22/01/2025

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm công bố đường hướng đổi mới giáo dục

Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với báo chí đầu năm mới 2019 về những vấn đề mà ‘người ngồi ghế nóng’ đối mặt trong hơn hai năm đương nhiệm.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm công bố đường hướng đổi mới giáo dục

Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với báo chí đầu năm mới 2019 về những vấn đề mà ‘người ngồi ghế nóng’ đối mặt trong hơn hai năm đương nhiệm.


 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm công bố đường hướng đổi mới giáo dục - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời báo chí đầu năm 2019 Ảnh: V.H.

Cùng với đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ những thay đổi tích cực có thể công bố vào năm 2019.

Bộ trưởng lo việc đường dài

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại một loạt những sự việc của năm 2018 ngay đầu cuộc trao đổi: gian lận thi cử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, biên chế giáo viên…

Người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ: giáo dục là lĩnh vực ai cũng quan tâm, nên hễ có vấn đề tiêu cực thì nó cũng là nguyên nhân gây bức xúc hơn cả. Nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ nhiều tiêu cực, bất cập liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành hoặc đã phân cấp, có nghĩa trách nhiệm trực tiếp là của địa phương.

“Tôi không giấu giếm việc phải chịu áp lực và cũng buồn khi có những tiêu cực xảy ra gây bức xúc, làm mất niềm tin, buồn vì đâu đó sự nhìn nhận của dư luận còn chưa công bằng. Nhưng là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực, bộ trưởng không thể chỉ sa đà vào giải quyết những sự vụ cụ thể.

Có những việc cần sự chia sẻ trách nhiệm của các bộ khác như vấn đề biên chế giáo viên. Có những việc cần sự hỗ trợ, phát hiện, tích cực giải quyết của các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT cũng đã nỗ lực giải quyết, có các chỉ đạo kịp thời để khắc phục tiêu cực. Nhưng công việc của bộ trưởng không chỉ có vậy mà tôi xác định việc quan trọng là phải lo xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, có nghĩa lo cho con đường dài hơn” – ông Nhạ trao đổi.

Năm 2019 là năm “bản lề”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm công bố đường hướng đổi mới giáo dục - Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, năm 2019, cùng với việc triển khai chương trình mới sẽ đầu tư mạnh mẽ về con người để đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học. Trong ảnh: một lớp học tại điểm trường thôn 9, thuộc Trường tiểu học Nguyễn Du, xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk – Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết hơn hai năm ở vị trí “ghế nóng”, ông cũng phải tự tìm hiểu, nghiên cứu một cách toàn diện hơn ở các bậc học để có sự thấu hiểu cần thiết.

“Nhiều đổi mới của ta không thực hiện được do thiếu nghiên cứu cơ bản và đặt vào trong bối cảnh hội nhập. Cụ thể như việc tổng kết thực tiễn, công tác dự báo còn thiếu. Đặc biệt là thiếu sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong các quyết sách giáo dục” – ông Nhạ nhận xét.

Theo bộ trưởng, năm 2019 là năm “bản lề” để chuyển sang một giai đoạn khác trong một lộ trình chiến lược thông thường là 10 năm. Vì thế năm 2019 sẽ phải tổng kết giai đoạn trước để năm 2020 xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới ở cấp quốc gia, quy tụ trí tuệ của nhiều người. Để làm điều này, đã có gần 40 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, thu hút hàng trăm nhà khoa học.

“Tôi coi đó là việc hợp tác của các nhà khoa học chứ không chỉ kêu gọi họ “giúp bộ”. Những định hướng chiến lược, các điều chỉnh về chính sách sẽ dựa trên nền tảng nghiên cứu đó” – ông Nhạ trao đổi. Và theo bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Năm 2019 sẽ đủ độ chín để công bố đường hướng cải cách”.

Nói về quan điểm “xây dựng chiến lược”, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Giáo dục không thể làm theo cách đập đi xây mới hoàn toàn hay như xây mới một cái nhà xong rồi chuyển từ nhà cũ sang nhà mới, mà phải vừa thực hiện vừa điều chỉnh.

Vì thế sẽ có phức tạp, sẽ có sốt ruột. Nhưng phải nghiên cứu căn cơ và tương quan với các nước để biết mình ở đâu trên “bản đồ giáo dục thế giới”. Có những vấn đề phải nghiên cứu 3-4 năm mới có cơ sở để xác định hướng đi”.

Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết chấn chỉnh các hoạt động, cuộc thi mang tính trình diễn, hình thức, chạy theo thành tích, rà soát, điều chỉnh các quy định chuyên môn, quy định về sổ sách mang tính hành chính trong các nhà trường… Trong năm 2019, mỗi yêu cầu chấn chỉnh đều sẽ có văn bản chỉ đạo hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chứ không chỉ kêu gọi suông.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Thiết kế những “đầu tàu” – hiệu trưởng

 

Năm 2019 sẽ là năm gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ giáo viên, rà soát, điều chỉnh các quy định quản lý chuyên môn để đổi mới việc quản trị trong các nhà trường phổ thông.

