Lần đầu tiên phát hiện mặt trăng mới nằm ngoài hệ Mặt Trời
Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện một mặt trăng xoay quanh hành tinh khổng lồ nằm ngoài hệ Mặt Trời, cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng.
Lần đầu tiên phát hiện mặt trăng mới nằm ngoài hệ Mặt Trời
Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện một mặt trăng xoay quanh hành tinh khổng lồ nằm ngoài hệ Mặt Trời, cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng.
Ngoại Mặt Trăng (Mặt Trăng nằm ngoài Thái Dương Hệ) được các nhà khoa học gọi là exomoon.
Mặt Trăng vừa được tìm thấy có kích cỡ tương đương Sao Hải Vương và xoay quanh hành tinh Kepler-1625b, cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng.
Khoa học từng phát hiện hơn 3.000 ngoại hành tinh trước đó. Tuy nhiên, “đây là trường hợp đầu tiên phát hiện một mặt trăng bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta”, Tiến sĩ David Kipping tại Đại học Columbia cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích số liệu từ 284 hành tinh sử dụng kính viễn vọng Kepler trong ít nhất 30 ngày.
Các ngoại hành tinh được phát hiện bằng cách ghi nhận những lần ánh sáng ngôi sao trung tâm bị chớp tắt khi có hành tinh đi ngang qua (còn gọi là sự trung chuyển).
Khi xem xét dữ liệu trung chuyển của hành tinh Kepler-1625b, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự bất thường trong các số liệu thu thập được. Sau đó, họ đã dành thêm 40 tiếng quan sát bằng kính viễn vọng Hubble – có độ chính xác gấp 4 lần kính Kepler để tìm hiểu chi tiết hơn về khả năng tồn tại một mặt trăng xoay quanh hành tinh này.
Họ phát hiện có chấm sáng nhỏ trong vùng sáng của Kepler-1625b, cho thấy một hành tinh nhỏ hơn di chuyển qua bề mặt của nó. Nhóm nghiên cứu tin rằng hành tinh nhỏ này chính là Mặt Trăng theo sau hành tinh lớn Kepler-1625b.
Theo các nhà khoa học, Kepler-1625b bắt đầu một đợt chuyển tiếp khác sớm hơn 75 phút so với dự kiến. Điều này càng khiến giả thuyết về một Mặt Trăng xoay quanh hành tinh này trở nên chắc chắn hơn. Nguyên nhân là khi hành tinh và Mặt Trăng cùng xoay quanh một lõi trọng lực, hành tinh sẽ có lúc bị lệch khỏi vị trí được dự tính.
Mặt Trăng mới được tìm ra có khối lượng chỉ bằng 1,5% Kepler-1625b, tương đương tỷ lệ giữa Trái Đất và Mặt Trăng của chúng ta. Kepler-1625b có kích thước gấp vài lần sao Mộc.
Exomoon rất khó để nhận biết vì chúng có kích cỡ vô cùng nhỏ so với hành tinh chúng xoay quanh, do đó dấu hiệu chuyển tiếp của chúng rất yếu. Exomoon mới được hám phá nằm trong nhóm những ngoại Mặt Trăng dễ được phát hiện nhất do có kích cỡ khá lớn.
Những hành tinh lý tưởng cho việc quan sát để phát hiện các exomoon phải có quỹ đạo lớn, có thời gian chuyển tiếp dài và không thường xuyên.
Cả 2 hành tinh Kepler-1625b và exomoon đều có nhiệt độ trung bình cho phép sự tồn tại của nước trên bề mặt. Tuy nhiên, chúng đều là những hành tinh khí, do đó không phù hợp để hỗ trợ sự sống.
Sắp tới, khi kính viễn vọng James Webb Space Telescope của NASA đi vào hoạt động sẽ mở ra triển vọng khám phá ra những exomoon với kích thước nhỏ bé.
Hoàng Anh (Tổng hợp)