Kế hoạch của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN do ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV ký, đã trình lên Bộ GD-ĐT, kiến nghị Bộ có ý kiến đồng thuận để báo cáo Bộ Tài chính cho phép tăng giá sách giáo khoa (SGK) hiện hành “để có cơ sở làm căn cứ thực hiện chiến lược phát triển và tầm nhìn đến năm 2022”. Lý do tăng giá mà NXB Giáo dục đưa ra “vì hiện nay hoạt động sản xuất – kinh doanh SGK đang bị lỗ” khiến dư luận khá sốc, vì lâu nay mảng “làm SGK” luôn được nhiều NXB mơ ước, nhưng chỉ NXB Giáo dục độc quyền.
Lỗ thêm nặng vì khoản “hoa hồng” trung gian
NXB Giáo dục là công ty TNHH MTV do Bộ GD-ĐT nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước duy nhất trong lĩnh vực xuất bản hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con với quy mô lớn. Công ty mẹ có 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc là những đơn vị thuộc lĩnh vực xuất bản – báo chí, nhà nước nắm giữ 100% vốn. Công ty cổ phần có vốn góp, tính đến thời điểm 31.12.2016 là 52 đơn vị, trong đó 11 công ty NXB Giáo dục sở hữu trên 50%, 26 công ty NXB Giáo dục sở hữu từ 20 – 50% và 15 công ty NXB Giáo dục sở hữu dưới 20% vốn điều lệ. Tổng số lao động hơn 3.000 người, trong đó công ty mẹ khoảng 258 người, các công ty thành viên khoảng 2.800 người.
|
|
|
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua, dự thảo báo cáo của ủy ban này chỉ ra mức chi chiết khấu phát hành SGK hàng trăm tỉ đồng/năm là khá cao, chưa phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh
|
|
|
|
|
|
Với SGK, NXB Giáo dục được giao độc quyền tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế – minh họa, đăng ký xuất bản, in và phát hành. Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của của đơn vị này cho thấy, riêng sản lượng SGK đã tăng mạnh trong các năm gần đây: năm 2015 hơn 101 triệu bản, năm 2016 tăng lên gần 109 triệu bản và năm 2017 là gần 108 triệu bản. Tổng doanh thu của NXB Giáo dục năm 2015 đạt 1.041 tỉ đồng, năm 2016 tăng lên 1.147 tỉ đồng và năm 2017 tiếp tục tăng lên 1.203 tỉ đồng. Riêng doanh thu SGK năm 2015 hơn 656 tỉ đồng, nhưng NXB báo lỗ 43,8 tỉ đồng; năm 2016 hơn 735 tỉ đồng, báo lỗ 43,3 tỉ đồng; năm 2017 khoảng 703 tỉ đồng, báo lỗ 38,14 tỉ đồng.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua, dự thảo báo cáo của uỷ ban này chỉ ra mức chi chiết khấu phát hành SGK hàng trăm tỉ đồng/năm là khá cao, chưa phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.
Vì sao có sự bất thường này và có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm từ độc quyền SGK?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2010, tại Văn bản số 1983/CV-NXBGDVN, NXB Giáo dục áp dụng mức chiết khấu chung 20% đối với tất cả các đối tác là các công ty sách – thiết bị trường học địa phương. Tuy nhiên, việc chi hoa hồng “đẻ” thêm một khoản, và khoản này “rơi” vào túi các công ty con của NXB Giáo dục. Cụ thể, trong nội bộ, NXB Giáo dục chi hoa hồng 25% đến 4 công ty sách – thiết bị trường học: miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Cửu Long. Các công ty con này “hưởng” 5%, và chi lại hoa hồng cho các công ty phát hành sách – thiết bị trường học ở địa phương 20%. Thực chất của việc phát hành qua tầng nấc trung gian này là gì, phải chăng có lợi ích nhóm, bởi nếu phát hành trực tiếp đến 63 tỉnh, thành trên cả nước, thì giá SGK có thể giảm 5% cho học sinh, phụ huynh? Trên thực tế, chiết khấu hoa hồng cho các đơn vị phát hành SGK trong 3 năm gần nhất lên tới khoảng 524 tỉ đồng. Nếu như NXB Giáo dục xóa bỏ tầng nấc trung gian trong phát hành, tức là không chi cho nội bộ công ty con 5% như thực tế đang diễn ra, thì có thể tăng lợi nhuận hàng chục tỉ đồng mỗi năm để bù vào khoản lỗ bình quân khoảng 40 tỉ đồng/năm mà NXB Giáo dục báo cáo.
