28/11/2024

Khi nào người dân phải cung cấp hình ảnh từ camera?

Câu chuyện về một khách hàng ‘bất thành’ trong việc yêu cầu được trực tiếp cung cấp dữ liệu camera về vụ mất trộm tài sản tại tiệm cà phê của Starbucks VN, đã gây ‘bão’ trên mạng xã hội vừa qua.

 

Khi nào người dân phải cung cấp hình ảnh từ camera?

Câu chuyện về một khách hàng ‘bất thành’ trong việc yêu cầu được trực tiếp cung cấp dữ liệu camera về vụ mất trộm tài sản tại tiệm cà phê của Starbucks VN, đã gây ‘bão’ trên mạng xã hội vừa qua.
 
 
 
 
 
Nếu camera ghi lại được cảnh trộm, cướp… nên cung cấp cho công an ngay để điều tra truy bắt thủ phạm /// Ảnh: Ngọc Dương

Nếu camera ghi lại được cảnh trộm, cướp… nên cung cấp cho công an ngay để điều tra truy bắt thủ phạm   ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 
Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay đều lắp đặt camera giám sát. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố liên quan đến an ninh trật tự, vấn đề đặt ra là dữ liệu từ hệ thống camera có phải là “của riêng” chủ cơ sở?
 
 
Câu chuyện về một khách hàng “bất thành” trong việc yêu cầu được trực tiếp cung cấp dữ liệu camera về vụ mất trộm tài sản tại tiệm cà phê của Starbucks VN, đã gây “bão” trên mạng xã hội vừa qua.
 

camera_an_ninh

Việc lắp đặt camera giám sát hiện phổ biến tại các cơ sở kinh doanh  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
Khách muốn “xem ngay”, quán bảo “phải đợi”
Theo đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 22.10, anh Phạm Minh Thành (ngụ Q.4, TP.HCM) uống cà phê tại một cửa hàng cà phê thuộc hệ thống Starbucks VN trên đường Hàn Thuyên (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), trong lúc đi vệ sinh, đã bị mất chiếc laptop Macbook trị giá gần 40 triệu đồng. Theo phản ánh của anh Thành trên mạng xã hội, ngay lúc đó anh đã báo quán xin xem lại hình ảnh camera, nhưng bị từ chối với lý do hết giờ hành chính, nhân viên công nghệ về rồi nên không thể lấy dữ liệu ngay được.
 
Tiếp đó, ngay khi nhận được trình báo, cán bộ Công an P.Bến Nghé đã xuống hiện trường, nhưng cũng không thu thập được hình ảnh từ camera do “hết giờ hành chính”. Sáng hôm sau, anh Thành đến văn phòng Starbucks VN với hy vọng “xem được mặt tên trộm”, đại diện của Starbucks VN cho rằng phải có yêu cầu của cơ quan công an thì mới cung cấp dữ liệu.
 
Về cách hành xử của Starbucks VN, anh Thành bày tỏ: “Mình không cẩn thận, để mất thì chịu thôi, nhưng viết ra chút cho đỡ tức cái quy trình. Thật mệt mỏi với quy trình như thể làm ra để che giấu tội phạm, như thể “tạo” thêm thời gian cho tội phạm tẩu tán tài sản trộm cắp. Hy vọng trong thời gian tới quy trình của Starbucks VN sẽ hỗ trợ người bị hại nhiều hơn”.
 
Ngày 26.10, trả lời Thanh Niên, anh Thành bức xúc: “Quy định bảo mật thông tin như vậy liệu có phù hợp hay không? Khách hàng có quyền gì trong tình huống bị mất trộm tài sản? Quy định là quyền của anh (Starbucks VN – PV) nhưng tôi nghĩ như vậy là không phù hợp thực tế. Về phía cơ sở kinh doanh dịch vụ, nếu có đề ra quy định, thì phải đặt quyền lợi của khách hàng, quyền lợi của người bị hại lên trên hết, chứ không chỉ biết bảo vệ cho riêng mình”.
 
Trước bức xúc của khách hàng, đại diện Starbucks VN cho rằng thời điểm báo mất Macbook xảy ra ngoài giờ hành chính, văn phòng không còn ai làm việc nên không thể truy xuất dữ liệu camera ngay. Nhân viên quán vào thời điểm đó đã tích cực hỗ trợ khách hàng trình báo công an bước đầu ghi nhận vụ việc.
 
“Ngay sáng hôm sau, chúng tôi đã cung cấp dữ liệu camera cho cơ quan công an. Chuỗi cà phê của Starbucks VN hiện có 40 quán, trong đó ở TP.HCM có 27 quán. Ngay từ khi hoạt động ở VN, Starbucks quy định rõ ràng là dữ liệu camera là tài sản của riêng doanh nghiệp (DN), không cung cấp cho khách hàng mà chỉ cung cấp cho công an, cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu với mục đích phục vụ điều tra, xác minh chứng cứ… Đó là quy định chung của DN nhân viên không thể tùy ý thay đổi được”, vị này nói.
 

camera_an_ninh

Việc lắp đặt camera giám sát hiện phổ biến tại các cơ sở kinh doanh  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
 
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đa phần các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện đều lắp camera giám sát. Riêng tại TP.HCM, việc lắp hệ thống camera và quản lý dữ liệu thường phổ biến 2 dạng. Một số cơ sở nhỏ lẻ kết nối hình ảnh từ camera đến máy tính hoặc điện thoại của người chủ hoặc nhân viên, và không có quy định bài bản về quyền sử dụng dữ liệu; theo đó khi có sự cố xảy ra, giữa khách hàng và cơ sở dịch vụ có thể dễ dàng “tương tác” với nhau.
 
