Làm thế nào để con bạn mê đọc sách?
Trong cuộc sống hiện nay, có quá nhiều thứ hấp dẫn, thu hút trẻ, vậy làm thế nào để cha mẹ có thể truyền niềm đam mê đọc sách cho trẻ?
Làm thế nào để con bạn mê đọc sách?
Trong cuộc sống hiện nay, có quá nhiều thứ hấp dẫn, thu hút trẻ, vậy làm thế nào để cha mẹ có thể truyền niềm đam mê đọc sách cho trẻ?
Truyền cho con niềm đam mê đọc sách là cả quá trình lâu dài QUỲNH NGUYỄN
Đừng áp đặt trẻ
Mua rất nhiều sách, rất nhiều thể loại, chị Nguyễn Thị Thuý Hằng, nhân viên marketing (Q.5,TP.HCM), mong rằng con mình sẽ mê đọc sách giống như ba mẹ. “Tôi nghĩ muốn rèn thói quen đọc sách cho con, tôi mua nhiều sách dạy tư duy, khoa học, nghệ thuật… mong con đọc nhiều, có hiểu biết nhiều. Tôi cũng không rõ tại sao con không giống chúng tôi dành nhiều thời gian xem sách. Ngoài giờ học trên trường, con chỉ xem phim hoạt hình, coi các chương trình dành cho thiếu nhi và chơi búp bê. Tuy nhiên, sau khi tham gia buổi đọc truyện, con tôi khác hẳn, về nhà bé còn muốn kể lại quyển sách đã đọc. Con còn yêu cầu mua thêm nhiều truyện khác để xem”.
Cũng có 2 con trai đang độ tuổi đi học lớp 3 và 5, các bé hiếu động, chăm học, tuy nhiên không thích đọc sách, chị Lê Thị Thanh Minh, giáo viên một Trường THCS ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: “Ngoài giờ học trên lớp, đi học ngoại khóa, các con chỉ thích chơi lego và xem phim siêu anh hùng. Trò chơi yêu thích của hai con tôi là đóng vai siêu nhân. Tôi muốn con bớt thời gian để đọc sách thêm. Không cần là sách nghiên cứu, có thể đọc truyện để thêm vốn từ thôi cũng được. Nhưng các con không chịu đọc”.
Để thu hút trẻ vào một câu chuyện, phải cho trẻ chơi, làm sao để trò chơi có liên quan đến nội dung quyển sách sẽ giúp trẻ ghi nhớ nội dung tốt hơn QUỲNH NGUYỄN
Lý giải cho chuyện nay, chị Phạm Hữu Bạch Tùng, người kể chuyện trong rất nhiều hoạt động đọc sách, chia sẻ: “Để xây dựng được niềm yêu thích đọc sách cho trẻ con là cả một hành trình dài, vừa thu hút, lôi kéo, dụ dỗ… một cách thụ động. Phải làm sao để các em cảm được, nghe được, đôi khi chúng tôi còn cho các em tham gia trò chơi, để các bé thấy mình được là một phần của câu chuyện trong quyển sách rồi dần dần bị cuốn hút. Mỗi bé còn có thể tự sáng tạo riêng câu chuyện theo cách của mình. Lâu dần, tình yêu khám phá thế giới sách mới hình thành”.
Cho các em hiểu về thế giới trong trang sách bằng các trò chơi QUỲNH NGUYỄN
Chị Bạch Tùng chia sẻ thêm: “Như vừa rồi chúng tôi kể cho các bé nghe câu chuyện Khóc, buồn nhưng không bao giờ gục ngã. Câu chuyện mô tả về cái chết, cảm xúc mất mát đau thương, tuy nhiên không bi lụy. Quyển sách kể về thần chết cũng có trái tim và cảm xúc nên các em dễ đồng cảm. Để các bé chú ý đến câu chuyện tôi cho các bé chơi trò chơi Thư gửi yêu thương. Mỗi em được phát một tờ giấy để ghi tên, trả lời những câu hỏi như Mình yêu thương ai đó là khi? Người em yêu thương là ai? Em cảm thấy được yêu thương là khi? Yêu thương thì gửi ở đâu? Mỗi em trả lời theo một kiểu như em yêu mẹ em vì mẹ nấu cơm cho em ăn. Yêu thương là nằm ở trong tim, yêu thương là ở trong bụng… Để các em nhớ tới câu chuyện mình có thể dùng những điểm đặc sắc trong sách rồi đặt câu hỏi gợi mở khiến các em suy nghĩ và liên hệ đến bản thân”.
Cũng theo chị Bạch Tùng, mỗi đứa trẻ sẽ có một cách hiểu và nhớ khác nhau nên ba mẹ không đặt câu hỏi đóng dạng có hoặc không, mà hãy đặt những câu hỏi mở để có thể nhận nhiều câu trả lời khác nhau, kích thích khả năng tưởng tượng của bé. Quan trọng là người lớn đừng áp đặt hứng thú của mình lên trẻ con mà cứ xem thời gian kể chuyện là thời gian thư giãn, cả người kể và người nghe cùng vui.
Chọn sách cho con đừng nghe theo quảng cáo
Theo chị Lê Thu Phương Quỳnh, người tuyển lựa sách cho trẻ em tại công ty Crabit Kidbooks: “Các em không thích đọc sách một phần vì không hiểu. Mỗi em bé có trình độ đọc khác nhau, không chia theo lứa tuổi. Nên khi chọn mua sách, ba mẹ phải biết trình độ đọc của con ở mức nào. Không phải cuốn sách nào hay, hình đẹp thì con cũng thích. Mỗi đứa trẻ có khả năng đọc khác nhau, dù nó cùng độ tuổi, nên phải chọn sách đúng trình độ. Chọn sách sai cấp đọc thì nhiều từ khó, chủ đề không phù hợp, con đọc sẽ chán”.
Phải biết chọn sách phù hợp với trình độ đọc của con QUỲNH NGUYỄN
Chị Phương Quỳnh nhắn nhủ: Chọn sách cho con cũng nên chọn theo chủ đề khác nhau. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, các em sẽ tập trung vào những chủ đề khác nhau. Tuổi 3 – 5 các em bé thường xem những sách có nội dung về gia đình, trường học, các loài vật … Ở tuổi này mà đưa sách về cấu tạo máy bay, hành tinh thì bé sẽ chán, không đọc. Đối với các bé 6 tuổi, lúc đó sách không chỉ là sách mà còn là đồ chơi. Giấy cần loại bìa cứng, thậm chí sách vải để các bé có cho vào miệng ngậm cũng không sao. Và điều tôi muốn nhấn mạnh, khi chọn sách cho con thì việc của bố mẹ là phải đọc cuốn sách đó trước chứ đừng nghe người ta ca ngợi rồi mua. Và sách mua về thì bố mẹ cần đọc cùng con chứ đừng ôm hy vọng mua sách hay về xong tự nhiên con mình biến thành người mê đọc là điều bất khả thi.
NGUYÊN TRANG