23/01/2025

Trò thành đạt, thầy thành công

Bối cảnh mới của kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ trong nước và thế giới đặt ra yêu cầu cần phải định nghĩa lại, vẽ lại chân dung người thầy.

 

Trò thành đạt, thầy thành công

Bối cảnh mới của kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ trong nước và thế giới đặt ra yêu cầu cần phải định nghĩa lại, vẽ lại chân dung người thầy.
 
 
 

Trò thành đạt, thầy thành công - Ảnh 1.

Cô Đặng Hà Phương, Trường tiểu học Kỳ Đồng, quận 3, TP.HCM hướng dẫn học sinh lớp 1 về luật giao thông khi đi đường – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ mở diễn đàn về vấn đề này với sự tham gia của các nhà hoạt động giáo dục, các thầy cô giáo và các chuyên gia.

Thầy cùng trò đi tìm chân lý

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, TS Dương Ngọc Dũng, giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhận định: người thầy nói chung và người giảng viên nói riêng trong thời đại mới không nên quan niệm mình là người “rót” cho học trò những kiến thức bản thân sở đắc, mà nên là một người đồng hành cùng sinh viên trên con đường đi tìm chân lý.

* Trong thời đại công nghiệp hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, theo ông, vai trò của người thầy thay đổi như thế nào so với trước đây?

– Trước đây, không ít thầy cô đứng lớp với thái độ mình là người sở đắc chân lý và công việc của mình là truyền thụ lại cho học trò những chân lý ấy. 

Điều đó giờ đây khác rồi vì nhiều kiến thức theo thời gian có thể lạc hậu, hơn nữa hiểu biết là vô biên và đặc biệt sinh viên hôm nay sở hữu trong tay những công cụ hiện đại như Internet giúp mở rộng kiến thức một cách khủng khiếp. 

Trong bối cảnh đó, giảng viên nên quan niệm cả thầy và trò là những người cùng hợp tác với nhau trên con đường đi tìm chân lý. Thầy và trò cùng nhau học, bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát hiện và giải quyết những vấn đề mới. 

Với kinh nghiệm của mình, nhiệm vụ của người thầy còn là hướng dẫn cho sinh viên đi đúng hướng: học như thế này sẽ tốn nhiều thời gian, nghiên cứu theo hướng kia sẽ tốt hơn…

Một số giảng viên, nhất là những người lớn tuổi, thường mang tâm lý không cho phép người khác thách đố quyền uy của người thầy. 

Cụ thể, lắm lúc chỉ một câu hỏi hoặc một ý kiến trái ngược của sinh viên cũng khiến họ cảm thấy kiến thức học thuật của mình như bị xúc phạm, từ đó làm cho mối quan hệ thầy trò có thể rạn nứt. 

Ngày nay, thầy nên bao dung hơn cho người trẻ. Trên vai trò của một đối tác, thầy không ngần ngại tra cứu lại thông tin, bổ sung kiến thức cho chính bản thân, rồi lại trang bị tài liệu và thông tin ngược lại cho sinh viên. Người thầy cần giữ lửa nghề và đam mê khoa học để giúp sinh viên ngày càng tiến bộ.

Trò thành đạt, thầy thành công - Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TP.HCM tặng hoa chúc mừng cô giáo – Ảnh: NHƯ HÙNG

* Với những người thầy trẻ tuổi, phẩm chất nào cần được phát huy, thưa ông?

– Phẩm chất cao quý nhất của người trẻ là dám thách đố những ý tưởng được xem là chân lý và dám táo bạo nghĩ ra ý tưởng mới. Gần như trong mỗi người trẻ đều có phẩm chất này, tuy nhiên khi vào môi trường sư phạm, thay vì phát triển thì không ít giảng viên lại chôn vùi sự dũng cảm ấy. 

