng đỡ quan trọng giúp chúng ta hiểu về con người, hình ảnh đích thực và sự thật của con người. Mối quan hệ đặc biệt giữa nghệ thuật và mặc khải Kitô Giáo cũng đã trở nên rõ ràng. Nhưng nói thế không có nghĩa là các thiên tài ấy không thể tìm được nguồn cảm hứng nơi các tôn giáo khác. Chỉ cần nhớ lại nghệ thuật của thế giới ngày xưa, nhất là của Hy Lạp và Roma, hay nền nghệ thuật hiện nay vẫn còn phát triển trong các nền văn minh Đông Phương. Tuy nhiên, chính vì có đưa ra một giáo lý cơ bản là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, nên Kitô giáo vẫn là nơi đóng góp cho các nghệ sĩ một chân trời những cảm hứng hết sức phong phú. Nghệ thuật sẽ trở nên nghèo nàn biết bao, khi từ bỏ kho Tin Mừng phong phú bất tận này!

14. Lời hiệu triệu các nghệ sĩ

Với lá thư này, tôi xin hứa với các anh chị em nghệ sĩ trên toàn thế giới là mình vẫn luôn luôn quý trọng và sẵn sàng giúp đỡ, củng cố sự cộng tác tích cực hơn giữa nghệ thuật và Giáo Hội. Tôi mời gọi anh chị em hãy khám phá lại chiều sâu tâm linh và tôn giáo, vốn là nét điển hình của nghệ thuật từ xưa tới nay, dưới những hình thức cao quý nhất. Nghĩ như thế, nên tôi kêu gọi anh chị em nghệ sĩ: nghệ sĩ của chữ viết và lời nói, của sân khấu và âm nhạc, của tạo hình và thông tin theo các kỹ thuật tiên tiến nhất. Còn các nghệ sĩ Kitô Giáo, tôi cũng xin có lời hiệu triệu đặc biệt đối với các bạn: tôi muốn nhắc anh chị em nhớ rằng, ngoài những suy nghĩ nặng tính chức năng trên đây, ta còn thấy có một sự liên minh chặt chẽ và luôn luôn giữa Tin Mừng và nghệ thuật, nghĩa là các bạn được mời sử dụng trực giác sáng tạo của mình để đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và đồng thời, đi sâu vào mầu nhiệm con người.

Theo một nghĩa nào đó, con người không hiểu biết chính mình. Vì thế, Đức Giêsu Kitô không chỉ mặc khải Thiên Chúa, mà còn “mặc khải trọn vẹn để cho con người biết nhau”.[24] Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế giới với chính Ngài. Mọi tín hữu đều được mời gọi làm chứng điều này. Nhưng cách riêng, là những người đã hiến dâng cả đời cho nghệ thuật, anh chị em có nghĩa vụ phải dùng hết khả năng sáng tạo phong phú của mình để công bố thế giới đã được cứu chuộc trong Đức Kitô: con người được cứu độ, thân xác con người được cứu độ, toàn thể thụ tạo đang “sốt ruột chờ đợi sự mặc khải của con cái Chúa” (Rm 8,19). Thụ tạo cũng đang chờ đợi sự mặc khải của con cái Chúa qua nghệ thuật và trong nghệ thuật. Đây chính là nhiệm vụ của anh chị em. Nhân loại thời nào, kể cả thời nay, đều mong muốn các tác phẩm nghệ thuật soi sáng cho đường đi và số phận của nhân loại.

15. Thánh Thần Sáng Tạo với việc cảm hứng nghệ thuật

Trong Giáo Hội, ta thường hát kinh cầu Chúa Thánh Thần: “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo, đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời, xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi, là sản phẩm do tay Ngài mà có”.[25]

Thánh Thần hay “hơi thở” (ruah) là nhân vật đã được nhắc tới trong sách Sáng Thế: “Thuở mặt đất chưa nên hình nên dạng, tối tăm bao trùm mặt vực thẳm thì Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước” (St 1,2). Có một sự gần gũi đặc biệt giữa hai từ “hơi thơ” hay “thở” và “cảm hứng”! Thánh Thần là Nhà Nghệ Sĩ mầu nhiệm của vũ trụ. Hướng tới thiên niên kỷ thứ ba, tôi thầm mong rằng mọi nghệ sĩ sẽ nhận được dồi dào ơn cảm hứng sáng tạo, vì đó là khởi đầu cho mọi công trình nghệ thuật chân chính.

