22/01/2025

Sự trỗi dậy của sách nói và nỗi đau đầu kiểm duyệt

Cuộc gặp thường niên vào tháng 10 hằng năm của giới xuất bản toàn cầu trong Hội sách (Book Fair) lớn nhất thế giới tổ chức tại Frankfurt (Đức) mà năm nay là lần thứ 70, có gì lạ?

Sự trỗi dậy của sách nói và nỗi đau đầu kiểm duyệt

 

Cuộc gặp thường niên vào tháng 10 hằng năm của giới xuất bản toàn cầu trong Hội sách (Book Fair) lớn nhất thế giới tổ chức tại Frankfurt (Đức) mà năm nay là lần thứ 70, có gì lạ?

Sự trỗi dậy của sách nói và nỗi đau đầu kiểm duyệt - Ảnh 1.

Gian hàng của Việt Nam tại hội sách Frankfurt 2018 – Ảnh: V.T.H

Với khối lượng khổng lồ các xuất bản phẩm được trưng bày và một loạt hoạt động chuyên đề đầy đặn, hội sách Frankfurt 2018 thu hút ở rất nhiều điểm khác nhau: từ thông tin thị trường, các dự báo xu hướng cho đến các vấn đề đặc thù về chuyên môn trong ngành.

Hội chợ và thị trường

Trong phiên hội nghị về thị trường xuất bản, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin lạc quan về thị trường sách và xuất bản ở châu Âu.

Charlie Redmayne, CEO của Công ty xuất bản lớn HarperCollins (Anh), nhắc đến các dự báo bi quan ở thời điểm 10 năm trước, rằng sách giấy sẽ tuyệt chủng, để làm nổi bật khẳng định của ông rằng “sách chưa bao giờ và sẽ không bao giờ biến mất”.

Ngành xuất bản ở Anh đang trong giai đoạn có tăng trưởng nhờ sự quan tâm cao đến sách nói kỹ thuật số (digital audiobook) và cố gắng của các nhà xuất bản (NXB) trong việc tìm ra những người đọc mới bằng cách sắp đặt và tái định vị sản phẩm xuất bản.

HarperCollins đã thành công với quyển sách bán chạy Why Mommy Drinks của Gill Sims, vốn hình thành từ một blog. Charlie Redmayne cũng nhắc đến hợp đồng 250 triệu bảng của Amazon Studios với Tolkien Estate, HarperCollins và New Line Cinema để đưa phiên bản đã chỉnh cho phù hợp của Chúa tể của những chiếc nhẫn lên dịch vụ streaming của Amazon.

André Breedt, giám đốc điều hành của Nielsen Book Research International, cho biết “thị trường Anh đã tăng trưởng 0,5% tính đến thời điểm này của năm 2018”. Tăng trưởng cũng diễn ra ở các nước châu Âu khác, như Ireland (+6,3%), Tây Ban Nha (+0,4%) và Ý (+3,5%).

ASEAN được quan tâm

Lần đầu tiên tại Frankfurt, ASEAN được quan tâm đặc biệt với một không gian sự kiện riêng và một chương trình sinh hoạt chuyên đề xuyên suốt với 20 chủ đề khác nhau, từ văn học thiếu nhi, văn học trẻ, xuất bản phục vụ giáo dục đến phục vụ tôn giáo.

Với dân số 600 triệu người, trẻ và khao khát công nghệ, ASEAN thật sự là một thị trường tốt của ngành xuất bản, nhất là khi khả năng tự sản xuất nội dung của các nước này chưa thể so sánh được với các nước Âu – Mỹ. Một trong các câu hỏi lớn của các NXB đến từ các nước tiên tiến là làm thế nào bán được nhiều bản quyền hơn nữa cho thị trường ASEAN.

Các nước ASEAN đem đến đây nhiều xuất bản phẩm. Tuy nhiên, do nhiều rào cản như ngôn ngữ và chất lượng nội dung, mục tiêu chủ yếu vẫn chỉ là giới thiệu hình ảnh quốc gia và giao lưu, khó có cơ hội chào bán.

Năm nay gian hàng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể về diện tích và số lượng xuất bản phẩm được trưng bày, nhưng thiết kế mỹ thuật của gian hàng chưa được chăm chút, khó đảm đương được vai trò đại diện cho hình ảnh quốc gia ở một sự kiện có tầm vóc như Hội sách Frankfurt, nhất là khi đặt trong tương quan chung với khu vực trưng bày của các quốc gia lân bang, chẳng hạn Indonesia, nơi có một gian trưng bày được khách tham quan đánh giá cao về thẩm mỹ và độ tinh tế.

