23/01/2025

Bảo vệ ‘con đường sống’ cho bệnh nhân thận nhân tạo

Các bệnh nhân thận nhân tạo ở VN tập trung ở độ tuổi lao động: 40 – 60 tuổi.

 

Bảo vệ ‘con đường sống’ cho bệnh nhân thận nhân tạo

Các bệnh nhân thận nhân tạo ở VN tập trung ở độ tuổi lao động: 40 – 60 tuổi.


 
 

Bệnh nhân thận nhân tạo cần được hướng dẫn bảo vệ cầu tay	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Bệnh nhân thận nhân tạo cần được hướng dẫn bảo vệ cầu tay  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Nhiều bệnh nhân thận nhân tạo là người trẻ
TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết hiện nay VN chưa có thống kê đầy đủ về bệnh nhân thận nhân tạo trong cả nước. Riêng tại nội thành Hà Nội hiện có 22 đơn vị lọc máu với 2.300 bệnh nhân thận nhân tạo.
 
Các bệnh nhân thận nhân tạo ở VN tập trung ở độ tuổi 40 – 60, đây là những người trong độ tuổi lao động. Do bệnh nhân thận nhân tạo phải lọc máu chu kỳ trẻ tuổi nên chịu ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức lao động. Tuổi trung bình của bệnh nhân thận nhân tạo tại VN thấp hơn nhiều so với một số nước.
 
Trong đó, thống kê tại Nhật cho thấy tuổi trung bình của các bệnh nhân thận nhân tạo năm 2017 là 72 tuổi.
 
Nhiều bệnh nhân thận nhân tạo là người trẻ, do đó các bệnh nhân này sẽ trải qua hơn 10 năm chạy thận. Thực tế đó đã đặt ra vấn đề: tương lai lọc máu càng lâu thì càng có nguy cơ biến chứng nhiều (về tim mạch, xương khớp, nhiễm trùng…), trong đó có biến chứng đường vào mạch máu (là cầu tay – nơi chọc kim lấy máu ra, đưa máu về trong quá trình chạy thận nhân tạo).
 
Bảo vệ cầu tay như thế nào?
“Biến chứng cầu tay làm tăng chi phí điều trị cũng như giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân thận nhân tạo rất cần được phát hiện sớm suy thận và điều trị bảo tồn tránh phải lọc máu. Thời gian điều trị bảo tồn càng duy trì lâu càng tốt cho bệnh nhân”, bác sĩ Dũng lưu ý.
 
Với bệnh nhân đã có chỉ định chạy thận nhân tạo, các bác sĩ của Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thực hiện mổ thiết lập đường vào mạch máu cho bệnh nhân. Việc này giúp bảo vệ, chăm sóc cầu tay hiệu quả hơn cho bệnh nhân, bởi các bác sĩ là người trực tiếp sử dụng cầu tay nên họ hiểu rõ nhất những công việc cần thiết bảo vệ cầu tay tối ưu cho người bệnh.
 
Bác sĩ Dũng lưu ý, cầu tay chính là “con đường sống” của bệnh nhân thận nhân tạo. Mỗi tuần họ phải chọc kim rút máu tại cầu tay 6 lần, mỗi tháng chọc rút lấy máu 24 lần khiến mạch dễ bị xơ, hỏng, thậm chí nhiễm trùng…
 
Đáng lưu ý, các bệnh nhân suy thận có bệnh đái tháo đường thì mạch càng yếu, nguy cơ hỏng cầu tay cũng cao hơn.
 
Do vậy, bệnh nhân thận nhân tạo lọc máu chu kỳ cần được hướng dẫn bảo vệ cầu tay: giữ vệ sinh giảm nguy cơ gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng; sờ khẽ vùng mạch đặt cầu tay để biết có rung (giúp nhận biết được dòng máu trong lòng mạch chảy tốt)…
 
Ngoài ra, bên cánh tay làm cầu tay không được làm việc nặng, không được đo huyết áp, khi nằm không được tì đè, không gối lên cánh tay.
 
“Với những bệnh nhân cầu tay hoạt động tốt, chất lượng điều trị cao, chất lượng cuộc sống được nâng cao theo, nhờ đó chi phí điều trị tổng thể y tế cho bệnh nhân thận nhân tạo giảm xuống”, bác sĩ Dũng cho hay.
 
 
LIÊN CHÂU