17/11/2024

Ăn gì cũng sợ!

Hiện nay, nhiều người hoang mang trong việc lựa chọn thực phẩm để ăn uống do có quá nhiều đồn đại về thực phẩm gây ung thư. Thực hư thế nào về việc nhiều loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư?

 

Ăn gì cũng sợ!

Hiện nay, nhiều người hoang mang trong việc lựa chọn thực phẩm để ăn uống do có quá nhiều đồn đại về thực phẩm gây ung thư. Thực hư thế nào về việc nhiều loại thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư?


 

Ăn gì cũng sợ! - Ảnh 1.

Thực phẩm nếu tiêu thụ quá mức hoặc chế biến sai cách đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ – Ảnh: Q.ĐỊNH

Trên các trang web, mạng xã hội có nhiều thông tin về việc ăn một số loại thực phẩm sẽ gây nguy cơ ung thư cho người sử dụng như thịt đỏ, thịt hộp, mì gói… Người dùng đang có cảm giác ngó đâu cũng thấy ung thư.

Thực phẩm không trực tiếp gây ung thư

Thực phẩm nào cũng có hai mặt, đó là mặt tốt và mặt hạn chế. Ngay cả những thực phẩm quen thuộc nhất, thường được sử dụng hàng ngày (thịt đỏ, dầu thực vật…), nếu tiêu thụ quá mức hoặc chế biến sai cách đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Theo PGS.TS Lâm Vĩnh Niên – trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu về các thành phần thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng làm tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên mô hình động vật và tế bào cho thấy một số hợp chất có tính sinh ung thư hoặc có hoạt tính chống ung thư. 

Tuy nhiên, nghiên cứu trên người hầu như chưa cho bằng chứng xác đáng về một thành phần cụ thể nào của thức ăn có thể gây ung thư hoặc bảo vệ cơ thể khỏi ung thư.

Một số nghiên cứu dịch tễ so sánh chế độ ăn của người không ung thư và bệnh nhân ung thư cho thấy 2 nhóm người này có khác biệt về một số thành phần thức ăn cụ thể. Mặc dù vậy, các kết quả này chỉ cho thấy rằng thành phần thức ăn có liên quan đến thay đổi về nguy cơ ung thư, không có nghĩa là thành phần đó chịu trách nhiệm hoặc gây ra, thay đổi về nguy cơ ung thư.

Coi chừng cách bảo quản, tẩm ướp, chế biến

 

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, cho biết không thể nói chung chung “nhiều loại thực phẩm gây ung thư”. Một số thực phẩm trong tự nhiên có độc tố sẽ gây ngộ độc khi ăn vào chứ không gây ung thư. 

Những năm gần đây, tỉ lệ ung thư tăng cao có thể do việc dùng các loại hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định, tẩm ướp các hóa chất độc hại vào thực phẩm hoặc do cách bảo quản, chế biến không đúng cách.

“Ô nhiễm môi trường cũng là yếu tố quan trọng có thể đã tác động đến sự phát triển bất thường của tế bào dẫn đến ung thư. Hoặc do lối sống như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, dùng thức ăn chiên nướng cháy khét hoặc sử dụng dầu chiên nhiều lần ở nhiệt độ cao là các yếu tố có liên quan đến một số bệnh ung thư” – TS.BS Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ.

Ăn mì gói có gây ung thư?

PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia):

Có thể tin đồn “mì tôm gây ung thư” xuất phát từ thực phẩm này chứa chất phụ gia bảo quản… Tuy nhiên, người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép cho vào trong thực phẩm, bao gồm cả trong mì ăn liền đều được quy định giới hạn về hàm lượng an toàn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ.

Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm được các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm Đại học

Bách khoa, Hà Nội):

Mì ăn liền và ung thư không liên quan tới nhau. Trên thế giới chưa ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng mình thực phẩm này là nguyên nhân gây ung thư.

Hiện nay mọi vấn đề từ tuyển chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất mì ăn liền đều đảm bảo an toàn, loại trừ mọi yếu tố có thể gây ung thư cho người tiêu dùng.

Theo đó, người tiêu dùng có thể yên tâm khi các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng nguyên liệu nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế và rất phổ biến như: bột mì, muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô… để sản xuất mì ăn liền.

Bên cạnh đó, quy trình chiên cũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo luôn sử dụng dầu tươi mới cùng với nhiệt độ ổn định từ 160-165oC.

Nhờ duy trì nhiệt độ vừa phải, ổn định nên không xuất hiện quá trình acrolein (hình thành do sự phân hủy của glycerin ở nhiệt độ trên 180oC), một trong những nguyên nhân gây ung thư trong quá trình chiên thực phẩm.

 

HỒNG PHƯƠNG