Sự trỗi dậy của sách nói và nỗi đau đầu kiểm duyệt - Ảnh 2.

Gian hàng của Amazon tại Hội sách Frankfurt 2018 – Ảnh: V.T.H

Xu hướng tích cực của sách nói

Sự tăng trưởng ở mức hai con số của thị trường sách nói kỹ thuật số được xem là xu hướng đáng kể nhất trong ngành xuất bản. Bà Michele Cobb từ Audio Publishers Association (Hiệp hội các nhà xuất bản sách nói) cho rằng sách nói đang là câu chuyện thành công.

Bà có đủ số liệu để bảo vệ quan điểm của mình: ở Mỹ, doanh số của sách nói tăng 34%. Còn ở Anh, so với thời điểm tháng 11-2017, sách nói tăng 16% doanh số và 18% số lượng. Ở Nhật, doanh số tăng 5% và số lượng tăng 30%.

Ở Pháp, trong khi doanh số của đĩa CD giảm 9% thì sách nói kỹ thuật số tăng 75% doanh số và 85% số lượng. Ở Ý, các con số tương ứng là 51% và 81%.

Sách nói đem đến cho người nghe sự trải nghiệm thú vị: người ta không nghe sách nói trong khi làm việc khác như nghe nhạc, nhiều người cho biết họ dành toàn thời gian để nghe sách nói như một phương tiện vừa giải trí và thư giãn quan trọng.

Markus Dohle, đại diện của Penguin Random House, cho rằng “nghe là một cách đọc mới”. Sách nói đang đưa chúng ta quay lại với trải nghiệm vốn có từ trước khi có sách in: mọi người quây quần bên đống lửa và nghe các câu chuyện bắt đầu với “ngày xửa ngày xưa”.

Chỉ khác là giờ đây thay cho đống lửa là loa thông minh (smart speaker), mà chỉ riêng tại Mỹ hiện nay đã có 54,4 triệu cái đã được bán ra, với dự báo tăng gấp đôi vào năm 2020.

Trước một xu hướng rõ rệt như thế, các đơn vị sản xuất nội dung phải nghĩ khác và làm khác. Người đọc bây giờ là người nghe; họ sẽ truy cập kho nội dung để nghe chứ không mua và sở hữu bất cứ quyển sách nào.

Để tạo thuận lợi cho người nghe, khuyến khích họ theo đuổi một nội dung nào đó, nội dung đó sẽ được cắt thành các đoạn ngắn, mỗi đoạn dài ba phút, chẳng hạn. Các tác giả đã bắt đầu thấy được xu hướng này và yêu cầu tác phẩm của họ được xuất bản dưới cả hai hình thức cùng lúc: sách giấy và sách nói.

Ai cũng muốn có một trải nghiệm độc đáo là được nghe chính cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đọc quyển tự truyện Becoming của mình; và thế là đích thân bà phải làm việc nhiều ngày trong phòng thu để tác phẩm đến với độc giả và thính giả một cách trọn vẹn.

Pieter Swinkels từ Rakuten Kobo, công ty Canada chuyên cung cấp sách điện tử, sách nói và công cụ hỗ trợ, nói rằng chính sách nói đưa người đọc quay lại với sách.

Kobo cũng sở hữu nền tảng Kobo Writing Life, phục vụ việc tự xuất bản (self-publishing) và xuất bản nội dung ngắn (micro-publishing), là nơi đang ghi nhận sự tăng trưởng lớn của các nội dung liên hoàn nhiều kỳ và nội dung ngắn.

Sự trỗi dậy của sách nói và nỗi đau đầu kiểm duyệt - Ảnh 3.

Gian hàng của Indonesia tại Hội sách Frankfurt 2018 – Ảnh: V.T.H

Tự kiểm duyệt và đạo đức trong xuất bản

Trong chuyên đề “Xuất bản và đạo đức” (Publishing and Morality), chuyện tự kiểm duyệt và đạo đức trong xuất bản được đặt ra như một vấn đề ngày càng lớn đối với các đơn vị xuất bản. Fabrice Piault, tổng biên tập tạp chí Livres Hebdo, cho biết tự kiểm duyệt đang nổi lên ở Pháp “vì sức ép từ các vận động hành lang và từ các cộng đồng xã hội trực tuyến”.

