25/01/2025

Chương trình giáo dục mới: Giảm môn học và tiết học

Chương trình giáo dục mới giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học theo hướng dạy học tích hợp. Riêng môn tiếng Việt ở tiểu học có 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần).

 

Chương trình giáo dục mới: Giảm môn học và tiết học

Chương trình giáo dục mới giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học theo hướng dạy học tích hợp. Riêng môn tiếng Việt ở tiểu học có 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần).


Đồ hoạ: V.CƯỜNG

Chiều 27-12, Bộ GD-ĐT công bố chương trình bộ môn – giáo dục phổ thông mới. GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – chia sẻ những điểm khác biệt của chương trình này so với chương trình hiện hành.

1 Lần đầu tiên việc xây dựng chương trình tổng thể được thực hiện, căn cứ để xây dựng chương trình môn học đảm bảo tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học.

2 Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

3 Chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục.

4 Thiết kế một số môn học (tin học và công nghệ, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp) theo các chủ đề. Tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. 

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Chương trình giáo dục mới: Giảm môn học và tiết học - Ảnh 2.

Học sinh THCS tại TP.HCM trong giờ học. Theo chương trình phổ thông mới, bậc học này sẽ ít môn học hơn chương trình hiện hành – Ảnh: NHƯ HÙNG

5 Bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

 

6 Chương trình mới là chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải.

7 Chương trình mới cũng yêu cầu thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. 

Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình. 

Sau cùng, trong các giải pháp “giảm tải” sẽ phải là việc đổi mới đánh giá thể hiện qua đánh giá quá trình và trong các kỳ thi.

Thời lượng môn tiếng Việt chiếm tỉ lệ cao

 

chương trình giao dục

Học sinh tiểu học tại TP.HCM học môn tiếng Việt – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo thiết kế chương trình mới, môn tiếng Việt ở tiểu học có 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần). GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích việc dành thời lượng thích đáng (nhất là ở lớp 1, lớp 2) để bảo đảm học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn học khác.

Đối với học sinh người dân tộc thiểu số thì việc có đủ thời gian học tiếng Việt trong những năm đầu đến trường càng quan trọng. “So sánh với chương trình nước ngoài, có thể thấy trong chương trình giáo dục phổ thông mới của bất cứ nước nào, thời lượng học tiếng mẹ đẻ/tiếng phổ thông, đặc biệt là ở cấp tiểu học, cũng chiếm tỉ lệ cao nhất” – ông Thuyết cho biết.

 

VĨNH HÀ