Đây được xem là giải pháp giảm số trường, giảm cán bộ quản lý và nhân viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (GV). Tuy nhiên, việc này gặp không ít khó khăn nếu không xem xét một cách đầy đủ, toàn diện.
Mỗi xã một trường mầm non, một trường TH-THCS
Tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chủ trương giảm đầu mối quản lý, sắp xếp, sáp nhập thí điểm một số trường mầm non, phổ thông quy mô nhỏ thành trường quy mô lớn hoặc trường đa cấp. Đối với khối trực thuộc Sở GD-ĐT, đã tiến hành sáp nhập Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đông Hà) vào Trường THPT Chế Lan Viên (H.Cam Lộ) và sáp nhập Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm vào Trường THPT Bùi Dục Tài (cùng H.Hải Lăng). Các huyện, thành phố và thị xã trong toàn tỉnh đã tiến hành thí điểm sáp nhập các trường mầm non công lập trên địa bàn xã lại thành một trường mầm non công lập duy nhất, sáp nhập một số trường tiểu học và THCS thành trường đa cấp tiểu học – trung học cơ sở (TH-THCS).
Riêng trên địa bàn H.Hải Lăng, UBND huyện đã thực hiện phương án mỗi xã, thị trấn chỉ còn một trường mầm non công lập và một trường TH-THCS. Địa bàn huyện có 19 xã và một thị trấn, trước khi sáp nhập có 20 trường mầm non, 21 trường TH và 19 trường THCS, sau khi sáp nhập nay vẫn còn 20 trường mầm non (các điểm trường có sắp xếp lại) và 19 trường TH-THCS, trong đó có Trường TH-THCS Thiện Thành là trường thuộc 2 xã Hải Thiện và Hải Thành.
Giải pháp thiếu giáo viên cho chương trình mới
Một cán bộ Phòng GD-ĐT Hải Lăng cho biết việc sáp nhập 40 trường TH và THCS riêng thành 19 trường TH-THCS, do 19 hiệu trưởng trường THCS làm hiệu trưởng; các phó hiệu trưởng bao gồm một phó hiệu trưởng THCS và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng TH. Việc sáp nhập này sẽ giảm khá nhiều nhân viên, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường…
GV cũng giảm, trong đó GV tin học, công nghệ hay tiếng Anh THCS có thể dạy cho tiểu học; GV âm nhạc, mỹ thuật của trường tiểu học trước đây có thể giảng dạy THCS (vì họ tốt nghiệp CĐ hoặc ĐH mỹ thuật, âm nhạc…). Bên cạnh đó, số phó hiệu trưởng nhiều có thể bố trí giảng dạy một số môn/hoạt động giáo dục như hoạt động trải nghiệm (tiểu học) và hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp (cấp THCS). Như vậy, đội ngũ GV có thể bổ sung cho nhau. Nếu thiếu tiết thì bố trí họ giảng dạy thêm về hoạt động trải nghiệm…
Như vậy, việc sáp nhập trường mang lại nhiều lợi ích như giảm đầu mối quản lý, giảm số cán bộ quản lý, nhân viên, và nhất là khắc phục tình trạng thiếu GV các môn tiếng Anh, công nghệ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, hoạt động trải nghiệm, Tổng phụ trách Đội… vì GV những môn này có thể giảng dạy cả 2 cấp.
Đây là giải pháp góp phần khắc phục bài toán thiếu GV hiện nay ở một số địa phương.
Một số bất cập
Theo một cán bộ Phòng GD-ĐT Hải Lăng, khi sáp nhập thống nhất trong toàn huyện sẽ có thuận lợi cho chỉ đạo của phòng, nhưng đồng thời cũng nảy sinh một số bất cập: Số cán bộ quản lý còn nhiều, có trường lên tới 6 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng và 5 phó hiệu trưởng). Số nhân viên (kế toán, thư viện, y tế…) không thể giảm ngay được. Việc sinh hoạt chuyên môn, tổ chức giảng dạy và học tập cũng sẽ khó khăn hơn.
Đối với các huyện miền núi, địa bàn rộng, cũng như thành phố, thị xã trường đông học sinh, việc sáp nhập trường cần phải xem xét kỹ nhiều yếu tố và sự đồng thuận của người dân địa phương.
|
HỒ SỸ ANH