19/11/2024

Ngăn chặn nguy cơ gây ung thư và các bệnh mạn tính

Bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành tại Việt Nam.

 

Ngăn chặn nguy cơ gây ung thư và các bệnh mạn tính

Bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành tại Việt Nam.
 
 
 

Vận động tích cực là một trong các yếu tố ngăn chặn nguy cơ mắc các BKLN /// Ảnh: Ngọc Thắng

Vận động tích cực là một trong các yếu tố ngăn chặn nguy cơ mắc các BKLN  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Trong đó đang nổi lên các nhóm bệnh: tăng huyết áp, bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường (ĐTĐ), các bệnh ung thư và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
 
Theo Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) trên có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung có thể phòng ngừa được đồng thời các bệnh. BKLN còn được gọi là “bệnh mạn tính” bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, tiến triển kéo dài, đòi hỏi điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời.
 
Các chuyên gia cũng lưu ý, các BKLN có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển như: hành vi lối sống (hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực). Các yếu tố nguy cơ về hành vi sẽ dẫn tới các biến đổi về sinh lý/chuyển hóa (hay còn gọi là yếu tố nguy cơ trung gian/tình trạng tiền bệnh) bao gồm: tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn lipid máu.

Tác hại do thuốc lá và rượu bia

Hút thuốc ước tính là nguyên nhân của 71% số trường hợp ung thư phổi; 42% số trường hợp bệnh phổi mạn tính và 10% các bệnh tim mạch. Hút thuốc còn là yếu tố nguy cơ của một số bệnh nhiễm trùng như lao phổi và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nhai sợi thuốc có thể gây ra ung thư khoang miệng, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác.
 
Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác là chất gây nghiện, vì vậy Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo để đảm bảo cho sức khoẻ tốt nhất là không uống rượu, bia. Nếu uống thì nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày (20g rượu nguyên chất) và nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị rượu (10g) mỗi ngày. Tuy nhiên, mức độ sử dụng này vẫn được coi là có nguy cơ ở mức thấp với sức khoẻ.
 
Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân chính hoặc là một trong những nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật và chấn thương theo phân loại bệnh tật quốc tế, trong đó 30 bệnh ngay trong tên gọi đã có từ rượu như “loạn thần do rượu” hay “rối loạn do rượu”. Điều này có nghĩa là 30 bệnh này hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu người sử dụng không uống rượu, bia ở mức có hại.
 
Sử dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân của 50% trường hợp tử vong do xơ gan, của 22% đến 25% trường hợp tử vong do ung thư răng miệng, hầu họng, thanh quản hay thực quản, 30% các trường hợp tử vong vì viêm tuỵ.
 
Vận động tích cực là một trong các yếu tố ngăn chặn nguy cơ mắc các BKLN
Vận động tích cực là một trong các yếu tố ngăn chặn nguy cơ mắc các BKLN

Dinh dưỡng và vận động

Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ. Nên ăn ít nhất 400 gam rau và trái cây (tương đương với 5 đơn vị chuẩn) mỗi ngày giúp phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
 
Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no (có nhiều trong mỡ động vật) và chất béo chuyển hoá (có thể có trong thực phẩm chế biến sẵn) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh ĐTĐ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Không nên ăn quá 5 gam muối/ngày để phòng chống các bệnh tim mạch.
 
Ít hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong (theo WHO). Một người ít vận động sẽ tăng từ 20-30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân so với một người vận động cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày của tuần. 
 
Mặc dù rất nguy hiểm nhưng BKLN có thể phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ (nguyên nhân) có thể phòng tránh được như: hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và lạm dụng rượu bia. Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ đó sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, ĐTĐ týp II và trên 40% các bệnh ung thư.

 

LIÊN CHÂU