Trường đại học của VN nên tham gia bảng xếp hạng nào ?
Mùa xếp hạng lại đến rồi!”, lời phát biểu, hay đúng hơn là tiếng thở dài, của một nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng ở nước ngoài cáchđây hơn nửa thập niên về tình trạng “ham hố” trong xếp hạng đại học của một số quốc gia Đông Á, giờ đây có vẻ đã lan đến với VN.“
Trường đại học của VN nên tham gia bảng xếp hạng nào ?
Mùa xếp hạng lại đến rồi!”, lời phát biểu, hay đúng hơn là tiếng thở dài, của một nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng ở nước ngoài cáchđây hơn nửa thập niên về tình trạng “ham hố” trong xếp hạng đại học của một số quốc gia Đông Á, giờ đây có vẻ đã lan đến với VN.“
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – ĐH đứng thứ 144 trong tốp 505 ĐH tốt nhất châu Á năm 2018- 2019 của QS ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Việc công bố kết quả của một số bảng xếp hạng đại học (ĐH) với sự có mặt của một số trường ĐH VN mới đây, trong đó có nhiều kết quả khá bất ngờ, đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau. Một bên là sự ca ngợi, tán thưởng của một số người, còn bên kia là sự nghi ngại, ngờ vực. Nhưng dù phản ứng của mọi người có khác biệt đến đâu thì câu hỏi chung được đặt ra cho tất cả vẫn là: Làm thế nào để biết bảng xếp hạng nào là có giá trị?
Có một điểm cần ghi nhận là mặc dù công chúng có thể có những quan điểm trái ngược nhau về các bảng xếp hạng ĐH nhưng quan điểm của giới chuyên môn lại rất thống nhất. Tựu trung một bảng xếp hạng tốt, nhất thiết phải đạt 2 yêu cầu tối thiểu: Có các tiêu chí phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của các trường được xếp hạng; Có phương pháp tốt để thu thập và xử lý các thông tin được sử dụng để xếp hạng.
Với hai yêu cầu nói trên, bảng xếp hạng ĐH nào là phù hợp với các trường ĐH của VN? Điểm qua các bảng xếp hạng đã từng được biết đến tại VN, có thể chọn ra 4 bảng xếp hạng sau đây:
1. Bảng xếp hạng ĐH thế giới (ARWU – Academic Ranking of World University). Bảng xếp hạng rất nổi tiếng này xuất phát từ một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University), với các tiêu chí xếp hạng chủ yếu nhắm vào các trường ĐH nghiên cứu và thiên về khối ngành tự nhiên – kỹ thuật.
ARWU được xem là một trong những bảng xếp hạng uy tín nhất trên thế giới, có phương pháp thu thập thông tin và xử lý thông tin minh bạch, khách quan và rất nghiêm ngặt. Trong các chỉ số được sử dụng để xếp hạng, ta thấy có số lượng công bố khoa học trên các tạp chí khoa học hàng đầu như Nature và Science, hoặc số lượng các nhà khoa học đoạt giải Nobel hoặc giải Fields tại các trường.
Với những tiêu chí và chỉ số như trên, bảng xếp hạng này rõ ràng không phù hợp với VN, ít ra là trong giai đoạn hiện nay. Đơn giản là khả năng một quốc gia ở trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay mà có được một trường lọt vào danh sách 500 trường đại học nghiên cứu tốt nhất trên thế giới chắc chắn không thực hiện được.
2. Bảng xếp hạng ĐH thế giới Webometrics (Webometrics Ranking of World University, gọi tắt là Webometrics). Tương tự ARWU, Webometrics cũng là một sản phẩm nghiên cứu của nhóm Cybermetrics Lab thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha.
Phương pháp xếp hạng Webometrics được các chuyên gia đánh giá cao về tính minh bạch và khách quan, không có mâu thuẫn lợi ích. Ngoài ra, Webometrics có độ phủ rộng trên toàn thế giới, danh sách xếp hạng lên đến trên 12.000 trường, trong đó có nhiều trường của VN và nhiều nước đang phát triển khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Webometrics không nhằm đánh giá toàn diện chất lượng mà nhắm đến độ bao phủ, sức lan toả và mức độ tác động của thông tin khoa học của một trường ĐH trên trang web của mình. Mặc dù trong thời đại Internet ngày nay, việc công bố thông tin khoa học thông qua trang web là một chỉ số quan trọng để chứng tỏ năng lực của các trường đại học nhưng không thể xem kết quả xếp hạng Webometrics như một chỉ số chính xác về chất lượng tổng thể của một trường, và càng không thể xem việc tăng hoặc giảm thứ hạng trên Webometrics là chứng cứ của sự gia tăng hoặc giảm sút chất lượng.
