23/01/2025

Sao người lớn cứ vứt rác bừa bãi?

Nhiều trẻ em có thói quen nhặt rác, lượm rác mọi lúc mọi nơi từ khi học mầm non. Và không ít lần phụ huynh bối rối khi trẻ hỏi: Vì sao người lớn hay xả xác bừa bãi?

Sao người lớn cứ vứt rác bừa bãi?

 

Nhiều trẻ em có thói quen nhặt rác, lượm rác mọi lúc mọi nơi từ khi học mầm non. Và không ít lần phụ huynh bối rối khi trẻ hỏi: Vì sao người lớn hay xả xác bừa bãi?

Sao người lớn cứ vứt rác bừa bãi? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá học cách phân loại rác – Ảnh: T.B.

“Người lớn xả rác bừa bãi, sao làm gương cho tụi con được?” – em Phạm Vũ Hải (học sinh lớp 5/8 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) chia sẻ khi trò chuyện.

Ai làm gương cho trẻ?

Sau một lần Hải xem chương trình về bảo vệ môi trường trên tivi, em đã chủ động đi nhặt rác xung quanh nơi ở của nhà mình – chị Nhung, mẹ của Hải, kể.

“Con thấy chuyện xả rác đang trở nên nghiêm trọng hơn. Người lớn biết chuyện đó nhưng lại vẫn cứ xả rác. Con cảm thấy buồn, vì sao các bạn con biết bỏ rác đúng nơi quy định, biết phân loại rác nhưng xung quanh người lớn cứ vứt rác bừa bãi?” – Hải nói.

Còn em Lê Văn Toàn, học sinh Trường THCS Trường Thọ (Q.Thủ Đức, TP.HCM), bày tỏ bức xúc về việc xả rác ở bãi biển: “Đi du lịch biển, mọi người thích ăn uống tại bờ biển, nhiều người bỏ rác tại chỗ.

Nhiều khi ăn xong thì chỗ đó thành đống rác. Xong rồi lại cùng than phiền tại sao biển dơ quá!

Em nghĩ cho dù bận rộn, vội vã gì đi nữa, mọi người cũng nhớ bỏ rác đúng nơi quy định. Ví dụ như khi đi ăn, dù có người dọn dẹp bàn trước và sau khi mình ăn cũng không nên bày bừa trên bàn và dưới đất.

Khi dùng xong khăn giấy, ai cũng phải tự ý thức gom khăn đã sử dụng bỏ vào sọt rác, không có sọt thì dồn lại một chỗ để dễ dàng thu gom và dọn dẹp.

Em đã quen những chuyện dọn rác vì ở nhà em hay quét rác, nhặt rác gần nhà, ở công viên vào cuối tuần rảnh rỗi”.

Những lời nhắc khéo

Chị Nguyễn Thu Nga, một phụ huynh có con học lớp 2 ở Q.3, TP.HCM, kể: “Một lần, trên đường tới trường con hỏi tôi: “Mẹ ơi, thầy cô dặn tụi con không xả rác ngoài đường, sao nhiều cô chú vẫn bỏ đầy ở đây vậy? Hồi nhỏ, mẹ đi học, thầy cô có dặn mẹ đừng xả rác không? Mẹ có bỏ rác ra đường không?”.

Câu hỏi hồn nhiên nhưng khiến người lớn giật mình. Và trả lời trẻ như thế nào cho thuyết phục đây khi người lớn (có khi là mình) cũng bỏ rác lung tung ngay trước mắt con. Có ai từng bị “nhột” như tôi chưa?”.

Anh Đức Hải, có con học Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, kể: “Một lần đón con, tôi thấy một học sinh lớp 1 cầm túi nilông và vỏ hộp sữa, khi con leo lên xe, bà ngoại nói: “Rác rến sao không bỏ đi, cầm về chi vậy con?” rồi bà cầm túi rác ném ngay xuống lề đường, gần miệng cống.

Trên đường về, một chiếc xe buýt vượt qua, ai đó trên xe thẳng tay ném vỏ chai nước suối lăn lông lốc xuống đường, một chị đi xe máy trượt bánh xe suýt té.

Con tôi nói: “Bữa nay xui, gặp nhiều người xả rác quá, người lớn xả rác bị bắt gặp có bị phạt như tụi con không ba?”. Tôi nghĩ là con nhắc khéo mình chứ còn gì nữa! Lần sau, cầm rác trên tay phải nhớ lời con…”.

Cô Tống Thị Mai Hương, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, nói: “Trẻ em luôn nhìn hành động của người lớn như một tấm gương để noi theo.

Từ những hành động nhỏ của người lớn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định hay phân loại rác sẽ có ý nghĩa lớn trong việc tác động đến suy nghĩ và hành vi của trẻ trong việc bảo vệ môi trường”.