Trong khi đó, với những cơ sở kinh doanh theo chuỗi hoặc thuộc quyền quản lý của những thương hiệu lớn, hình ảnh dữ liệu camera kết nối về trung tâm dữ liệu đặt ở văn phòng DN, đồng thời có quy định bài bản về quyền truy xuất kho dữ liệu này; theo đó, khi bất ngờ xảy ra sự cố, tùy vào thời điểm, việc truy xuất dữ liệu phải thực hiện theo quy trình.
 
Đề cập đến vụ việc xảy ra tại quán cà phê Starbucks ở Q.1, luật sư (LS) Trần Khải Hoàn, Đoàn LS TP.Hà Nội, cho rằng trong các sự cố tương tự, nếu cơ sở càng trích xuất camera sớm thì càng hỗ trợ tích cực hơn trong việc phối hợp cùng làm rõ sự việc, chứng minh tội phạm và tìm lại tài sản cho khách hàng.
 
Theo LS Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, khi sự việc xảy ra, công an phường có mặt, lập biên bản và ghi lời khai diễn biến của các bên, có nhân chứng chứng kiến sự việc – đó là bước căn bản đầu tiên của việc ghi nhận nội dung tố giác tội phạm. “Đối với việc trích xuất cammera, có hai trường hợp xảy ra, đó là người sở hữu, người quản lý camera tự nguyện giao nộp hoặc cơ quan điều tra ra quyết định thu giữ. Dù là trường hợp nào thì phải lập biên bản thu giữ, sao chép dữ liệu”, ông Nghiêm cho hay.
 
LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng cả phía quán cà phê và công an phường “đều làm việc cứng nhắc”. Theo ông Nghiêm, tại thời điểm có mặt tại quán, nếu người dân và công an phường đề nghị phía Starbucks trích xuất camera nhưng quán không đồng ý, thì công an phường phải gọi điện báo cáo chỉ huy để đề nghị sự phối hợp của công an quận đến làm việc, yêu cầu người dân cung cấp camera để kịp thời điều tra sự việc. “Giá trị tài sản theo người dân báo là gần 40 triệu đồng, có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan chức năng phải truy xét, truy bắt kịp thời”, ông Nghiêm nói.
 
Kiểm sát viên Nguyễn Bé Tư (Viện KSND Q.5, TP.HCM) nhận xét: “Nguyên tắc điều tra phải nhanh chóng, kịp thời. Và theo quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), dữ liệu điện tử là một trong những nguồn được xem là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và người phạm tội. Vì vậy, khi có tin báo tố giác tội phạm, thì dù bất cứ giờ nào, các cơ quan được giao thẩm quyền điều tra, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương phải xuống hiện trường. Bản thân người dân, nếu có chứng cứ nào liên quan, hỗ trợ cho công tác điều tra cũng phải cung cấp kịp thời”, ông Tư nhấn mạnh.
 
Cũng theo kiểm sát viên Nguyễn Bé Tư, các vụ án liên quan đến an ninh trật tự xã hội, việc các cơ quan tiến hành tố tụng phá án thông qua camera người dân chủ động giao nộp rất nhiều. Ông Tư nói: “Đó là tinh thần chủ động phối hợp giữa các bên, chứ nếu chờ cơ quan điều tra yêu cầu hoặc có quyết định yêu cầu giao nộp chứng cứ thì việc tẩu tán tài sản có thể đã xảy ra. Ngoài việc bắt tội phạm còn phải đặt vấn đề ngăn chặn tẩu tán tài sản nữa”.
 
 
 
Đảm bảo công tác điều tra phá án
Theo một lãnh đạo của Công an Q.1 (TP.HCM): “Camera an ninh lắp đặt tại các phường, xã, công sở, địa điểm kinh doanh… là tai mắt cho lực lượng công an phòng ngừa, đấu tranh tội phạm kịp thời, hiệu quả. Để hiệu quả hơn, nếu camera ghi lại được cảnh trộm, cướp… nên cung cấp cho công an ngay để điều tra truy bắt thủ phạm. Nếu người dân tung lên mạng trước thì tội phạm bỏ trốn gây khó khăn cho công tác truy xét. Nếu trong quá trình điều tra xác định thủ phạm nhưng bỏ trốn thì lúc đó cơ quan điều tra sẽ dùng hình ảnh này nhờ cơ quan truyền thông đăng tải hỗ trợ để truy bắt”.

 

ĐÌNH PHÚ – PHAN THƯƠNG