Các nghệ sĩ thân mến, quý vị đã quá rõ có nhiều sự thúc đẩy, từ trong hay từ ngoài, có thể gây hứng cho quý vị thi thố tài năng. Nhưng bất cứ sự cảm hứng chân chính nào, cũng đều cưu mang phần nào “hơi thở” mà “Thánh Thần Sáng Tạo đã từng dùng để đỡ nâng công trình sáng tạo ngay từ thuở ban đầu”. Thánh Thần Sáng Tạo trông coi các quy luật mầu nhiệm đang chi phối vũ trụ, sẽ thổi cho tới các bậc kỳ tài trong nhân loại và đánh thức dậy khả năng sáng tạo của họ. Ngài chạm đến khả năng ấy bằng cách soi sáng họ từ bên trong, cho họ vừa cảm thấy cái tốt lẫn cái đẹp, đồng thời đánh thức mọi năng lực của tâm trí lẫn của tâm hồn để chúng có thể thai nghén một ý tưởng nào đó, rồi phô diễn nó ra thành một tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, không có gì sai khi nói đó là những “giây phút của ơn phước”, dù chỉ theo nghĩa loại suy, vì lúc ấy con người như cảm nghiệm được Đấng Tuyệt Đối, vượt lên trên hết mọi sự.

16. “Cái Đẹp” là cái mang lại sự cứu thoát

Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, tôi hy vọng rằng tất cả quý vị nghệ sĩ sẽ có được một kinh nghiệm hết sức mãnh liệt thế nào là sự cảm hứng sáng tạo. Ước gì cái đẹp mà quý vị chuyển trao cho các thế hệ sau sẽ đủ sức làm cho các thế hệ ấy phải cảm phục! Đứng trước sự linh thiêng của cuộc sống và con người, và đứng trước các kỳ quan của vũ trụ, cảm phục hẳn phải là thái độ duy nhất xứng hợp.

Từ chỗ cảm phục ấy, người ta sẽ trở nên nhiệt tình phấn khởi như Norwid đã nói trong bài thơ tôi đã trích dẫn trên đây. Con người hôm nay và ngày mai cần có sự nhiệt tình phấn khởi này, nếu muốn đương đầu và khuất phục những thách đố cam go trước mặt mình. Nhờ sự nhiệt tình phấn khởi ấy mà nhân loại mỗi lần lạc lối lại trỗi dậy được và lên đường trở lại. Hiểu như thế nên có người mới nói: “cái đẹp sẽ cứu thoát thế giới”.[26]

Cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đep của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustino mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng”.[27]

Hỡi các nghệ sĩ trên thế giới, ước gì mọi nẻo đường khác nhau mà quý vị đang đi đều dẫn tới đại dương mênh mông của cái đẹp, nơi đó ngạc nhiên sẽ đổi thành ngỡ ngàng, hoan hỉ và sướng vui khôn tả.

Ước gì quý vị được mầu nhiệm Chúa Phục Sinh hướng dẫn và tạo cảm hứng, Đấng mà Giáo Hội đang hân hoan chiêm ngưỡng trong những ngày này.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria luôn ở với quý vị: ngài là người “đẹp tuyệt trần” đã được biết bao nghệ sĩ miêu tả, đã được nghệ sĩ Dante chiêm ngưỡng giữa biết bao nhiêu vẻ đẹp của thiên đường: ngài là “vẻ đẹp làm vui mắt mọi vị thánh”.[28]

“Từ hỗn mang đã nảy sinh ra thế giới của tinh thần”. Câu nói ấy của Adam Mickiewicz, viết vào thời kỳ vô cùng khó khăn của quê hương Ba Lan,[29] càng thôi thúc tôi thêm hy vọng vào quý vị: ước gì nghệ thuật sẽ giúp quý vị xác nhận rằng một cái đẹp chân thật, cũng tựa như tia sáng của Thánh Thần Thiên Chúa, sẽ làm biến đổi vật chất, mở linh hồn con người cho cảm nhận được cõi đời đời.

Xin gởi đến quý vị những lời cầu chúc tốt lành tự đáy lòng tôi.