Ông dẫn trường hợp một quyển sách dành cho người lớn, dù đã được đánh dấu đúng quy định nhưng vẫn bị nhiều chuỗi cửa hàng sách gỡ khỏi kệ và có hẳn một kháng nghị trực tuyến chống lại nó.

Các áp lực như thế ngày càng nhiều, chẳng hạn người ta chống lại bài báo của một tác giả nào đó có quan điểm bài Do Thái, cho dù bài báo đã được đăng kèm bình luận và giải thích. Arpita Das, từ Yoda Press, xác nhận rằng tự kiểm duyệt cũng là vấn đề ở Ấn Độ, nơi mà chính quyền khá bảo thủ và hơi hà khắc.

Từ thực tế đó, các diễn giả đặt câu hỏi về vai trò của các “tỉnh táo viên”, hay còn gọi là “người đọc nhạy cảm” (sensitivity reader) trong bộ máy của các đơn vị xuất bản, có phải là nỗi sợ vi phạm, nỗi sợ làm mất lòng người khác đã khuyến khích chuyện tự kiểm duyệt.

Sách và ngành xuất bản có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta, nên mỗi biến động liên quan đến chúng luôn được chú ý ở mức độ cao nhất.

Sách chuyên chở tri thức để thúc đẩy sự thay đổi của thế giới, đem đến các biến chuyển ngày một tích cực hơn, thế nhưng chính ngành xuất bản – là ngành kinh tế làm ra quyển sách – có khi lại phản ứng không kịp trước các biến chuyển đó và không ít khi đã tự đặt mình vào vị trí chịu nhiều thất thế.

Một sự kiện lớn như Hội sách Frankfurt hằng năm thật sự đem đến rất nhiều gợi ý cho những ai làm việc trong lĩnh vực xuất bản, giúp họ điều chỉnh để thích nghi.■

Plan S: một đề xuất gây tranh cãi

Plan S là tên gọi của kế hoạch do Ủy ban Nghiên cứu châu Âu đề ra vào đầu tháng 9-2018, dự kiến triển khai năm 2020, theo đó nhóm các nhà tài trợ chính cho nghiên cứu khoa học ở châu Âu yêu cầu các bài báo là kết quả của các nghiên cứu do họ tài trợ cần phải được công bố nhanh nhất dưới dạng truy cập mở (open access).

Chữ S trong tên gọi Plan S được cho là đại diện cho các chữ science (khoa học), speed (tốc độ), solution (giải pháp) và shock (sốc). Những người đề xướng kế hoạch này cho rằng không thể để các thành tựu khoa học bị nhốt kín chỉ vì tiền bạc, mà người đọc chỉ có thể tiếp cận được chúng sau khi trả phí.

Đây là một kế hoạch có tác động rất lớn đến các nhà xuất bản trong lĩnh vực xuất bản học thuật, vì nguồn thu của họ chủ yếu đến từ việc bán quyền đọc nội dung các bài báo khoa học.

Đại diện của các nhà xuất bản học thuật cho thấy sự lo lắng của họ trước kế hoạch này, nên dẫn ra nhiều lý do để phải xem xét lại kế hoạch, từ sự phức tạp về pháp lý khi các đồng tác giả của một bài báo khoa học lại đến từ nước khác ngoài châu Âu, cho đến tình huống là các nhà xuất bản ở Mỹ chẳng hạn sẽ từ chối xuất bản các nội dung của các tác giả châu Âu, dẫn đến những ngăn cách gây thiệt thòi cho giới làm khoa học.

Có ý kiến nói thẳng vào vấn đề là nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của ngành xuất bản học thuật, vốn từ lâu đã có vai trò ổn định và đóng góp tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

Các tranh cãi xung quanh vấn đề này chắc chắn còn kéo dài. Điểm đáng lưu tâm ở đây chính là tính điển hình của câu chuyện: một chính sách có mục tiêu xã hội rất đáng được ủng hộ lại có thể gây ra những vấn đề về kinh tế rất đáng phải xem xét.

Khu vực giao dịch bản quyền chính thức của Hội chợ (Literary Agents & Scouts Centre) tăng trưởng so với năm 2017: 528 bàn giao dịch được đăng ký (2017: 500 bàn), 795 nhà môi giới (2017: 788) và 337 đơn vị môi giới (2017: 321) đến từ 31 quốc gia, trong đó có 19 đơn vị môi giới mới.