Một số giảng viên trẻ dễ dàng thừa nhận và làm theo khuôn khổ sẵn có, không dám sáng tạo cũng như không dám khác biệt. Những giảng viên trẻ nên đấu tranh cho những gì mình nghĩ là chân lý và đam mê dấn thân, cũng như không ngừng tìm tòi nghiên cứu để khám phá nhiều điều mới lạ.

* Phải chăng khoảng cách trong việc giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên ngày nay đã gần gũi hơn nhiều so với trước đây? Điều này có ý nghĩa như thế nào?

– Đúng vậy, bản thân tôi cảm thấy mình tuy “già” mà “trẻ” khi thường dành thời gian đi cà phê hay đi ăn cùng sinh viên. Những cuộc gặp mặt ngoài giảng đường sẽ bớt nghiêm trang, lễ nghi hơn và thầy trò có thể có thời gian và không gian nói chuyện với nhau về những vấn đề học thuật sâu sắc hơn, hay những câu chuyện cá nhân gần gũi hơn. 

Trên lớp, sinh viên có thể ngần ngại phát biểu một vấn đề nào đó vì sợ mất thì giờ và nhiều lúc bị quy là thách đố giảng viên. Trên bàn ăn, sinh viên sẽ thoải mái thể hiện tính dân chủ hơn. Ngoài ra, không chỉ tạo nên mối quan hệ gần gũi, qua những dịp như vậy người thầy có cơ hội suy nghiệm nhiều hơn về việc giảng dạy của mình và có thể đưa ra những giải pháp cải thiện chất lượng.

“Phẩm chất cao quý nhất của người trẻ là dám thách đố những ý tưởng được xem là chân lý và dám táo bạo nghĩ ra ý tưởng mới. Tuy nhiên, khi vào môi trường sư phạm, thay vì phát triển thì không ít giảng viên trẻ lại chôn vùi sự dũng cảm ấy. Một số giảng viên trẻ dễ dàng thừa nhận và làm theo khuôn khổ sẵn có, không dám sáng tạo cũng như không dám khác biệt”.

TS Dương Ngọc Dũng

Trò thành đạt, thầy thành công - Ảnh 4.

Trò thành công, thầy thành đạt

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: Có lẽ không giống như những nghề nghiệp khác, định nghĩa về sự thành đạt của người thầy, người cô không hề giản đơn.

Không phải là sự thành công về mặt kinh tế bởi nhà giáo thành đạt không thể lấy thước đo của những hợp đồng hay giá trị tài chính để so sánh, phân định. Có những chữ giàu hơn cả vật chất khi nhà giáo để lại cho cuộc đời những bài giảng khó quên dù nhiều năm sau nữa. 

 

Có những dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò về tác phong làm việc, về sự tận tụy hay sự sắc sảo trong từng giờ lên lớp quý hơn cả kim cương tỏa sáng đa sắc cầu vồng!

Không phải số lượng học sinh hay số lớp nhà giáo đứng lớp, hoặc số tiết quy đổi được xem như tiêu chí để bảo ai thành đạt hơn ai. 

Có những thầy cô vẫn đều đặn lên lớp cần mẫn hằng ngày, hằng tháng. Có những thầy cô không chỉ dạy lớp chính quy mà vẫn miệt mài huấn luyện các lớp học khác nhau để cống hiến cho đời những bông hoa cuộc sống. 

Nhưng cũng có những thầy cô dạy thật ít học trò, đó là thầy cô dạy các lớp chuyên biệt, học sinh khuyết tật, hay học sinh năng khiếu, học sinh tài năng, mỗi năm chỉ vài em.

Có thể lấy những giải thưởng, huy chương hay thậm chí là huân chương để minh chứng cho sự thành đạt của nghề giáo hay không? Có thể, nhưng cũng chỉ là hình bóng. Mà sự thành đạt thì không thuyết phục nếu chỉ dựa trên hình bóng mà nhìn. 

