Bị ung thư không nên ăn thịt?
Nhiều bệnh nhân bị ung thư, đặc biệt ung thư vú, tự kiêng không ăn các loại thịt động vật 4 chân như heo, bò, dê, cừu… Vậy thực tế có đúng không? Cần phải ăn uống như thế nào cho thích hợp?
Bị ung thư không nên ăn thịt?
Nhiều bệnh nhân bị ung thư, đặc biệt ung thư vú, tự kiêng không ăn các loại thịt động vật 4 chân như heo, bò, dê, cừu… Vậy thực tế có đúng không? Cần phải ăn uống như thế nào cho thích hợp?
GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch Hội Ưng thư Việt Nam, cho biết việc người bệnh ung thư nghe theo đồn thổi, ăn uống thiếu dưỡng chất rất nguy hiểm và phản khoa học, đi ngược lại với kiến thức y học tiên tiến hiện nay.
Thiếu dưỡng chất dễ tử vong
Theo GS Nguyễn Bá Đức, trong các y văn điều trị ung thư từ trước đến nay chưa có thông tin nào khẳng định quan điểm này mặc dù có nghiên cứu về thịt đỏ, đặc biệt thịt chế biến sẵn là nguyên nhân gây ung thư.
Bằng các chứng minh về dịch tễ học và thực nghiệm, người ta đã chứng minh được chế độ ăn có liên quan tới 30 – 40% ung thư ở nam và tới 60% ung thư ở nữ.
Tuy nhiên, bản thân thực phẩm không gây ung thư nhưng các chất bảo quản thực phẩm, các chất trung gian chuyển hoá và các chất sinh ra từ nấm mốc là nguyên nhân dẫn tới ung thư.
Đặc biệt, ngày nay người ta còn thấy sự mất cân bằng các thành phần trong chế độ ăn, nhiều chất béo quá làm tăng ung thư.
Do vậy, nếu kiêng cữ, làm mất cân bằng sẽ là nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân ung thư sức khỏe yếu, sức đề kháng kém, nếu không được ăn uống đầy đủ sẽ càng yếu hơn, sức đề kháng giảm sút làm cơ sở để khối u phát triển.
Thực tế, có tới 90% bệnh nhân ung thư chết do suy kiệt. Vì vậy, người dân chớ nên tin theo.
Hạn chế thịt nướng than, xông khói
Người bệnh ung thư nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả bởi nguy cơ mắc ung thư vú giảm đi ở nhóm người ăn nhiều rau, hoa quả tươi và ít chất béo.
Tránh ăn quá nhiều chất béo, các chất cay nóng, mặn. Không uống rượu, không hút thuốc, thức uống có cồn…
Không nên ăn thịt được nướng bằng than, xông khói hoặc chiên rán, nhất là chiên rán bằng dầu mỡ đã qua sử dụng.
Thay mỡ động vật bằng dầu thực vật, nên sử dụng càng ít càng tốt…
Chỉ nên ăn thịt khoảng 70 gam/ngày
GS.TS Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh việc bệnh nhân ung thư vú kiêng thịt đỏ là hoàn toàn không đúng. Bởi các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê; tôm, cua, hải sản… là nguồn bổ sung dinh dưỡng quý báu: sắt, kẽm, selenium, các vi chất hữu cơ, nhiều vitamin B6, B12, D và omega 3.
Đặc biệt, nó cung cấp cho cơ thể một lượng acid amin đủ để cấu tạo nên những protein trong cơ thể, nhất là các acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tạo ra được.
Hơn nữa, ngay trong bản thân thịt lại chứa nhiều chất góp phần phòng chống ung thư bao gồm kẽm, vitamin B6, B12, D, calcium, folate và selenium.
Vì vậy, phòng chữa ung thư là chế độ ăn đa dạng, không phải là chế độ ăn không có thịt hoặc kiêng thịt đỏ. Cái chính là lượng thịt ăn vào.
Tốt nhất, nên ăn thịt đỏ dưới 500 gam/tuần và hạn chế ăn thịt chế biến sẵn. Nên ăn thịt gia cầm, cá các loại hơn là thịt đỏ. Tuyệt đối không nên bỏ thịt.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Bình thường 2/3 số bệnh nhân ung thư trước khi điều trị đã bị sụt cân và suy dinh dưỡng. Khi điều trị, phương pháp điều trị cũng gây giảm tiếp thu dinh dưỡng, trong khi nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư lại cao hơn so với người bình thường.
Chẳng hạn, người bình thường một ngày cần 25-30 kcal/kg cân nặng thì bệnh nhân ung thư cần từ 35-50 kcal/kg cân nặng, tương tự protein ở người bình thường là 0,8g/kg thì bệnh nhân ung thư là 1,5 – 2g/kg.
Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không thể nhịn ăn hoặc kiêng khem mà ngược lại, muốn khỏi bệnh phải duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt.
Ngoài việc đảm bảo đủ số lượng calo trong 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu: đạm, đường, chất béo, tinh bột, cần đảm bảo chất xơ. Tốt nhất là ăn uống theo sở thích và nhu cầu, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
Người bệnh ung thư có thể ăn uống ra sao?
Theo lý thuyết Otto Warburg (nhà sinh lý học Đức, đoạt giải Nobel 1931): “Chế độ ăn đầy đủ, dù ăn chay hay ăn mặn, cần đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, dầu mỡ, đạm, khoáng và chất sinh tố – chất xơ.
Hai chế độ chay, mặn khác nhau chủ yếu là thành phần đạm. Chế độ đạm khi ăn mặn có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa) sau khi ăn vào được tiêu hóa sẽ sản sinh nhiều axit hơn kiềm.
Bên ăn chay lấy đạm từ các loại đậu sẽ sản sinh axit ít hơn đạm động vật, đồng thời chế độ ăn chay tiêu thụ nhiều rau củ quả là nguồn sinh nhiều kiềm.
Tóm lại, ăn chay hay ăn mặn đều phải ăn đủ dưỡng chất nhưng ăn chay đủ bốn nhóm dưỡng chất làm cho máu nhanh chóng kiềm hơn là mặn.
Về dinh dưỡng có thể đổi thịt, sữa, trứng, đường trắng bằng cách ăn ít cá, tép đồng tươi (< 50 gam/ngày), các loại đậu, ưu tiên đậu trái (đậu que, đậu bắp, đậu rồng, đậu đũa…), nhiều rau củ quả (> 500 gam/ngày), lưu ý chọn hàng hữu cơ an toàn, tươi sống, rau nào ăn sống được thì tốt hơn.
Nên ăn gạo lứt. Cần nhai kỹ. Nên uống nước kiềm như nước luộc rau, nước rau hoa quả, nước củ sả, nước khoáng kiềm (không dùng nước tinh khiết), tuyệt đối không uống các loại nước ngọt đóng chai – lon (vì sinh axit mạnh)…
ThS.BS QUAN VÂN HÙNG
(nguyên trưởng khoa ung thư Viện Y học dân tộc TP.HCM)