Gian nan siết các kênh trực tuyến ‘rác’
Việc nở rộ các kênh YouTube, truyền hình trực tuyến dẫn đến tình trạng ‘loạn’ nội dung, trong đó nhiều thông tin phản cảm, dung tục, trái thuần phong mỹ tục… vẫn được phát nhan nhản.
Gian nan siết các kênh trực tuyến ‘rác’
Việc nở rộ các kênh YouTube, truyền hình trực tuyến dẫn đến tình trạng ‘loạn’ nội dung, trong đó nhiều thông tin phản cảm, dung tục, trái thuần phong mỹ tục… vẫn được phát nhan nhản.Hình ảnh trong video clip Ai hôn giỏi nhất bị dư luận phản ứng ẢNH CẮT TỪ CLIP
Việc kênh Date&Kiss phải dừng phát game show cùng tên (mang nội dung phản cảm khi cho giới trẻ hôn để hẹn hò) sau khi bị phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng và các cơ quan chức năng, đã nhận được sự đồng tình của hàng triệu khán giả. Tuy nhiên, không phải cuộc phản ứng nào cũng có tác dụng để các kênh trực tuyến chỉnh sửa. Vẫn còn đó các video clip mà nội dung gây tranh cãi, hoang mang cho giới trẻ bởi nội dung nhạy cảm, dung tục. Ví như cuộc thi Ai hôn giỏi nhất, Quần lót của ai? bàn về cách hôn, “thử hôn” của Tikka Hoàng Hiền; kênh YouTube Vibe Digital với nhiều trò chơi “sốc”, thô thiển từ game show Dare Pong được phát hằng tuần… Mới đây, xem một vài nội dung được phát trên kênh trực tuyến dành cho giới trẻ tại www.vlive.tv, nhiều khán giả đã phải lắc đầu. Như câu chuyện diễn viên T.Trần kể về việc bị một đại gia “gạ tình” trên xe đưa cô về nhà sau khi ông này đã trả 33 triệu đồng chi phí tiệc sinh nhật của cô, bằng những từ ngữ… kinh khủng. Rồi chuyện “riêng tư” liên quan đến chồng được cô kể ra rả như… phim hài. Hơn 1 tháng phát sóng, clip của cô thu hút gần 1 triệu lượt theo dõi, trong đó có hàng ngàn phản ứng nặng nề về độ “lầy”.
|
Đó là chưa kể các kênh YouTube riêng ở tài khoản của PewPew, NDT Gaming, TrauTv… luôn có các câu chuyện mà khách mời, MC dùng những từ ngữ thiếu tế nhị, cả chuyện văng tục, chửi thề được thể hiện thoải mái. Nhiều người thắc mắc tại sao họ là những YouTuber có hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt theo dõi, tương tác (subscribe) lại có các cuộc đối thoại giữa MC và người chơi phần lớn chỉ xoay quanh những chuyện nhạy cảm? Không chỉ phát tán tiếng Việt, có kênh còn chuyển ngữ tiếng Anh chạy phụ đề, như kênh vlive.tv.
“Việc quản lý, ngăn chặn các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật, nội dung độc hại trên môi trường mạng là công việc khó khăn. Các đối tượng vi phạm thường chui lủi, lẩn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, của cộng đồng bằng thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi. Họ ẩn danh hoặc đưa ra thông tin cá nhân giả mạo, sử dụng dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào VN… Thời gian qua, Bộ TT-TT đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi cung cấp trên môi trường mạng nội dung vi phạm quy định pháp luật, không phù hợp đạo đức xã hội, truyền thống văn hoá VN. Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của mỗi thành viên trong cộng đồng khi tham gia tương tác, bày tỏ thái độ và ứng xử có trách nhiệm”.
Ông Ngô Huy Toàn
(Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ TT-TT) |
DẠ LY