12/01/2025

Lo ngại thông đồng, rút ruột dự án đầu tư công

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại câu chuyện thông đồng, thất thoát, rút ruột trong các dự án đầu tư công…

 

Lo ngại thông đồng, rút ruột dự án đầu tư công

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại câu chuyện thông đồng, thất thoát, rút ruột trong các dự án đầu tư công…
 
 
 
 
ĐB Nguyễn Ngọc Phương lo ngại về thất thoát, lãng phí trong đầu tư công  /// ẢNH: Ngọc Thắng

ĐB Nguyễn Ngọc Phương lo ngại về thất thoát, lãng phí trong đầu tư công  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Câu chuyện thông đồng, thất thoát, rút ruột trong các dự án đầu tư công và trách nhiệm thuộc về ai vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 29.10 về các nội dung liên quan đến ngân sách.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), điều ông quan tâm nhất là báo cáo của Chính phủ chưa nêu được cụ thể thời gian qua có bao nhiêu công trình đầu tư công có hiệu quả, bao nhiêu dự án đầu tư thua lỗ, bao nhiêu dự án cần được xem xét, kiến nghị, điều tra và truy tố. Nhắc lại chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, ông Phương nhấn mạnh rằng phải chỉ ra địa chỉ cụ thể nơi nào làm tốt, chỗ nào chưa tốt và nguyên nhân vì sao thì từ đó mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để không chỉ xử lý nghiêm mà còn làm bài học trong tổ chức quản lý thì mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn như thời gian qua.

ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) là nơi “đang có khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư”. “Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc. Không ít dự án BT đang bị biến tướng thành cuộc giao dịch ngầm theo cơ chế xin cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công rất lớn”, ông Diến bức xúc.

 
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cảnh báo về sự ranh ma, tinh vi trong không ít các dự án đầu tư, đặc biệt từ khâu chuẩn bị, khảo sát, thiết kế thi công. Ông nghi ngờ ở khâu này có sự móc ngoặc, thông đồng giữa các đơn vị liên quan từ chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn khảo sát và không loại trừ cả bộ, ngành nâng suất đầu tư trong các dự án. “Suất đầu tư các dự án ở VN bao giờ cũng cao hơn khu vực. Một đoạn đường giao thông loại B chỉ cần 7,5 tỉ đồng bị nâng lên 10 tỉ đồng, khi quyết toán 2,5 tỉ đồng này đi đâu các đồng chí tự hiểu”, ĐB Cò phản ánh và đề nghị trong giám sát, kiểm tra đặc biệt lưu ý ngay từ khi thiết kế, khảo sát và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết luật Đầu tư công có hiệu lực từ năm 2015 cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, tùy tiện, không có tiền cũng ứng vốn tràn lan dẫn tới nợ đọng thất thoát, kém hiệu quả. Tất cả các dự án trong tình trạng này phần lớn do trước năm 2015 để lại, cụ thể có 21.000 dự án. Trong giai đoạn 2016 – 2020, chỉ khởi công mới 412 dự án. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận còn tình trạng giao vốn chậm, giao nhiều lần khiến hiệu quả không cao. “Trong luật Đầu tư công sửa đổi để khắc phục, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ trình QH theo hướng phân cấp triệt để tất cả các khâu. Gắn trách nhiệm của từng người, từng đơn vị trong các khâu đó, đặc biệt là người đứng đầu”, ông Dũng cho biết.
 
Tranh luận về nhà hát giao hưởng nghìn tỉ
Cũng liên quan đến đầu tư công, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu tình trạng các địa phương đề nghị xây trung tâm hội nghị, nhà văn hoá. Gần đây nhất là báo cáo của Đoàn ĐBQH TP.HCM về nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm. “Càng nghiên cứu báo cáo này tôi càng thấy nao núng”, ông Nhưỡng nói và đề nghị Chính phủ nên có thái độ quyết liệt, không nên dĩ hòa vi quý trong câu chuyện xây nhà văn h, xây trụ sở to. Việc xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm không thể tạo điểm nhấn và càng không phù hợp vào thời điểm này khi lòng người dân Thủ Thiêm và cả nước vẫn chưa yên. “Đầu tư vào giao thông, y tế, giáo dục không biết bao nhiêu là đủ. TP.HCM bảo đầu tư nhiều rồi cho nên bây giờ có thể đầu tư nhà hát, có 1.500 tỉ đồng thôi. Tôi cho giải thích như vậy là không ổn. Có những vấn đề không cần thiết, không hợp ý Đảng lòng dân thì cương quyết dừng, không dĩ hòa vi quý được vì dĩ hòa vi quý có thể trở thành dĩ hoà vi phạm, dĩ hoà vi hiến”, ĐB Nhưỡng nói.
 
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) khẳng định việc cân đối ngân sách để xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm, lãnh đạo TP đã cân đối để đảm bảo phát triển hài hoà. “Chúng tôi vẫn đầu tư cho các lĩnh vực khác, nhưng trong đó lĩnh vực văn hóa chưa được đầu tư đúng mức”, bà Tâm nói và cho biết đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 của TP và là dự án thuộc diện ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011 – 2015, nhưng do chưa xác định được vị trí tạo sự đồng thuận nên đến giờ mới quyết định. Để thực hiện dự án thì các thủ tục để hoàn tất dự án này phải mất từ 1 – 5 năm.
 
ĐB Lưu Bình Nhưỡng thấy chưa thoả đáng, tiếp tục tranh luận, nhưng phiên thảo luận hết giờ.

 

CHÍ HIẾU – ANH VŨ – LÊ HIỆP