Ngoài độc quyền mảng kinh doanh SGK, NXB Giáo dục là doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, vừa sản xuất vừa cung ứng, biên tập, in ấn, phát hành sách, trang thiết bị trường học… và hoạt động kinh doanh chung của NXB Giáo dục đang lãi lớn. Cụ thể, lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng mạnh, từ hơn 32 tỉ đồng năm 2015 lên hơn 72 tỉ đồng năm 2016 và hơn 150 tỉ đồng trong năm 2017. Trước đây, NXB Giáo dục cân đối trong tổng thể kinh doanh và giữ nguyên tắc không tăng giá SGK để chia sẻ gánh nặng về chi phí mua sách cho học sinh trên cả nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng giờ đây vì sao đang trong bối cảnh kinh doanh chung lãi lớn, NXB Giáo dục lại đề nghị tăng giá ở mảng độc quyền SGK?
Ồ ạt “lên đời” cơ sở vật chất
Song song với đề nghị tăng giá SGK, NXB Giáo dục đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận chung của hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2017 – 2022 đạt 503 tỉ đồng; trong đó cơ cấu lợi nhuận vẫn chủ yếu từ mảng kinh doanh độc quyền SGK, sản phẩm sách bài tập, sách tham khảo…, các khoản thu từ quản lý xuất bản tạo thu nhập chính, đóng góp khoảng 65 – 70% vào tổng lợi nhuận (tương đương khoảng 350 tỉ đồng). Cùng giai đoạn này, mức chi đầu tư làm sách giáo dục mà NXB Giáo dục trình lên Bộ GD-ĐT là 182,5 tỉ đồng (đề án SGK mới: 150 tỉ đồng, đề án xuất bản điện tử: 32,5 tỉ đồng).
Trong khi đó, mức chi đầu tư để “lên đời” hàng chục dự án cơ sở vật chất dự kiến hơn 724 tỉ đồng nhưng lợi nhuận dự kiến chỉ chiếm khoảng 20 – 25%… Cụ thể, NXB Giáo dục liệt kê 11 dự án cơ sở vật chất sẽ “lên đời” cùng chu kỳ 5 năm (2017 – 2022) gồm khu vực phía bắc có 4 dự án với tổng vốn hơn 50 tỉ đồng; khu vực miền Trung có 2 dự án với tổng vốn 95 tỉ đồng, bao gồm xây dựng trại viết sách và nhà khách tác giả tại địa chỉ 60 – 64 Hoàng Diệu, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) quy mô 8 tầng; khu vực phía nam có 5 dự án với tổng vốn hơn 513 tỉ đồng, bao gồm xây dựng trại viết sách và nhà khách tác giả 8 tầng ở 62 Hạ Long (TP.Vũng Tàu).
Nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động khai thác cơ sở vật chất, NXB Giáo dục dự kiến 30% từ vốn tự có của đơn vị, 70% là vốn vay thương mại, thu hút đầu tư thông qua liên doanh, liên kết với các đối tác…
Nhìn vào cơ cấu thu – chi, tỷ lệ lợi nhuận giữa kinh doanh SGK, sản phẩm sách bài tập, sách tham khảo… và đầu tư cơ sở vật chất như NXB Giáo dục vạch ra trong giai đoạn 2017 – 2022, nhiều người đặt câu hỏi việc độc quyền kinh doanh SGK có thực sự lỗ? Đề xuất tăng giá SGK là để “bù lỗ” hay để tăng nguồn thu cho công ty con, mà nhìn ở một góc độ nào đó cũng chính là lợi nhuận của NXB Giáo dục? Tăng giá SGK mang lại lợi nhuận cao để rồi mang tiền đó đầu tư vào những dự án cơ sở vật chất mà tỷ lệ lợi nhuận thu được rất thấp…? Trong khi đó, tăng giá SGK được xem là vấn đề rất hệ trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu gia đình có con em đi học. Vì vậy, những vấn đề dư luận đặt ra cần được làm rõ trước khi có quyết định ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình.
Tranh thủ vốn nhà nước để làm sách bán theo giá thị trường?
Về giải pháp tài chính, một điểm rất đáng chú ý, là đối với công tác xuất bản SGK mới, NXB Giáo dục nhắm đến tận dụng nguồn lực, thu hút và “cậy” vào sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT để có được nguồn vốn từ dự án thay SGK của ngân sách nhà nước cũng như các nguồn vốn ODA khác liên quan đến việc thay SGK. Song song đó là thực hiện chính sách bán sản phẩm (SGK là mặt hàng chủ lực – PV) theo hướng nguyên tắc thị trường…
|
ĐÌNH PHÚ