Trong đó, ông Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng, chăm sóc để thiết kế những “đầu tàu” tốt. Đó là các hiệu trưởng.

“Hiệu trưởng ở bậc mầm non, phổ thông thường đi lên từ giáo viên giỏi, nên nhiều người có tư tưởng bảo thủ, ngại đổi mới. Vì thế, tôi cho rằng việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới dễ hơn việc làm thế nào để các hiệu trưởng thực sự ngấm tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Nhạ nhận xét.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm công bố đường hướng đổi mới giáo dục - Ảnh 4.

Học sinh lớp 5 Trường tiểu học Điện Biên, quận 10 trong giờ học – Ảnh: H.HG.

Theo đó, người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho rằng việc bồi dưỡng cấp tốc cho các hiệu trưởng là mục tiêu cần ưu tiên trong thời gian tới. Bên cạnh đó sẽ tạo hành lang pháp lý để cho một số nhà trường có nội lực tốt đổi mới quản trị theo hướng chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục và thành công của các cơ sở này sẽ tạo sự lan tỏa.

Cũng liên quan tới vấn đề con người để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đổi mới hình thức tập huấn giáo viên theo hướng ứng dụng CNTT, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên môn qua mạng. Bên cạnh đó là quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm.

Các trường sư phạm sẽ phải đổi mới phương thức tuyển sinh, chương trình đào tạo, chính sách thu hút người giỏi học sư phạm. “Tôi mong muốn các trường sư phạm gắn với hoạt động của trường phổ thông như các trường y gắn với hoạt động của các bệnh viện” – ông Nhạ nói.

Không khuyến khích trường công theo mô hình chất lượng cao

Trong cuộc đối thoại với cán bộ, giáo viên ở Yên Bái cuối tháng 12-2018, khi trả lời ý kiến của một số người về việc nên thúc đẩy phát triển mô hình trường chất lượng cao, ông Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ quan điểm “không khuyến khích trường công theo mô hình chất lượng cao”. Bởi vì, mô hình này sẽ thu phí cao và không đáp ứng nhu cầu học tập của số đông người học, nhất là học sinh khó khăn.

Không phủ nhận những đóng góp của hệ thống trường chuyên cho mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, nhưng ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng một trong những vấn đề tới đây Bộ GD-ĐT phải làm là điều chỉnh định hướng phát triển trường chuyên để thực sự đây là nơi ươm mầm nhân tài.

Quan điểm của ông Nhạ là mô hình chất lượng cao nên đi theo hướng xã hội hóa (trường tư). Những người có điều kiện có thể đóng học phí cao, cho con theo học. Còn ngân sách nhà nước cần tập trung lo cho giáo dục đại trà, nhất là ưu tiên cho trường công ở các vùng khó khăn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm công bố đường hướng đổi mới giáo dục - Ảnh 5.

Học sinh lớp 1/9 Trường tiểu học Lê Văn Thọ quận 12,TP.HCM trong giờ học, đây là lớp có sỉ số học sinh 60 em với diện tích phòng học 81m2 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước bất cập về vấn đề thiếu trường, lớp học, nhất là tình trạng quá tải chỗ học ở các đô thị lớn, ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng đây là việc cần có sự hỗ trợ, chia sẻ của địa phương. Vì trên thực tế có nhiều lý do mà các địa phương duy trì sĩ số học sinh vượt mức quy định của Bộ GD-ĐT.

Sẽ chỉnh trang cho “tầng” nào?

* Nếu xem giáo dục như ngôi nhà nhiều tầng cần phải chỉnh trang thì tầng nào sẽ được ưu tiên, chú trọng hơn?

- Ông Phùng Xuân Nhạ: Tầng nào cũng sẽ phải chỉnh trang và cùng thực hiện.

Trong đó, mầm non sẽ tập trung chuẩn chỉnh lại mạng lưới trường lớp, tăng cường xã hội hóa, nhất là ở những vùng gia tăng tình trạng di dân, tập trung đông dân cư. Đội ngũ giáo viên mầm non phải khắc phục việc thiếu cả về chất và lượng. Vì chỉ khi đội ngũ giáo viên ổn định, được đào tạo bài bản thì mới hạn chế được tình trạng trẻ phải gửi cho bảo mẫu dẫn tới việc bị bạo hành.

Bậc phổ thông tập trung vào việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục mới, trong đó chú trọng tập huấn cán bộ, giáo viên để đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học, khắc phục những bất cập trong kiểm tra đánh giá nói chung và trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng.

Bậc ĐH sẽ tăng cường thực hiện tự chủ, trong đó đổi mới mạnh mẽ ở tổ chức nhân sự, thực hiện lộ trình quy hoạch mạng lưới trường ĐH theo hướng sáp nhập các trường yếu, trường nhỏ để tạo nên những cơ sở đào tạo ĐH lớn, có khả năng cạnh tranh, khẳng định về chất lượng.

 

VĨNH HÀ