28/01/2025

Cuốn sổ yêu thương…

Sáng nay đưa con trai vào lớp 1, tôi ngồi xem lại những đồ dùng, những vật kỷ niệm mầm non của con mà lòng cảm thấy thật xúc động.

 

Cuốn sổ yêu thương…

Sáng nay đưa con trai vào lớp 1, tôi ngồi xem lại những đồ dùng, những vật kỷ niệm mầm non của con mà lòng cảm thấy thật xúc động.
 
 
 
Cô trò cùng nhau đi dã ngoại để rèn luyện kỹ năng sống /// Ảnh: Diệu Hiền

Cô trò cùng nhau đi dã ngoại để rèn luyện kỹ năng sống   ẢNH: DIỆU HIỀN

 
Từng món đồ là cả những tình cảm yêu thương mà các cô giáo của ngôi trường mầm non con từng theo học trao gửi.
 
Với tôi, đặc biệt nhất có lẽ là cuốn sổ tay thời con học lớp mẫu giáo, mà Trường mầm non Bồ Công Anh gọi tên là lớp “momo”. Đó là những ngày đầu tiên tôi nắm tay con đưa đến trường mầm non, khi con mới 1 tuổi rưỡi. Tôi với bao lo lắng chồng chất trong lòng suốt ngày đầu tiên con đến trường. Buổi chiều, con trở về nhà với gương mặt vui vẻ và nhẹ nhõm, không như cô con gái lớn của tôi những ngày đầu đi học về với vẻ thảng thốt và hốt hoảng. Trong chiếc cặp của con là cuốn sổ ghi chú bằng một nét chữ rất dễ coi: “Hôm nay là ngày đầu tiên con đến lớp ở lại cả ngày. Con có mè nheo lúc đầu, nhưng được các cô ôm ấp, vậy là con bắt đầu làm quen và bắt đầu chơi vui”.
 
Những ngày sau đó, quyển sổ vẫn đầy những dòng chữ của các cô giáo: “Hôm nay con chơi ngoan. Con ăn trưa đã bắt đầu biết cầm muỗng múc thức ăn…”; “Trưa nay con ngủ không được ngon giấc, ba mẹ về tối nay cho con ngủ sớm nhé!”; “Sáng nay con vào lớp kể cho cô nghe hôm qua con được ba mẹ đưa đi chơi…”; “Sáng nay con được đi dã ngoại cùng các bạn, và biết giúp cô nhặt lá rụng trong sân”…


Ngay cả những lần con không ngoan, các cô viết: “Con hôm nay không ngoan, chọc bạn khóc và phá thức ăn của bạn, nên cô có nói chuyện với con và phạt con một lúc!”; “Con ra sân chơi, giờ tập bơi thì xô ngã bạn, nên cô có bắt phạt con ba mẹ nhé!”; “Sáng nay con rất cáu kỉnh, nên cô giáo có đưa con qua lớp bé một lúc”; “Hôm nay con đi vệ sinh bị bón đó nha ba mẹ, ba mẹ nhớ bổ sung chất cần thiết cho con!”; “Ngày này con bị mệt đấy ba mẹ!”…

 
Những điều cô giáo ghi trong sổ, thỉnh thoảng tôi trêu đùa con để thử, và con đều véo von kể lại như cô giáo kể. Điều đó làm tôi tin yêu cuốn sổ, yêu quý những cô giáo của con hơn. Mỗi ngày qua, nhật ký về con được ghi lại kỹ lưỡng, dày đặc những dữ liệu về con chứ không phải kiểu ghi qua quýt cho có. Cuốn sổ thực sự là người bạn tâm giao giữa cô giáo và gia đình.
 
Không chỉ là cuốn sổ, một lần tôi suýt choáng khi bị cô giáo của con mời lên nói chuyện. Tưởng con phạm lỗi gì nhưng khi gặp, cô giáo hỏi tôi: “Ở nhà con phạm lỗi là mẹ doạ đánh phải không ạ?”, tôi liền cười giải thích chỉ doạ chứ chưa bao giờ đánh con. Cô giáo nhẹ nhàng khuyên tôi không nên doạ đánh con. Khi con không ngoan thì chỉ cần gọi con đến, bắt con nhìn thẳng vào mắt mình, và đề nghị con nói chuyện. Nói chuyện với con đến khi con biết lỗi của mình và chịu xin lỗi. Nặng hơn thì cho con đứng vào một góc để bình tĩnh trở lại. Ở lớp, nếu con vẫn không bình tĩnh thì cô giáo phạt bằng việc mời con qua đứng ở lớp bên cạnh. “Mẹ đừng bao giờ dùng roi vọt vì sẽ vô cùng phản tác dụng!”, cô giáo nói.
 
Tôi đi về mà cười suốt trên đường bởi nghĩ từ nào giờ con đi học chỉ có các mẹ sợ con bị cô giáo đánh, chứ sao lại có chuyện cô giáo khuyên mẹ về đừng đánh con. Và sau đó tôi áp dụng cách mà cô giáo khuyên thì hữu hiệu vô cùng. Tôi không phải dùng roi vọt, chỉ cần “Mẹ mời con đến đây mẹ nói chuyện” là con đã thấy tình hình nặng nề, và khóc òa, rồi sau đó nhận lỗi.
 
Khi con chưa qua 2 tuổi, nhờ các cô giáo chỉ dạy, con đã biết tự ăn, tự rót nước uống khi cần, tự mặc quần áo, tự mang giày… Sang 3 tuổi rưỡi con đã biết tự sắp xếp đồ đạc mang đi học mà không cần tôi giúp. Xúc động nhất là khi tôi đến lớp nhìn thấy con biết dọn thức ăn mời các bạn bởi hôm đó nhóm con trực nhật. Và con có nhiều trải nghiệm vô cùng quý giá bởi những chuyến dã ngoại, những lễ hội thể thao, âm nhạc mà các con được tham gia… Tuổi mầm non của con đã biết tự lập và được thụ hưởng những điều tốt đẹp ấy.
 
Và điều mà tôi cảm nhận rõ nhất đó tình cảm yêu thương mà con dành cho các cô giáo. Ngày chia tay của con với các cô giáo đẫm trong nước mắt. Những cô bé cậu bé chỉ 6 tuổi nức nở trong vòng tay các cô giáo không rời khiến các ba mẹ đều rơi nước mắt. Trẻ con vốn vậy, chỉ yêu thương những người thực sự yêu thương chúng không cần lý do. Tôi thấy trong ánh mắt xúc động của các ba mẹ trong buổi lễ chia tay hôm ấy là sự nhẹ nhõm vì đã chọn cho con một môi trường học tập tràn ngập yêu thương, đúng với nhu cầu trong độ tuổi mà mọi đứa trẻ xứng đáng được hưởng.
 
Và tôi có một mơ ước tham lam của một người mẹ, là mọi người thầy của con sau này, đều có được sự yêu thương như vậy dành cho con. Chỉ yêu thương mới có thể giúp cho đứa trẻ trưởng thành trọn vẹn. Tôi tin như vậy.
 
 
DIỆU HIỀN