24/01/2025

Sự dữ dùng những kẻ đạo đức giả, Chúa Giêsu dạy tình yêu thật

Hãy nhân từ như Chúa Giêsu và đừng kết án người khác, hãy đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời ta.

 Sự dữ dùng những kẻ đạo đức giả, Chúa Giêsu dạy tình yêu thật

 

 
Hãy nhân từ như Chúa Giêsu và đừng kết án người khác, hãy đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời ta.


Giáo Hội, như một người mẹ thánh thiện, nhưng lại đầy rẫy những đứa con tội lỗi như chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu luôn che chở Giáo Hội với lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài. Đức Thánh Cha đã nói như trên, khi suy niệm về thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô và đoạn Tin Mừng của Thánh sử Luca, tập trung vào lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha thứ rồi, vì chị đã yêu mến nhiều.

Chúa Giêsu nhìn cử chỉ nhỏ bé của tình mến

Có 3 nhóm người trong bài đọc hôm nay: Chúa Giêsu và các môn đệ, Phaolô và người phụ nữ, một trong số những phụ nữ có số phận “bị viếng thăm kín”, thậm chí bởi chính những người Pharisiêu, hoặc “bị ném đá”, và các tiến sĩ luật.

Người phụ nữ này  cho thấy nàng có rất nhiều tình yêu đối với Chúa Giêsu, không giấu diếm mình là “kẻ có tội”. Đối với Thánh Phaolô cũng thế, ngài nói: “Thực vậy, trước tiên tôi đã truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận, đó là, Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta.” Như vậy, cả hai người đều tìm kiếm Thiên Chúa “với tình yêu, nhưng là tình yêu nửa mùa”. Vì Phaolô nghĩ rằng tình yêu là lề luật, nên ngài đã đóng kín con tim với mặc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã bắt bớ các Kitô hữu nhưng vì nhiệt tâm đối với lề luật, vì thứ tình yêu chưa chín mùi”.

Và người đàn bà đã tìm kiếm tình yêu, “một tình yêu nhỏ bé”. Vì thế, những người Pharisiêu đã bàn tán và Chúa Giêsu giải thích: Chị ấy được tha nhiều, vì chị ấy yêu nhiều. Nhưng yêu như thế nào? Những người này không biết yêu. Họ tìm kiếm tình yêu. Và khi đề cập đến các  phụ nữ này, Chúa Giêsu đã có lần nói rằng họ sẽ đứng trước chúng ta, trong Nước Trời. Những người Pharisêu nghĩ: “bọn này, thật là gây gương mù gương xấu!” Còn Chúa Giêsu nhìn vào hành động nhỏ bé của tình yêu, hành động nhỏ bé của một thiện chí, và ngài nhận lấy nó, và mang nó đi tới. Đây chính là lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, luôn tha thứ, luôn đón nhận.

Xì-căng-đan của những kẻ giả hình

Với các tiến sĩ luật, họ có một thái độ mà chỉ những kẻ giả hình mới thường hay dùng: họ lấy đó làm gương mù gương xấu. Và họ nói:

Hãy coi: Gương mù gương xấu biết bao! Không thể sống như vậy được! Chúng ta đã đánh mất các giá trị rồi… Bây giờ mọi người đều có quyền vào nhà thờ, kể cả những người ly dị, tất cả mọi người. Mà chúng ta đang ở đâu đây? Gương mù gương xấu của những kẻ giả hình. Đó là cuộc đối thoại giữa tình yêu lớn lao, tha thứ tất cả của Chúa Giêsu, và tình yêu nửa mùa của Phaolô và người phụ nữ này, và cũng là của chúng ta nữa, một tình yêu bất toàn, vì không ai trong chúng ta đã được phong thánh. Chúng ta hãy nói sự thật. Và sự giả hình: giả hình của những người “công chính”, của những người “trong sạch”, của những người tin rằng họ được cứu rỗi nhờ các  công trạng bề ngoài của mình.

Trong lịch sử, Giáo Hội đã bị những kẻ đạo đức giả bách hại

Chúa Giêsu nhận ra những người bên ngoài cho thấy “tất cả tốt đẹp” như thế nào. Ngài nói tới “các mồ mả tô vôi”, nhưng bên trong đầy những hư thối.

Và khi bước đi trong dòng lịch sử, Giáo hội cũng đã bị những kẻ đạo đức giả bách hại: bách hại cả bên trong lẫn bên ngoài. Ma quỷ không có gì để làm với những người tội lỗi đã hoán cải, vì họ nhìn Thiên Chúa và nói: Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin Chúa giúp con. Và ma quỷ bất lực, nhưng nó lại mạnh với các kẻ giả hình. Nó mạnh và nó dùng họ để phá huỷ con người, phá huỷ xã hội và phá huỷ Giáo Hội. Con ngựa chiến của ma quỷ là sự giả hình, bởi vì nó là một kẻ nói dối: nó cho thấy nó như ông hoàng quyền năng, rất đẹp, nhưng từ bên trong nó là một tên sát nhân.

Cuối cùng, đừng quên rằng Chúa Giêsu tha thứ, tiếp đón, dùng lòng thương xót, là một từ mà biết bao lần ta đã quên khi nói về người khác. Lời mời gọi là “hãy thương xót, như Chúa Giêsu, và đừng lên án người khác. Chúa Giêsu phải ở trung tâm”, thực ra, Chúa Giêsu tha thứ cho cả Phaolô, “một người tội lỗi, một kẻ bắt bớ, nhưng sống với một tình yêu nửa mùa”, cho cả người phụ nữ, “một người tội lỗi, có một tình yêu không hoàn hảo”. Chỉ như thế, họ mới có thể gặp gỡ tình yêu đích thực, là Chúa Giêsu, trong khi những người đạo đức giả không có khả năng gặp gỡ tình yêu, bởi vì họ có con tim khép kín. 

 
 
 

Trần Đỉnh, SJ