Người lớn thừa cân ngày càng nhiều
Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, năm 2017 tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) ở TP.HCM bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh. Tuổi càng cao, tỉ lệ thừa cân, béo phì càng tăng.
Người lớn thừa cân ngày càng nhiều
Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, năm 2017 tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) ở TP.HCM bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh. Tuổi càng cao, tỉ lệ thừa cân, béo phì càng tăng.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết những khảo sát gần đây cũng cho thấy 1/3 số người trưởng thành tại các đô thị lớn bị thừa cân béo phì. Có đến 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực. Hiện tỉ lệ béo phì đang tăng theo thời gian.
Ngồi lướt điện thoại thông minh
Nguyên nhân cơ bản nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì là ăn quá nhu cầu của cơ thể nhưng lại thiếu vận động. Xu hướng ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ăn thực phẩm nhiều năng lượng nhưng không biết tác hại. Một chiếc bánh tiêu chiên ngập dầu có đến 200 kcal nhưng nhiều người không biết nên cho rằng ăn thêm một vài chiếc cũng không sao. Trong khi để tiêu thụ hết số năng lượng từ một chiếc bánh tiêu cần phải đi bộ… 40 phút liên tục.
Ngoài ra, có người còn ăn ít trái cây, rau xanh mà thường hay uống các loại nước giải khát nhiều đường như các loại nước có gas, nước tăng lực, kể cả các loại nước làm từ trái cây nhưng được cho rất nhiều năng lượng. Ví dụ, một ly “smooth” bán ở bên ngoài mà các bạn trẻ đang thích uống gồm có trái cây, sữa, bột béo, đường. Một ly này tương đương 500-600 kcal, bằng 1/4 năng lượng một người phụ nữ cần trong một ngày.
Xu hướng mới khiến mọi người tăng thời gian ngồi tĩnh tại lên quá nhiều và ít hoạt động thể lực cũng làm gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì. Tăng thời gian tĩnh tại do khối lượng công việc văn phòng nhiều hoặc ngồi yên chăm chú, sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh… Bên cạnh đó, không có môi trường thuận lợi cho các hoạt động thể lực để giảm thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, lối sống thức khuya, ngủ không đủ giấc, giờ ăn không phù hợp với đồng hồ sinh học (ví dụ thay vì ăn tối vào lúc 18h mãi 20h mới ăn) sẽ thúc đẩy rối loạn chuyển hoá trong cơ thể theo chiều hướng không có lợi, dễ tích tụ mỡ, cũng làm tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì.
Cùng 18 tuổi, cậu con trai cân nặng 109kg, còn cô con gái chỉ cân nặng 37kg – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
Bác sĩ Ngọc Diệp khẳng định chắc chắn thừa cân, béo phì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ… Béo phì được coi là một đại dịch, đó là một bệnh lý và có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác.
Thừa cân là trung gian và nếu để dẫn đến bệnh béo phì thì sẽ gây ra tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường, tăng nguy cơ một số bệnh lý ở cơ xương khớp như thoái hoá khớp, tổn thương xương khớp ở những người cao tuổi. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, trong đó có ung thư ở thận, ung thư ở đường tiêu hóa, ở cơ quan sinh dục; béo phì còn có nguy cơ vô sinh, tăng nguy cơ bị trầm cảm, bị thiếu oxy não…
Để phòng ngừa thừa cân, béo phì, mỗi người dân cần phải biết ăn bao nhiêu là vừa, cân nặng tương ứng với chiều cao thế nào là bình thường. Một ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu hai phần trái cây (một phần trái cây tương đương với một quả chuối hoặc một quả táo), ăn tối thiểu 5 phần rau (một phần tương đương với một chén cơm). Chất bột đường gồm 5 phần ngũ cốc (mỗi phần tương đương một chén cơm hoặc một lát sandwich). Kiến nghị mỗi ngày ăn 100g trái cây, 400g rau, 100g thịt/bữa, cá 120-150 g/bữa. Đọc nhãn thực phẩm để biết được năng lượng thực phẩm, không ăn quá mức cho phép. Không nên ăn tối muộn sau 20h.
Bí quyết giảm cân
Một số người dành thời gian vận động ngoài trời để tăng cường sức khoẻ, giảm cân – Ảnh: ĐOÀN VĂN VINH
Muốn giảm thừa cân béo phì, cần phối hợp: chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực thường xuyên và tránh thức khuya.
* Chế độ ăn: cần thấp năng lượng (thấp calo), ít bột đường, giảm béo nhưng vẫn đảm bảo đủ đạm và giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ.
Nên giảm năng lượng của khẩu phần ăn từ từ, mỗi tuần chỉ giảm khoảng 300 kcal so với khẩu phần ăn trước đó (tương đương giảm từ 0,3-0,5kg mỗi tuần).
* Thực hành: hạn chế chất béo như dầu, mỡ, bơ, thịt mỡ, da, đồ lòng, nước hầm hay luộc thịt, nước cốt dừa, nước xốt, các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, lạp xưởng, xốt mayonaise… Hạn chế các món chiên rán, quay, xào, nên chế biến dưới dạng luộc, hấp, kho, canh hay trộn salad.
– Giảm dần lượng tinh bột (cơm, xôi nếp, bánh mì, mì, nui…), giảm đường và đồ ngọt (nước ngọt, bánh, kẹo, sôcôla, kem, chè, kể cả sữa đặc có đường và trái cây ngọt…).
– Cần ăn đủ chất đạm (thịt cá nạc, tôm tép, trứng, đậu đỗ, rong biển, nấm…), tăng rau và trái cây ít ngọt (ít nhất 300g rau xanh và 200g quả ít ngọt mỗi ngày). Uống sữa ít béo, không đường, ít đường.
– Có thể đưa vào thực đơn các loại trà xanh, gừng, tỏi… giúp tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể…
* Tăng cường hoạt động thể lực: cần tập thể dục thể thao ít nhất 60 phút mỗi ngày, với các loại hình như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, yoga, gym…
* Giấc ngủ: để giảm cân bạn cần tránh thức khuya, nên ngủ sớm trước 22h30 và ngủ đủ giấc.
Cần theo dõi BMI thường xuyên hằng tháng, nếu không tăng cân hoặc có giảm cân chút ít trong vài tuần đầu thì xem như đã thành công, hãy tiếp tục điều chỉnh cho đến khi BMI trở về mức lý tưởng (20-22).
Việc kiểm soát cân nặng cần có quyết tâm cao cũng như cần sự hỗ trợ của người thân và sự kiên nhẫn, duy trì kết quả (thói quen ăn uống tốt và luyện tập thường xuyên), ngay cả khi cân nặng đã trở về bình thường.
THS.BS TRẦN THỊ HỒNG LOAN (Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood)