17/11/2024

Bệnh về tim mạch có tỉ lệ tử vong hàng đầu ở Việt Nam

Ngày 29.12, PGS-TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia – cho biết bệnh lý tim mạch có tỉ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với nhiều yếu tố nguy cơ cao.

 

Bệnh về tim mạch có tỉ lệ tử vong hàng đầu ở Việt Nam

Ngày 29.12, PGS-TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia – cho biết bệnh lý tim mạch có tỉ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với nhiều yếu tố nguy cơ cao.


 
 
PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia: "Bệnh lý tim mạch là kẻ giết người thầm lặng" /// ẢNH: AN DY

PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia: “Bệnh lý tim mạch là kẻ giết người thầm lặng”  ẢNH: AN DY

 

Đó là những chia sẻ trong khuôn khổ buổi giao lưu tọa đàm về sức khỏe tim mạch chủ đề “Kiểm soát huyết áp và các bệnh lý tim mạch để sống vui, sống khỏe”, do Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) phối hợp với Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) tổ chức.

Theo PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng, bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy có đến 17,5 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên qua đến tim mạch và con số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về con số, tuy nhiên thống kê nguyên nhân tử vong hàng đầu tại các bệnh viện là do bệnh lý tim mạch.

Theo điều tra của Bộ y tế, có 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp. Đây chính là lý do khiến các bệnh lý tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tại buổi tọa đàm, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó chủ tịch Hội Tim mạch VN, chia sẻ về cách kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, bởi theo ông, tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch hiện nay là lớn nhất. Cứ 3 người chết do bất kỳ nguyên nhân gì thì có 1 người chết do bệnh lý tim mạch.

Chưa kể, đáng báo động còn là tình trạng trẻ hóa độ tuổi đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp được ghi nhận tại các bệnh viện.

“Có những người mới ngoài 20 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim cấp do các thói quen sinh hoạt xem thường sức khỏe, hút thuốc lá và béo phì. Những bệnh nhân thế này phải được cấp cứu kịp thời tại các bệnh viện, được nong và đặt stent mạch vành cứu sống bệnh nhân. Ngày trước, những người như thế thì không thể qua khỏi, nếu qua khỏi cũng để lại di chứng như suy tim, tàn phế…”, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng cho biết.

Đa số người mắc bệnh tim mạch đều do các yếu tố nguy cơ gây ra như người có huyết áp cao, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… và nguyên nhân chung vẫn là do ăn uống, sinh hoạt tùy tiện, ăn nhiều chất mỡ, mặn, ngọt. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá, lười vận động, tình trạng béo phì thừa cân cũng là nguy cơ cao dẫn đến bệnh lý tim mạch.

“Bệnh lý tim mạch không chừa một ai, và có xu hướng gia tăng theo lối sống, lối sinh hoạt trong xã hội. Đó thực sự là “kẻ giết người thầm lặng”. Tuy nhiên, bệnh lý này lại có thể chủ động phòng ngừa được với kiến thức sức khỏe và dinh dưỡng, vận động. Bên cạnh dó, sự phát triển của y học hiện đại cũng đã tăng khả xử lý được đa số vấn đề của tim mạch nếu được phát hiện kịp thời”, PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng khẳng định.

Theo PGS-TS Hùng, mỗi người nên có lối sống lành mạnh cho tim mạch và sức khỏe bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường rau củ quả, cá, giảm chất mỡ động vật. Đặc biệt phải tránh xa những thức ăn chế biến sẵn như dầu rán nhiều lần, không ăn quá mặn, quá ngọt, quá nhiều tinh bột.

Đặc biệt, tuyệt đối không được hút thuốc lá chủ động và cả bị động, không lạm dụng rượu bia, gia tăng các biến cố về bệnh lý tim mạch. Đồng thời phải tăng cường vận động thể lực, tốt nhất là 30 phút mỗi ngày.

 

AN DY