Khổ như ở nơi chờ tin người bệnh
Nhiều bệnh viện cơ sở vật chất chật hẹp, giường cho bệnh nhân còn chưa đủ, nên làm nhà lưu trú cho thân nhân là không dễ.
Khổ như ở nơi chờ tin người bệnh
Nhiều bệnh viện cơ sở vật chất chật hẹp, giường cho bệnh nhân còn chưa đủ, nên làm nhà lưu trú cho thân nhân là không dễ.
Thân nhân bệnh nhân ở ngoài, lân cận trại 25 Bệnh viện Chợ Rẫy ẢNH: DUY TÍNH
Buổi trưa, sau cơn mưa, trời Sài Gòn nóng hầm hập, trong khuôn viên nhỏ ở trại 25 (T25), nhiều người lố nhố dọn “bãi chiến trường” ướt nhẹp. Trại là nơi lưu trú dành cho thân nhân chờ tin những bệnh nhân (BN) nặng đang hồi sức cấp cứu, BN phải cách ly điều trị tại các khoa phòng của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Ai từng nuôi bệnh hồi sức cấp cứu thì mới biết khổ ra sao.
Giăng bạt che mưa nắng để ngủ nghỉ bên hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy
|
Chờ tin người thân
T25 rộng khoảng 400 m2, lợp tôn, có một khu nhà vệ sinh nho nhỏ, với 7 cây quạt công nghiệp, những lúc nắng, hơi nóng toả hầm hập. Người nào đến trước còn được chỗ ngả lưng trên những tấm ván kê san sát nhau, chen chúc. Số còn lại nằm trên 1 ghế đá, co người lại. 7 chiếc quạt chạy vù vù thế nhưng nhiều ông vẫn phải cởi trần, tay cầm quạt quạt liên hồi. Một số khác thì ra bên ngoài xung quanh T25, hễ trời mát thì họ trải chiếu ra đường đi nằm, trời nắng hoặc mưa thì chen chúc vào khu vực lân cận.
Cuộc sống ở BV chờ tin người thân cứ thế diễn ra hằng ngày, hằng tháng…
Thấy chúng tôi, vợ chồng ông Đ.T.H (50 tuổi, ngụ Nam Định) vén tấm bạt, nhìn. Ông H. nói: “Trời mưa quá nên lấy bạt che lại, giờ tạnh rồi!”.
Bên cạnh đó nhiều người khác đang say ngủ dưới tấm bạt che tạm này. Tấm bạt đầu trên cao được cột dây vào các móc dán vào vách nhà, đầu còn lại được đè lên bởi các can nước 5 lít.
“Bình thường thì vợ chồng tôi nằm ngoài vỉa hè đối diện, nắng thì chạy, mưa cũng chạy. May quá 3 ngày trước có người xuất viện nên trống chỗ này, vợ chồng tôi mới có chỗ”, vợ ông H. cho hay.
Ông H. tâm sự, đứa con trai đầu lòng là Đ.V.G (23 tuổi) bị tai nạn giao thông nên vợ chồng ông gom góp, vay mượn tiền bạc của bà con tức tốc vào Sài Gòn chăm con. Mới 10 ngày mà tiêu tốn cả trăm triệu đồng. Ông bà nằm chờ tin con và chỉ dám ăn cơm từ thiện để dành tiền trả viện phí. Ngặt nỗi, thận có vấn đề nên hằng ngày ông đi vệ sinh rất nhiều lần. Chỉ tính tiền vệ sinh thì riêng ông đã tốn 20.000 đồng/ngày.
Ông T.B.N (58 tuổi, ngụ Tiền Giang) vừa phe phẩy cây quạt nhựa, vừa đọc báo. Ông than mình phải bấm bụng mua cái quạt nhựa 12.000 đồng vì thời tiết nóng quá.
Cũng đã 10 ngày trôi qua mà vợ ông bị bệnh nhiễm trùng huyết chưa ra được khỏi phòng hồi sức. Cũng ngần ấy thời gian ông được nhập “biên chế” ở T25, nhưng không phải ở trong trại mà ở nơi công trình chưa sử dụng của nhà lưu trú BV Chợ Rẫy.