 

Ban hành tại Vatican,

Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 04 tháng 04 năm 1999.

+ JONHANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Bản văn tiếng Pháp của Libreria Editrice Vaticana. Tài liệu được công bố ngày 23 tháng 04 năm 1999. Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành.

[2] Đối thoại của sách Jeu de la boule, Cuốn II, 102, Paris (1985), tr. 154.

[3] Các nhân đức luân lý, và trong đó đặc biệt là đức khôn ngoan, cho phép chủ thể hành động hòa nhịp với tiêu chuẩn của thiện ác luân lý, chiếu theo recta ratio agibilium (tiêu chuẩn đúng đắn của các hành vi). Trái lại, nghệ thuật được định nghĩa trong triết học như recta ratio factibilium (tiêu chuẩn đúng đắn của các thành quả).

[4] Promethidium: Bogumil, cc. 185-186: Pisma wybrane, Varsovie 1968, tập 2, tr. 216.

[5] Thánh Kinh bản Bảy Mươi (LXX) theo bản dịch Hy Lạp đã diễn đạt khía cạnh nầy rất tốt, bằng cách thay từ “tob” (tốt) của bản văn Hippri bằng từ “kalon” (đẹp).

[6] Le Philèbe, 65 A.

[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí), ngày 14/09/1998, số 80: AAS 91 (1999), tr. 67; La documentation catholique 95 (1998), tr. 930;http://catechesis.net/index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/thong-diep/1781-thong-diep-fides-et-ratio-duc-tin-va-ly-tri-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-14-09-1998-2

[8] Nguyên tắc sư phạm này đã được Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả chính thức công bố trong một bức thư năm 599 gửi Giám mục Sereno, Giáo phận Marseille: “Họa phẩm được dùng trong các thánh đường vì những người không biết chữ, ít là khi họ nhìn lên tường, họ đọc được điều mà họ không thể đọc được trên các thủ bản”, Lettres, IX, 209: CCL 140 A, 1714.

[9] Lodi di Dio altissimo, c. 7 và 10: Fonti Francescane, số 261, Padoue 1982, tr. 177.

[10] Legenda major, IX, 1: Fonti Francescane, số 1162, l. c., tr. 911.

[11] Enkomia de l’Orthós du Grand Samedi Saint.

[12] Bài giảng I, 2: PG 34, 451.

[13] “At nobis ars una fides et musica Christus”: Carmen, 20, 31: CCL 201, 144.

[14] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Duodecimum Soeculum, ngày 04/12/1987, số 8-9: AAS 80 (1988), tr. 247-249; La documentation catholique 85 (1988), tr. 285-286.

[15] La prospettiva rovesciata ed altri scritti, Rome 1984, tr. 63.

[16] Le Paradis, 25, 1-2.

[17] Xc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng trong lễ sau khi hoàn tất việc phục chế các tranh tường của Michel-Ange trong Nguyện đường Sixtine, ngày 08/04/1994: Insegnamenti 17/1 (1994), tr. 889-904.

[18] Xc. AAS 56 (1964), tr. 438-444; La documentation catholique 61 (1964), cột 683-690.

[19] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và hy vọng), ngày 07/12/1965, số 62.

[20] Sứ điệp gửi các nghệ sĩ, ngày 08/12/1965: AAS 58 (1966), tr. 13; La documentation catholique 62 (1966), cột 55.

[21] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosantum Concilium (Phụng Vụ Thánh), ngày 04/12/1963, số 122.

[22] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và hy vọng), ngày 07/12/1965, số 62.

[23] La théologie du XIIe siècle, Lời mở đầu của tác giả cho ấn bản mới bằng tiếng Ý, Milan 1992, tr. 9.

[24] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và hy vọng), ngày 07/12/1965, số 22.

[25] Thánh thi Kinh Chiều lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

[26] F. Dostoievski, L’Idiot, phần III, chương V, Milan 1998, tr. 645.

[27] “Sero te amavi! Pulchritudo tam antiqua et tam nova, sero te amavi!”: Tự thú 10,27: CCL 27,251, Œuvres I, Paris 1998, tr. 1006.

[28] Le Paradis, 31, tr. 134-135.

[29] Oda do mlodosci (Thơ ca ngợi giới trẻ), câu 69: Wybór poezji Wroclaw 1986, cuốn I, tr. 63.