Có biết bao nhiêu thầy cô từng cống hiến âm thầm, có không ít thầy cô miệt mài hết lòng vì sự nghiệp mà chẳng quan tâm giải thưởng, cũng có thể đó là sự tự trọng, cũng có thể là tính cách không màng giải thưởng, cũng có thể là sự đánh giá thiếu bao quát, hay đó là sự sơ suất trong nhìn nhận của bất kỳ một hội thi, một cuộc thi hay một giải thưởng dẫu ở cấp nào.

Vậy chẳng lẽ không thể đo sự thành đạt của nhà giáo? Chắc có thể không cần vì vốn dĩ nghề giáo chẳng cần dùng thước đo kinh tế, truyền thông hay thi đua định tính, định lượng quá vô tình… 

Nếu ai đó đã chọn nghề giáo mà sống được với nghề thì thành đạt không nhỉ? Hay là một giáo viên, học trò nhớ chúng ta giữa đám đông dường như xa lạ thì có thành đạt hay không? Hay chính dấu ấn chúng ta đã để lại trong cuộc đời của nhiều học trò ta từng đồng hành, chia sẻ chính là sự thành công trong nghề?

Nếu ai đó làm thầy cô mà mạnh mẽ khẳng định rằng nếu có cơ hội chọn lại nghề lần nữa vẫn chọn nghề này thì quả là người thầy, người cô hạnh phúc. Xin cầu chúc và mong mỏi xã hội chúng ta có nhiều thầy cô hạnh phúc, thay vì cứ hướng đến sự thành đạt đo đếm vô tâm.

Hạnh phúc giản dị lắm thay cho những thầy cô thành đạt. Chúng ta chỉ tỏa sáng thật sự nếu tạo ra những con người biết tỏa sáng”.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Cần dạy cách giải quyết vấn đề

Trò thành đạt, thầy thành công - Ảnh 6.

Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên – Ảnh: D.Q.

Đó là ý kiến của bà Tô Thụy Diễm Quyên – cố vấn giáo dục toàn cầu của tập đoàn Microsoft. Theo bà Diễm Quyên, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng quan trọng nhất trong thời đại hiện nay. 

Khi có kỹ năng này, bạn có thể làm việc ở bất cứ ngành nghề nào, quốc gia nào và thời đại nào. Phương pháp dạy học mới cũng cần cập nhật và cải tiến liên tục. 

Với phương pháp này, người thầy sẽ đưa ra cho trẻ những vấn đề cần phải giải quyết, gợi ý, hướng dẫn trẻ con đường thu thập kiến thức để trẻ học tập chủ động và giải quyết vấn đề đặt ra. Tức là dạy làm sao để đứa trẻ chính là người làm chủ công nghệ và đi trước công nghệ trong tương lai.

Cuộc cách mạng 4.0 đã cho thấy robot sẽ thay thế con người trong một số ngành nghề. Nhưng robot được lập trình để giải quyết vấn đề có sẵn, không có khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Con người chúng ta hơn robot ở chỗ đổi mới và sáng tạo. Nếu muốn trẻ có được khả năng này thì phải thay đổi cách tiếp cận giáo dục của đứa trẻ.

Ví dụ dạy về an toàn giao thông, nhiều giáo viên thường khuyên trẻ phải thế này, phải thế kia, trẻ cứ học thuộc lòng và làm theo lời cô giáo là được. 

Nhưng với cách dạy mới, giáo viên sẽ đưa ra hình ảnh hoặc clip của hai chiếc xe và đặt câu hỏi: xe nào đi đúng luật giao thông, xe nào đi không đúng luật? Tại sao? Nếu em là người lái xe, em phải làm như thế nào?… Lúc ấy, trẻ phải động não để tìm ra hướng giải quyết vấn đề. 

Rồi giáo viên cũng có thể cho trẻ xem những trường hợp vi phạm luật giao thông, sau đó đặt câu hỏi: “Em nghĩ gì về những người vi phạm luật giao thông?”, cho học sinh trình bày quan điểm của mình, đồng thời tranh biện với nhau nhằm rèn cho trẻ tư duy phản biện.

 

TRỌNG NHÂN – HOÀNG HƯƠNG