Công nghệ mới, nhu cầu lớn
Theo kết quả khảo sát 1.100 ứng viên đang làm việc trong ngành nghề công nghệ thông tin(CNTT)/công nghệ cao trong tháng 7 của Tập đoàn nhân sự Navigos Group, công nghệ mới nổi AI hiện tại VN mới chỉ có một bộ phận doanh nghiệp (DN) ứng dụng. Tuy nhiên, trong 3 năm tới, có đến 66% người tham gia khảo sát cho biết DN của họ có quan tâm đến những công nghệ này; 1/4 cho biết DN họ đang có kế hoạch ứng dụng AI.
Khảo sát của Navigos cũng cho thấy, trong tốp 5 công nghệ được các ứng viên quan tâm và có dự định học hỏi trong thời gian tới thì AI đứng đầu, tiếp đến là công nghệ chuỗi khối, khoa học dữ liệu, máy học, an ninh mạng.
Ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group, cho hay có đến 82% nhân lực CNTT tham gia khảo sát có ý định khởi nghiệp trong tương lai. Trong đó, tốp 3 lĩnh vực được lựa chọn khởi nghiệp nhiều nhất là: AI, các sản phẩm liên quan đến tự động hóa và công nghệ chuỗi khối. Bên cạnh đó, có 1/2 ứng viên cho biết nếu có đề nghị làm việc ở nước ngoài tại các công ty khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các công nghệ mới như AI thì họ sẽ quyết định dịch chuyển. Trong số đó, 25% cho biết sẽ sang nước ngoài làm việc vài năm và trở về VN.
Tại hội thảo “AI VN 2018” do Bộ KH-CN tổ chức mới đây, TS Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ), cho hay số người VN trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không hề nhỏ, trong đó có những chuyên gia tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft hay những giáo sư tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đặc biệt, có những DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. “Dù chúng ta đang có những người mang dòng máu Việt là chuyên gia hàng đầu về AI trên thế giới, nhưng VN vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI quốc tế”, TS Hưng nói.
|
AI là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Hiện AI được ứng dụng trong ngân hàng, nhà máy, DN, y tế, giao thông… Theo Hãng tư vấn Gartner, đến năm 2020, AI sẽ tạo ra 2,3 triệu việc làm, vượt quá 1,8 triệu việc làm bị loại bỏ (chủ yếu là các công việc trình độ thấp). Từ năm 2020 – 2025, việc làm mới tạo ra liên quan đến AI sẽ đạt 2 triệu việc làm. Số lượng công việc bị ảnh hưởng sẽ thay đổi theo từng ngành.
|
TS Lê Viết Quốc, chuyên gia của Google Brain (Mỹ), chia sẻ hiện trên thế giới có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực AI đòi hỏi nhân lực rất cao, ước tính cần 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu. Đây là cơ hội rất lớn cho VN trong tương lai.
Lên đại học mới học lập trình là quá trễ!
Theo TS Lê Viết Quốc, hiện Trung Quốc đã đưa ra chính sách hành động quốc gia về AI và họ cũng đã có chương trình lập trình, đưa AI vào giảng dạy ở bậc THPT. VN có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực AI nhưng chúng ta đang thiếu “nguyên vật liệu” để làm. Ông Quốc cho rằng, VN nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính: đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học VN với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới. “VN nên đầu tư vào giáo dục, đổi chương trình, thay vì học khoa học máy tính như trước đây, chúng ta nên học về máy học hoặc AI, thuật toán, Database… Theo tôi, lập trình lên đại học mới được học thì quá trễ, nên dạy từ bậc THPT và dạy nhiều hơn nữa”, TS Quốc nói. Ngoài ra, theo ông Quốc, việc đầu tư cho AI cũng nên đầu tư tập hợp lực lượng tinh hoa cho đội ngũ sinh viên, tạo tiền đề gia nhập với AI thế giới. Những đội ngũ tinh hoa này có thể đem kiến thức về phục vụ cho VN.
TS Vũ Duy Thức, CEO của OhmniLab (Mỹ), nhìn nhận: “Có nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng AI: nông nghiệp, y tế, ngân hàng, nhà máy… Đặc biệt, tại VN lĩnh vực nông nghiệp có nhiều ứng dụng mà AI có thể phát triển như: trồng trọt, thu hoạch, gặt hái, chế biến nông sản… Tôi nghĩ tiềm năng cho VN rất lớn. Chúng ta có thể ứng dụng AI linh hoạt để tăng năng suất, đảm bảo an toàn cho người lao động, chứ không hẳn thay thế hoàn toàn làm ảnh hưởng đến việc làm người lao động VN”.
Trước nguy cơ chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ, ông Gaku Echizenya cho hay: “Bên cạnh việc các DN tăng tốc trong cuộc chạy đua công nghệ, VN cần mở ra nhiều hơn các sân chơi dành cho cộng đồng công nghệ để trao đổi, học hỏi, thực hành những công nghệ mới. Trước nguy cơ chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ, DN cần chú trọng và có chính sách giữ chân nhân tài, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm tiên phong sáng tạo, mở ra cơ hội được tiếp xúc công nghệ mới cho đội ngũ nhân viên”.
Để phát triển AI tại VN, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết tới đây VN sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI, cụ thể như nhóm chiến lược, thị trường, dữ liệu, triển khai ứng dụng, đào tạo, nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo VN.
THU HẰNG