3. Hệ thống xếp hạng ĐH khu vực và thế giới của THE (Times Higher Education). Times Higher Education là một tờ báo chuyên cung cấp thông tin về giáo dục ĐH của Anh quốc. Bảng xếp hạng của THE ra đời vào năm 1971 như một phụ trương của tờ báo. Điều này có thể thấy qua tên gọi ban đầu của hệ thống xếp hạng này là Times Higher Education Supplement (Phụ trương của tờ Times Higher Education, viết tắt là THES).
Qua nhiều năm tồn tại, hiện THE đã trở thành một tổ chức xếp hạng có uy tín với phương pháp minh bạch, rõ ràng, và có độ phủ rộng hơn ARWU rất nhiều. Danh sách các trường hàng đầu thế giới của THE lên đến gần 1.000 so với 500 trường của ARWU. Ngoài ra THE không chỉ so sánh các trường hàng đầu thế giới, mà còn có nhiều bảng xếp hạng được phân loại chi tiết theo khu vực, ngành đào tạo, và thậm chí theo thâm niên của các trường với Bảng xếp hạng các trường dưới 50 tuổi. Các tiêu chí xếp hạng của THE cũng toàn diện hơn, không quá nặng về nghiên cứu như ARWU. Các tiêu chí đánh giá của THE bao gồm 5 nhóm: giảng dạy, nghiên cứu, công bố, mức độ quốc tế hóa và chuyển giao công nghệ.
Với những đặc điểm nêu trên, kết quả xếp hạng của THE đang có rất ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc lựa chọn trường của người học và do đó cũng ảnh hưởng đến các chiến lược phát triển của các trường, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều trường đại học trong khu vực sử dụng kết quả này như một thông tin chính thức về chất lượng của trường.Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu được sử dụng một cách cẩn trọng, kết quả xếp hạng đại học nói chung, trong đó có kết quả xếp hạng của THE, có thể có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của các trường được xếp hạng.
4. Hệ thống xếp hạng ĐH khu vực và thế giới của QS (Quacquarelli Symonds). Quacquarelli Symonds là tên một công ty truyền thông giáo dục được thành lập vào cuối thập niên 1980 bởi chính Quacquarelli. Bảng xếp hạng đầu tiên do QS đưa ra vào năm 1996, chỉ nhằm xếp hạng các trường có chương trình MBA tốt nhất thế giới và đưa ra bảng xếp hạng ĐH thế giới đầu tiên vào năm 2003.
QS xếp hạng các trường ĐH dựa phần lớn vào kết quả khảo sát. Một ưu điểm của QS là độ bao phủ rộng và yêu cầu không quá nghiêm ngặt như các bảng xếp hạng có danh tiếng khác khiến khả năng lọt vào bảng xếp hạng của QS không đến nỗi bất khả thi, và việc tăng hạng trên bảng xếp hạng QS cũng dễ dàng hơn. Ví dụ, ngoài tiêu chí về “danh tiếng” chiếm đến 50% tổng điểm, QS có 2 tiêu chí khá dễ dàng cải thiện với tổng tỷ lệ là 20% – tỷ lệ thầy trên trò (15% tổng điểm) và tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ (5% tổng điểm). Điều này khiến cho QS có một lượng khách hàng trung thành là các trường ĐH muốn thấy tên mình trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế, như một hình thức quảng cáo.
Nhưng QS không phải là một bảng xếp hạng được giới hàn lâm đánh giá cao. QS vừa là người xếp hạng lại cũng đồng thời là người cung cấp gói dịch vụ tư vấn xếp hạng, khiến cho tính khách quan của số liệu và kết quả xếp hạng của QS đặt dấu hỏi.
Quan trọng hơn là cải tiến chất lượng
Trong giai đoạn hiện nay, nếu không có những thay đổi mang tính đột phá mà chủ yếu là sự đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ giảng viên và năng lực quản trị của các trường, thì VN vẫn chỉ có khả năng có mặt ở 2 bảng xếp hạng là Webometrics và QS mà thôi. Nhưng ngoài giá trị truyền thông mà các bảng xếp hạng này mang lại, điều quan trọng mà các trường ĐH cần nhớ, đó là: thay vì mê mải chạy theo các thứ hạng để tăng khả năng thu hút người học thì điều quan trọng hơn vẫn là hiểu rõ điểm mạnh – yếu của mình và thực sự cải tiến chất lượng, để một ngày không xa có thể xuất hiện trong những bảng xếp hạng có giá trị hơn. Ví dụ như bảng xếp hạng châu Á của THE, nơi những nước như Thái Lan và Malaysia đã có mặt trong tốp 100 trong vài năm vừa qua, riêng Malaysia thậm chí đã vọt lên chiếm được vị trí tốp 50 ngay trong năm 2018 này.
|