Người tử tế ‘ôm’ ức chế
Có những hành vi lái xe “dị đời”, bất chấp pháp luật và phép lịch sự, gây nguy hiểm cho mình và người khác.
Người tử tế ‘ôm’ ức chế
Có những hành vi lái xe “dị đời”, bất chấp pháp luật và phép lịch sự, gây nguy hiểm cho mình và người khác.
Giao thông rối loạn tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Cao Thắng – Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH
Bài viết của bạn đọc Thu Nga chỉ ra những kiểu đi đứng của người lái xe máy và người đi bộ, những người nguy cơ gặp tai nạn cao nhất trên đường phố.
Những điều thuộc về quy tắc ứng xử, đi đường thông minh, lịch sự để tránh gây nguy hiểm tới người khác đã không được chú trọng. Không ai nhường ai và tất cả cùng khổ.
Thích lấn thì lấn, muốn dừng thì dừng
Nguyên nhân ùn tắc, kẹt xe thường thấy nhất do lấn trái. Tới ngã ba, ngã tư đường, muốn rẽ trái cứ hồn nhiên lấn sang trái từ khi còn cách giao lộ 7-10m. Người trước lấn, người đi sau cũng tranh thủ “ăn theo” tạo thành một luồng xe máy phạm luật, xe chiều ngược lại không còn đường để đi. Vậy là kẹt xe.
Trong khi đến giao lộ, dừng xe sát về bên trái vài giây khi luồng xe đi tới có chỗ giãn và rẽ trái theo đợt là có thể giảm thiểu diện tích hai luồng xe giao nhau, từ đó mọi người có thể đi nhanh hơn. Do tâm lý thiếu kiên nhẫn, mọi người chọn cách cắt đầu xe khác để qua nhanh.
Thậm chí không có ngã ba, ngã tư cũng lấn trái vì muốn đi nhanh hơn người khác. Cứ nhìn vào đám đông kẹt xe, thế nào cũng thấy dòng xe lấn trái cả hai chiều xen vào nhau như “cài răng lược”. Và không lối thoát. Hành vi ích kỷ của một người, nhiều người làm theo gây ảnh hưởng cho tất cả.
Không ít lần suýt tông vào nhau, “nổi điên” giữa đường khi người phía trước đột ngột chạy chậm lại hoặc dừng xe giữa đường. Có khi đột ngột băng lên vỉa hè hoặc rẽ trái, quay đầu không cần bật đèn xinhan, cũng chẳng cần biết người đi phía sau đã phải thắng gấp để tránh va chạm.
Nhiều người “dễ thương” hơn nữa: khi đến giao lộ tự dưng nhận ra mình nhầm đường lạc lối hoặc chợt nhớ điều gì đó, thay vì dừng xe sát lề phải thì đây cứ dừng xe giữa đường suy nghĩ, định phương hướng… y như đang ở trong sân nhà mình, gây nguy hiểm cho chính mình và hàng loạt xe phía sau.
Bi hài với đèn tín hiệu
Chuyện về tín hiệu đèn đường, tín hiệu đèn xe là chuyện bi hài. Cần rẽ, thay vì bật đèn tín hiệu từ trước để xe khác tránh, nhiều người đến khi rẽ mới bật đèn. Có người bật đèn tín hiệu rẽ trái lại rẽ phải, hoặc giơ tay xin đường bên trái nhưng rồi lại quẹo phải! Dừng đèn đỏ đúng vạch, đèn báo còn 5 giây nhưng nhiều người phía trước đã vội vã rồ ga băng qua đường.
Có khi đèn vẫn đỏ rực, người phía sau đã bấm còi inh ỏi giục người phía trước đang dừng nghiêm chỉnh chờ đèn xanh. Những người có văn hóa, lái xe nghiêm túc hết sức khó chịu với những tiếng còi khiếm nhã này, phải thật can đảm và điềm tĩnh mới có thể “bất chấp” chờ đèn xanh. Có khi người phía sau còn lớn tiếng quát “tại sao không đi, sợ công an à?”.
Thế là những người đi đường tử tế “ôm” về mình cảm giác ức chế về những người bất chấp pháp luật, mãi còn xa văn minh, lịch sự.
Đèn đỏ phía trước, nhắm thấy gần trụ đèn nắng quá bèn thắng gấp giữa đường, dừng xe chỗ có bóng cây dù còn cách vạch đèn tới 3-5m. Nhiều người khác cùng dừng. Các xe đi sau phải thắng gấp, hoặc bị chặn không thể đi tới phía trước. Thử hỏi nếu xe buýt hay xe tải đang lưu thông mà gặp các xe dừng ẩu như vậy thì hậu quả sẽ thế nào?
Nhiều giao lộ ở đô thị cho phép xe máy được rẽ phải khi đèn đỏ. Ở một số nơi còn có làn bên phải và đèn cho phép ôtô rẽ. Nhiều nơi lại cấm xe máy rẽ phải khi đèn đỏ. Thông thường các giao lộ đều có biển báo được rẽ hay không, nhưng nhiều người đi xe máy không quan tâm. Nơi cấm rẽ cứ rẽ, nơi được rẽ thì các xe đi thẳng vô tư dừng sát lề, xe cần rẽ không còn lối đi. Có khi cãi nhau về chuyện này.
Người đi xe máy cũng không để ý đèn tín hiệu xe ôtô. Nhiều khi ôtô, xe máy bật đèn xin rẽ, thay vì nhường đường để tránh va chạm và không ùn tắc, người lái xe cứ “đường ta ta cứ đi”, không cần giảm tốc. Có khi còn vượt nhanh về phía xe trước cần rẽ, va chạm nhau là chuyện trong gang tấc.
Chạy xe ngoài đường với một số người giống như cuộc so kè thiệt hơn, họ chả nhường ai bao giờ. Lấn đường, ép xe khác, leo lề mọi lúc mọi nơi. Nếu mỗi người đi đường bớt nghĩ đến bản thân mình, giảm làm những chuyện cản trở người khác, ra đường mỗi ngày sẽ đỡ căng thẳng ít nhiều.
Đi bộ qua đường: đừng chủ quan
Đường đô thị, xe lưu thông tốc độ khoảng 30 km/h, cảm giác không nhanh nhưng thực tế tốc độ đó tương đương 8,3 m/giây. Người đi bộ qua đường, nhìn thấy làn đường trống thường chủ quan, không nhận ra bên làn đường này đã xuất hiện xe khác đang lao tới.
Nhiều lái xe phải bấm còi “cảnh báo” khi người đi bộ không tập trung quan sát, hoặc thoải mái nói chuyện khi băng qua đường. Từng có vụ xe tải lao vào nhà dân, tài xế khai nguyên do tránh người đi bộ, phải chăng cũng do những hành vi qua đường thiếu ý thức như thế này? Cũng không ít trường hợp ôtô, xe máy bị té xe hoặc gây tai nạn khi tránh người đi bộ băng ẩu qua đường.