Những tấm chiếu của người mới đè lên tấm chiếu của người cũ bỏ lại, sát nhau; chỗ thì có người ngồi, nằm, chỗ khác thì chỉ có mấy cái ba lô mà theo ông Nam là: “Do nóng quá bà con phải đi ra chỗ khác hóng mát chứ người “da kề da” giữa trưa thế này thì ai chịu cho nổi”.
Một người bệnh kèm 5 – 6 thân nhân
Đại diện BV Chợ Rẫy cho hay, hiện tại có 300 thân nhân BN lưu trú tại T25 để chờ thông tin. Khu vực T25 đang bị quá tải do nhiều BN có đến 5 – 6 người nuôi bệnh; một số người ngoài cũng vào đây nằm. BV thu phí nhà vệ sinh với giá 2.000 đồng (gồm tắm, giặt, đi vệ sinh). Giá thu này tạm thời chỉ hỗ trợ để bù lỗ cho chi phí thuê nhân công làm sạch, điện, nước, giấy vệ sinh và cũng đã thông qua lãnh đạo BV, phòng tài chính.
Nhà lưu trú thân nhân bệnh nhân BV Bệnh nhiệt đới
|
Khu nhà nghỉ mới dành cho thân nhân BN lưu trú BV Chợ Rẫy dự kiến sẽ đi vào hoạt động tới đây. Khu này gồm 58 phòng với 304 giường; được trang bị quạt, ti vi và nhà vệ sinh, hoặc có máy lạnh, ti vi… (tùy phòng). Để có mức giá phù hợp cũng như duy trì, bảo dưỡng tòa nhà, BV đang tham khảo nhiều mô hình và sẽ công khai giá khi đưa vào sử dụng khu nhà nghỉ này. Riêng tầng trệt và mặt bằng cũ là khu tiếp nhận và dành cho thân nhân BN miễn phí. Khi nhà nghỉ cho thân nhân BN đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi cho những BN ở xa khi có chỉ định cận lâm sàng hôm sau có kết quả; những thân nhân có BN nằm phòng hậu phẫu, hồi sức cấp cứu… có điều kiện sẽ đăng ký để nghỉ ngơi trong thời gian nuôi bệnh.
Nhiều thân nhân BN tại BV Chợ Rẫy bày tỏ nguyện vọng có một nhà lưu trú giá rẻ, có thể họ sẽ kham nổi. Nếu giá cao thì họ chịu cảnh nằm vật vạ ở BV.
Nhà lưu trú chỉ 10.000 đồng/ngày
Khu nhà lưu trú BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM nhiều năm trước khung cảnh cũng không khá hơn ở BV Chợ Rẫy. Thân nhân BN cũng xếp chiếu san sát nhau dưới nền gạch. Thân nhân BN ở khu này thời gian phải tính bằng tháng, vì đa số là bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng hôn mê nên điều trị rất lâu.
TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết từ 2 năm qua, do khu này xuống cấp, BV đã dùng kinh phí của mình xây dựng một khu riêng với 70 giường (giường tầng) dành cho thân nhân BN khu hồi sức cấp cứu. Khu mới có 4 nhà vệ sinh, nơi giặt giũ, phơi đồ và có cả wifi miễn phí. BV cử luôn nhân viên vệ sinh lau dọn và dẹp rác mỗi ngày. Phục vụ thân nhân BN là chính nên BV chỉ thu 10.000 đồng/BN/thân nhân (mỗi BN chỉ được ở một thân nhân) và tính vào viện phí.
Để tránh trường hợp không phải người nuôi bệnh nhưng vào ở chờ cơ hội móc túi, trộm cắp như từng xảy ra, BV đã cấp cho mỗi người một thẻ nuôi bệnh, cũng là thẻ thăm bệnh và do bảo vệ quản lý. BV đang triển khai thêm 2 nhà vệ sinh, tủ có ổ khóa dành cho người ở khu vực này.
Tuy nhiên, BV vẫn tuyên truyền cho bà con bảo vệ tài sản, tiết kiệm điện nước, giữ vệ sinh.
Nhiều thân nhân BN ở BV này cho biết với giá 10.000 đồng/ngày là chấp nhận được, vì nếu cao hơn thì họ khó xoay xở trong hoàn cảnh người thân bệnh nặng, viện phí cao, nằm viện dài ngày.
|
DUY TÍNH