Trông người mà ngẫm đến ta…
Hiện nay, khái niệm bảo tàng thông minh không còn xa lạ, khi được áp dụng rộng rãi: bảo tàng trực tuyến (online museum), bảo tàng mạng (web museum), bảo tàng kỹ thuật số (digital museum), hoặc bảo tàng truyền thống có ứng dụng công nghệ như công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động…
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, mang tới câu chuyện thú vị: “Khi thăm bảo tàng ở Hàn Quốc, tôi được phía bạn phát cho một thiết bị di động. Khi đưa thiết bị này lên hiện vật thì sẽ nghe thuyết minh trong vòng 45 giây, sau đó nếu muốn xem thêm nữa chỉ cần click vào màn hình sẽ hiện lên những trang nội dung nói về hiện vật tôi quan tâm, cùng phần video sinh động khi cần tìm hiểu sâu hơn… Chưa kể, công nghệ số còn cho phép tạo mối liên kết chặt chẽ và đa dạng hơn giữa hiện vật với bối cảnh, giúp người xem hình dung, trải nghiệm và tái tạo những giai đoạn lịch sử văn hoá theo điều kiện không gian và thời gian”.
Ông cho biết thêm: “Tại khu trưng bày Khủng long bay ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York (Mỹ), các nhà khoa học còn dùng máy tính phục dựng từng phần cơ bắp của quái vật tiền sử, rồi đến da và những chi tiết bên ngoài dựa trên khung xương hiện tồn, và trên những bằng chứng tư liệu khảo cổ, đồng thời trình chiếu phim 3D về đời sống phục dựng của loài khủng long này. Có nhiều màn hình chạm để du khách tìm hiểu từng ngóc ngách đời sống sinh vật; đặc biệt góc tương tác được thiết kế với công nghệ thực tế ảo và tương tác hữu hình còn cho phép du khách hoáthân thành khủng long bay hiển thị trên những màn hình cực đại vô cùng lý thú”.
|
|
Các bảo tàng ở các nước phát triển không chỉ chú ý đến học sinh trong trường học mà còn hướng trọng tâm đến cả đối tượng tương tác là gia đình, nhóm gia đình, trẻ em đi với ông bà, cha mẹ. Cha mẹ chơi với con, hướng dẫn các con thực hành trải nghiệm tương tác trong bảo tàng, di tích. Trong khi ở nước ta còn ít bảo tàng thành công với đối tượng này”
(PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)
|
|
|
Th.S Phạm Thị Mai Thủy (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) kể: “Ở Bảo tàng Brisbane, bang Queensland (Úc) mà chúng tôi có dịp đến, có một không gian trưng bày Dòng sông – Lịch sử của thành phố Brisbane, kết nối những câu chuyện của thành phố bên sông trong hành trình hấp dẫn từ khi những cư dân đầu tiên định cư, lập nghiệp cho đến thành phố hiện đại ngày nay. Trong một không gian trưng bày không lớn, hiện vật thể khối không nhiều, hầu hết là những bức ảnh đen trắng nhưng thực sự đã đem lại những trải nghiệm, tương tác đáng nhớ cho khách tham quan…”.
Xu thế tất yếu
Tại Hà Nội, một số bảo tàng đi tiên phong phong lĩnh vực này là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ VN, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Dân tộc học. Gần đây là khu trưng bày khảo cổ dưới lòng Nhà Quốc hội được xem là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên ở VN áp dụng công nghệ 3D trong việc trưng bày và triển lãm các hiện vật. Ở TP.HCM cũng có 3 điểm tham quan được thí điểm công nghệ mới là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Khu di tích địa đạo Củ Chi.
TS Hoàng Anh Tuấn đặt ra vấn đề phải chăng sự cáo chung của bảo tàng truyền thống đang sắp diễn ra? Ông Tuấn nhìn nhận: “Các hoạt động truyền thông cũ như sách, tờ rơi, chú thích, bảng trích, video, audioguides… giờ đây đã không còn tạo cho du khách sự hấp dẫn như ban đầu. Sự giảm sút đáng kể số lượng khách tham quan tại các bảo tàng hiện nay cho thấy sự lạc hậu của mô hình bảo tàng truyền thống với mô thức mang tính cách “định hướng tri thức” trong xã hội hiện tại”.
Hình ảnh tương tác – trải nghiệm với hiện vật di tích được giới thiệu tại hội thảo
|
Sự lên ngôi của bảo tàng thông minh trong kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ dần thay thế một phần những mô thức bảo tàng truyền thống xuất phát từ xu thế, thị hiếu và lợi ích của công chúng. Từ thành công của trưng bày Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966 mới đây, Th.S Nguyễn Thị Việt Anh (Hội trường Thống Nhất) khẳng định: “Trưng bày sử dụng hình thức tương tác trực tiếp qua màn hình cảm ứng và các hộc khám phá là sự kết hợp độc đáo giữa trưng bày truyền thống với việc sử dụng công nghệ, đã tạo ra môi trường trải nghiệm cho tất cả mọi người. Người xem chạm tay vào bức ảnh, một màn hình cảm ứng sẽ hiện ra, từng lớp thông tin sẽ xuất hiện. Tự lựa chọn những nội dung mình mong muốn, có cả nội dung mang tính chất giải trí qua các trò chơi phù hợp với chủ đề… tạo môi trường trải nghiệm mang lại cảm xúc rất thật cho người xem”.
Từ đó, bà Vũ Thị Luyến (Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM) kiến nghị: “Các bảo tàng cần vận dụng mọi ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhất để chuyển tải hiệu quả nhất nội dung và thông điệp đến với công chúng. Những ứng dụng thông minh sẽ biến hiện vật khô khan trở thành những tư liệu lịch sử vô cùng sống động. Bên cạnh việc tra cứu thông tin, bảo tàng tương tác thông minh còn cho phép người tham quan tương tác với các hiện vật, tư liệu thông qua mô hình bảo tàng ảo 3 chiều”.
LÊ CÔNG SƠN