18/11/2024

Chọn sách gì cho con?

Tôi đọc truyện The carrot seed (Hạt cà rốt) dành cho trẻ mẫu giáo viết bởi Ruth Krauss. Chuyện rằng một cậu bé trồng cây cà rốt bằng gieo hạt và hằng ngày tưới nước cho hạt đã gieo.

 

Chọn sách gì cho con?

Tôi đọc truyện The carrot seed (Hạt cà rốt) dành cho trẻ mẫu giáo viết bởi Ruth Krauss. Chuyện rằng một cậu bé trồng cây cà rốt bằng gieo hạt và hằng ngày tưới nước cho hạt đã gieo.
 
 
 

Chọn sách gì cho con? - Ảnh 1.

Trẻ em đọc sách ở nhà sách tại TPHCM – Ảnh: HOÀNG ĐÔNG.

Mẹ cậu bé nói “nó không mọc đâu”. Cha cậu bé cũng nói “nó không mọc đâu”. Đến anh cậu bé cũng nói “nó không mọc đâu”.

Giáo dục tính độc lập

Thế nhưng cậu bé vẫn tiếp tục tưới nước cho hạt cà rốt đã gieo. Một thời gian sau, hạt vẫn chưa mọc. Cả cha mẹ và anh trai lại nói “nó không mọc đâu”. Cậu bé vẫn tiếp tục tưới nước cho hạt đã gieo. Cuối cùng, cây cà rốt mọc lên và cho củ rất to. Truyện kết thúc rằng: “Chỉ có cậu bé biết điều sẽ xảy ra”.

Qua câu chuyện, chúng ta dễ dàng hiểu rằng tác giả muốn giáo dục con trẻ tính độc lập và kiên trì theo đuổi ý tưởng của mình. Nhiều bài học tốt được gieo vào tâm trí trẻ khi mà “tấm bảng tâm hồn và trí não còn trống” thì những bài học sẽ nằm sâu trong tâm trẻ và hình thành giá trị sống lâu dài cho trẻ.

Tương tự, Ba chú lợn con là một truyện dành cho trẻ nhiều bài học. Bài học về sự kiên trì và cần cù lao động sẽ cho ngôi nhà vững chắc để bảo vệ chính mình. Đặc biệt, có phiên bản còn kể rằng chú lợn nhỏ nhất đã giúp hai lợn anh làm lại nhà kiên cố sau thất bại của hai anh.

Hồi lớp 2, tôi đọc truyện Lực sĩ Ba Đang, câu chuyện thứ hai trong sách đó kể rằng một cậu bé thông minh đã hiến kế cho nhà vua cách diệt cá kiếm đang giết người dân trên đảo. Quân lính và người dân đã chặt cây chuối vứt xuống bờ biển để cá kiếm đâm vào cây và họ đã diệt cá kiếm. Đọc xong chuyện đó, tôi chợt nghĩ mình phải làm điều gì đó cho ngôi làng mình.

Nuôi dưỡng những tính cách tốt đẹp

Người lớn chúng ta cần hiểu rằng các giá trị sống như trung thực, cần cù, kiên trì, tự trọng, thương yêu đồng loại cũng như muôn loài, dũng cảm hay có khát vọng cao cả vì xóm làng, quốc gia hay nhân loại không tự nhiên sinh ra trong mỗi công dân mà cần một quá trình giáo dục có chủ đích khi còn thai nhi. Lý tưởng nhất là khi sinh ra và trong quá trình nuôi dưỡng nhiều năm, đặc biệt là từ 0-15 tuổi.

Hồi bé do thấy người lớn sàng gạo, nên khi thấy Bụt cho chim sẻ nhặt thóc cho Tấm như trong sách, tôi tự hỏi: “Sao Bụt không bày cho Tấm sàng gạo?”. Lớn lên, tôi thấy chi tiết Tấm khóc và Bụt cho chim sẻ nhặt thóc đã đánh mất cơ hội tự lực của Tấm và không ích gì cho trẻ.

 

Chúng ta cần hiểu rằng mỗi cá thể khi sinh ra và lớn lên được hoặc bị tương tác với môi trường xung quanh. Nhóm tương tác mạnh nhất là cha mẹ, ông bà và họ hàng. Thứ hai là cộng đồng từ làng xã đến trường học. Cuối cùng là xã hội rộng lớn hơn. Nếu các môi trường mà trẻ lớn lên chứa đựng các giá trị sống tốt đẹp thì những đứa trẻ được hưởng lợi rất nhiều.

Việc chọn sách để đưa thông tin đầu vào cho trẻ rất quan trọng bởi đầu vào thế nào thì thường cho đầu ra như thế ấy. Bởi vậy, cha mẹ và thầy cô cần soi rọi chính mình để lựa chọn những đầu sách nuôi dưỡng tính trung thực, kiên trì, độc lập, dũng cảm, bác ái, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo… thì không những trẻ được lợi mà cả gia đình và xã hội được hưởng lợi tương ứng trong hiện tại và tương lai.

Khi tất cả trẻ em nhận được các bài học tốt từ sách và từ môi trường xung quanh, các giá trị phổ quát và các tiêu chuẩn xã hội được hình thành tự nhiên mà các thành viên trong xã hội đó tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng người khác và tiếp tục tạo dựng các giá trị chung.

“Chọn sách cho con, ba mẹ cần cân nhắc lứa tuổi. Nếu trẻ mầm non từ 3-6 tuổi nên tìm những cuốn như Bé vui học luyện cho các bé bốn kỹ năng: vui học toán, vui học tạo hình, vui học chữ cái, vui khám phá thế giới xung quanh. Khi trẻ lớn hơn như trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 nên chú trọng những bộ sách Thực hành tâm lý học đường để biết các hoạt động trải nghiệm phong phú, làm kiến thức cho các em”.

Bà Mai Ngọc Liên – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam

Để nâng cao văn hoá đọc trong học đường, báo Tuổi Trẻ mở mục “Khuyến đọc” vào thứ tư hằng tuần trên trang Giáo dục. Mời các bạn học sinh, phụ huynh, giáo viên, bạn đọc tham gia viết bài cho mục này. Bài cộng tác xin gởi về [email protected].
 
 

NGUYỄN QUANG THẠCH – THẢO TÂM