Làm thế nào để đối phó với ‘sát thủ’ suy tim?
Suy tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ tử vong do suy tim thậm chí cao hơn do một số loại bệnh ung thư.
Làm thế nào để đối phó với ‘sát thủ’ suy tim?
Suy tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ tử vong do suy tim thậm chí cao hơn do một số loại bệnh ung thư.
Các bác sĩ phẫu thuật tim mạch nội soi ẢNH: NGUYÊN MI
Hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, suy tim nếu được chẩn đoán và điều trị sớm nguyên nhân thì có thể khỏi trong một số trường hợp.
“Sát thủ” suy tim
Bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), cho biết: Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, hậu quả của những tổn thương hay rối loạn chức năng của quả tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc bơm máu đi nuôi cơ thể.
Cụ thể, suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như: bệnh lý van tim, cơ tim, màng ngoài tim, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tuyến giáp…
Trong đó, nguyên nhân gây suy tim phổ biến nhất là bệnh lý mạch vành, chiếm tỷ lệ trên 50%. Các nguyên nhân phổ biến tiếp theo là tăng huyết áp và bệnh lý van tim.
Suy tim gia tăng theo tuổi thọ. Một thống kê mới đây cho thấy tần suất mắc suy tim ở độ tuổi trên 65 là khoảng 1/100 dân. Tỷ lệ mắc suy tim ở nam cao hơn nữ.
Bên cạnh đó, bệnh tim bẩm sinh không được phẫu thuật sớm cũng là một nguyên nhân suy tim ở trẻ em.
Theo bác sĩ Dũng, suy tim đang trở thành một vấn đề lớn của toàn nhân loại, ước tính khoảng 23 triệu người đang chịu ảnh hưởng trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,6 triệu người bệnh suy tim.
Suy tim ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều mức độ khác nhau: từ suy giảm khả năng gắng sức, giảm tập trung, giảm chất lượng giấc ngủ; cho đến khó thở thường xuyên khiến người bệnh phải nằm nghỉ thường xuyên và tăng số lần nhập viện. Đặc biệt, ảnh hưởng của suy tim đến chất lượng sức khỏe sẽ càng nặng nề hơn trên người bệnh có các yếu tố trẻ tuổi, là nữ giới, mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, trầm cảm, mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc người bệnh đã bước vào giai đoạn suy tim nặng.
Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Lê Minh Khôi, Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, BV ĐHYD TP.HCM, thăm khám cho bệnh nhi BỆNH VIỆN CUNG CẤP |
“Suy tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những bệnh lý tim mạch. Có khoảng 50.000 người bệnh suy tim tử vong hàng năm. Tỷ lệ tử vong do suy tim thậm chí cao hơn tỷ lệ tử vong do một số loại bệnh ung thư. Mặc dù hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn còn rất cao. Khoảng 50% người bệnh suy tim sẽ tử vong sau 5 năm”, bác sĩ Dũng đánh giá.
Nhận diện và đối phó với suy tim
Theo bác sĩ Dũng: Biểu hiện lâm sàng chính của suy tim là mệt mỏi, khó thở và ứ dịch. Người bệnh suy tim thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn ngủ, hay tiểu đêm, cân nặng thay đổi thất thường.
Bên cạnh đó, người bệnh có nhiều triệu chứng về thở như thở nông, thở nhanh, thở khó (khó thở khi gắng sức, khó thở khi nghỉ ngơi, khó thở kịch phát về đêm), thở nhanh xen kẽ giai đoạn ngưng thở.
Ứ dịch sẽ dẫn đến sung huyết phổi cũng như phù ngoại vi ở vị trí chân, bụng, vùng sinh dục… hoặc thậm chí phù toàn thân. Tuy nhiên, không phải người bệnh suy tim nào cũng bị ứ dịch.
“Suy tim nếu được chẩn đoán và điều trị sớm nguyên nhân thì có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong một số trường hợp”, bác sĩ Dũng nói.
Hiện tại, có các phương pháp điều trị suy tim bao gồm: chế độ ăn uống – sinh hoạt hợp lý, dùng thuốc, can thiệp nội mạch, đặt các thiết bị hỗ trợ tim, phẫu thuật tim và ghép tim.
Trường hợp người bệnh đã được điều trị bằng thuốc tối ưu ít nhất 3 tháng nhưng không tiến triển thì các thiết bị hỗ trợ sẽ được cấy vào tim người bệnh để phòng ngừa đột tử cũng như giảm thiểu triệu chứng và tỷ lệ tử vong. Với những trường hợp suy tim tiến triển, đang chờ đợi được ghép tim thì cần được cấy các thiết bị hỗ trợ thất hoặc tim nhân tạo.
Ngoài ra, can thiệp nội mạch và phẫu thuật tim có thể giúp điều trị khỏi hẳn suy tim (như vá hoặc bít các lỗ thông trong tim, thay van tim) hoặc giảm thiểu triệu chứng và tỷ lệ tử vong (như can thiệp mạch vành, phẫu thuật bắc cầu mạch vành, phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp…) cho người bệnh.
Người bệnh suy tim giai đoạn cuối với triệu chứng nặng, tiên lượng xấu và không còn phương pháp trị liệu nào khác thay thế thì có thể ghép tim.
Bác sĩ Dũng cho biết thêm, yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị là việc người bệnh thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Xây dựng lối sống lành mạnh bao gồm: không hút thuốc, hạn chế chất cồn và caffein, giảm lượng muối trong bữa ăn, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối, thức ăn chế biến sẵn (nước mắm, tương, cá khô,….) và thức ăn béo, nhiều dầu mỡ, thường xuyên tập thể dục… nhằm ổn định huyết áp, đường huyết, tăng cường sức khoẻ tim mạch.
Bên cạnh đó, người bệnh suy tim cần được đánh giá toàn diện và thiết lập chương trình quản lý, chăm sóc lâu dài. Có như vậy, người bệnh mới có thể tăng cường chất lượng sức khỏe, cuộc sống và gia tăng tuổi thọ.
Từ ngày 1 đến 3.11, Bệnh viện BV ĐHYD tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay”. Hội nghị có hơn 90 bài báo cáo từ các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và quốc tế về điều trị nội khoa, ngoại khoa và can thiệp tim mạch.
|
NGUYÊN MY