Hội thảo Thánh Nhạc lần thứ 43
Mỗi lần Đại hội hoặc Hội thảo, một chuyên viên về âm nhạc và phụng vụ được mời trình bày một đề tài mang tính học thuật, như: Tính tôn giáo và văn chương trong bản văn Thánh ca; Hội nhập văn hóa Nhạc Phụng vụ tại Việt Nam; Tổng quát nhạc Bình ca; Một số kiểu âm nhạc Tây phương;…
Từ ngày thành lập đến nay, cứ mỗi năm 2 lần, Uỷ ban Thánh nhạc (UBTN) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đều tổ chức Đại hội hoặc Hội thảo về Thánh nhạc.
Mỗi lần Đại hội hoặc Hội thảo, một chuyên viên về âm nhạc và phụng vụ được mời trình bày một đề tài mang tính học thuật, như: Tính tôn giáo và văn chương trong bản văn Thánh ca; Hội nhập văn hóa Nhạc Phụng vụ tại Việt Nam; Tổng quát nhạc Bình ca; Một số kiểu âm nhạc Tây phương;…
Nhưng Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 43 vừa qua (từ 8g00 đến 11g40, ngày thứ Ba, 16 tháng Mười năm 2018, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sàigòn-TPHCM) lại khác. Hội thảo lần này, thay vì tập trung vào bài thuyết trình của một nhà chuyên môn, các hội thảo viên (190 người) lần lượt lắng nghe các linh mục trưởng ban Thánh nhạc giáo phận và đại chủng viện kể chuyện hoạt động mục vụ thánh nhạc của địa phương mình trong gần 2 năm qua (2017-2018), trao đổi kinh nghiệm về mọi mặt sinh hoạt thánh nhạc, cũng như chia sẻ ước mơ hoạt động thánh nhạc trong tương lai.
1. Kể chuyện thuận lợi và khó khăn của mỗi giáo phận
Thuận lợi
Nhờ có văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc của HĐGMVN (HDMVTN) chính thức áp dụng từ ngày 28 tháng 4 năm 2017, các linh mục trưởng ban và đặc trách thánh nhạc có một cẩm nang (một kim chỉ nam) thống nhất đê hướng dẫn các ca đoàn, các ca trưởng, các nhạc sĩ trong việc sử dụng thánh ca cho đúng ý muốn của Giáo hội (không còn chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược nữa). Tập văn kiện này còn được các giáo phận, các giáo xứ và các cộng đoàn chủng viện, dòng tu đón nhận, hưởng ứng và tìm hiểu.
Hầu hết các nơi đã tổ chức các buổi gặp gỡ trong giáo phận hoặc cộng đoàn dòng tu học hỏi và tìm hiểu văn kiện này.
Riêng Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Sài Gòn và Xuân Lộc dành hẳn một năm để các chủng sinh (linh mục tương lai) tìm hiểu kỹ lưỡng 232 số của văn kiện HDMVTN do các cha giáo thánh nhạc phụ trách.
Các ban thánh nhạc cũng có nhiều sáng kiến để thúc đẩy các nhạc sĩ có thêm những sáng tác thánh ca mới đáp ứng những nhu cầu mục vụ cụ thể của địa phương, đặc biệt các giáo phận có các cộng đoàn nói các thứ tiếng dân tộc ít người (Ban Mê Thuột, Kontum)
– Khó khăn
1.1: Khó khăn về huấn luyện nhân sự khi địa bàn quá rộng lớn, khó tập trung hết được như: các Giáo phận: Hưng Hóa, Phú Cường, Ban Mê Thuột, Qui Nhơn, …
1.2: Về nhân sự: đa phần các trưởng ban được Đức cha giáo phận chỉ định vì các cha năng động, nhiệt thành và ham mê thánh nhạc, cần được nâng cao chuyên môn hơn nữa ngõ hầu được các cha và các ca đoàn cộng tác tích cực giúp phần phát triển nên thánh nhạc giáo phận và dòng tu.
2. Trao đổi kinh nghiệm
Khi lắng nghe những kinh nghiệm hoạt động của mỗi giáo phận, các hội thảo viên đã cảm nhận: mặc dầu cái khó bó cái khôn, nhưng đồng thời chính hoàn cảnh khó khăn lại thúc đẩy các ban thánh nhạc cố gắng suy tư và bàn bạc với nhiều sáng kiến sinh hoạt thánh nhạc. Bởi vì ai cũng ý thức mọi sinh hoạt thánh nhạc “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa” và tầm quan trọng của tinh thần làm việc chung giữa các thành viên trong các ban mục vụ thánh nhạc giáo phận. Như: nhiều giáo phận nhờ các cha phụ trách từng giáo hạt hoặc cụm hạt; – chia thành nhiều đợt huấn luyện theo từng cụm hạt khi tổ chức học hỏi thánh nhạc, giao lưu; – gặp gỡ chung các ca đoàn, ban kèn vào một thời điểm cố định trong năm như ngày lễ Bổn mạng của Ban thánh nhạc giáo phận; – soạn bài hát chung cho từng Chúa Nhật…
3. Chia sẻ ước mơ
Từ những câu chuyện quá khứ, trăn trở hiện tại, các cha trưởng ban thánh nhạc giáo phận đã nhiệt thành gửi đến cho nhau những thao thức và ước mơ sẽ đến:
– UBTN sớm đăng lên trang mạng của HĐGMVN các bài thánh ca đã được chỉnh sửa và in trong tuyển tập Thánh Ca Việt Nam (1 và 2).
– Xin Đức cha chủ tịch UBTN đề nghị với các vị chủ chăn của các giáo phận nhắc nhở các cha trong giáo phận mình quan tâm hơn nữa đến việc ca hát trong Phụng vụ. Nếu được, mỗi giáo phận nên cử linh mục đi học về thánh nhạc (trong hoặc ngoài nước).
– UBTN sớm hoàn thành tập sách Giải thích cụ thể một số điểm trong văn kiện HDMVTN để các cha trưởng ban có tài liệu giúp cho ca trưởng và ca đoàn nắm vững các chỉ dẫn về thánh nhạc mà HĐGMVN đã ban hành.
– Và nhiều ước mơ khác nữa cho sự phát triển nền Thánh nhạc Việt Nam.
Với 20 câu chuyện về thánh nhạc của 20 giáo phận và 1 câu chuyện của Ban thánh nhạc Đại chủng viện thánh Giuse Saigòn, Hội thảo lần thứ 43 đã để lại nhiều kỷ niệm và dấu ấn sâu sắc cho các hội thảo viên. Đây cũng là lần hội thảo có đầy đủ nhất các ban thánh nhạc các giáo phận, chủng viện và những đúc kết của Hội thảo cũng hết sức cụ thể và mang tính mục vụ cao.
Lm. Nguyễn Duy
Thư ký UBTN-HĐGMVN