Áp lực quá tải học sinh ở thành thị
Năm học này, chủ đề sĩ số lớp học đầu cấp quá đông, đặc biệt là lớp 1 ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao.
Áp lực quá tải học sinh ở thành thị
Năm học này, chủ đề sĩ số lớp học đầu cấp quá đông, đặc biệt là lớp 1 ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao.
Năm học này, học sinh tăng mạnh nhất ở bậc tiểu học, đặc biệt lớp 1 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
69 học sinh/lớp
Phụ huynh chỉ đích danh Trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân (Hà Nội) có 9 lớp 1 thì trong đó 7 lớp sĩ số trung bình 69 học sinh (HS), 2 lớp sĩ số 68 HS. Các HS phải chen chúc 3 em 1 bàn, trong khi bàn chỉ thiết kế tối đa cho 2 em.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về vấn đề này, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, cho biết toàn quận năm nay tăng khoảng hơn 1.200 HS vào lớp 1 so với năm trước. Như vậy sẽ cần khoảng 300 phòng học để đáp ứng số lượng tăng đột biến này. Các trường “cố gắng tối đa” cơ sở vật chất để làm phòng học nhưng vẫn không tránh khỏi quá tải ở một số trường. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không để sĩ số lên tới 68 – 69 HS/lớp mà đã yêu cầu bố trí phòng học để giảm sĩ số, tối đa chỉ cho phép 52 – 53 HS/lớp”, ông Hữu phân trần.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cũng thừa nhận việc quá tải trường lớp, nhất là với lớp 1 khiến sĩ số ở không ít trường tiểu học các quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân… bị quá tải, lên tới 60 HS/lớp. Trong khi đó, điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp có không quá 35 HS.
Ông Tiến lý giải năm nay do sức ép di dân cơ học tại các khu đô thị mới đồng thời với quan niệm dân gian về “năm sinh đẹp” đã khiến cho số HS vào lớp 1 tăng hơn 38.000 so với năm học 2016 – 2017.
Số học sinh ở TP.HCM tăng cao trong năm học 2018 – 2019. Biểu đồ: Võ Ba
|
Lo chất lượng dạy học giảm
Nhận định về năm học mới 2018 – 2019, lãnh đạo Sở GD- ĐT TP.HCM, nói rằng đây là một năm mà các trường học phải đối mặt với áp lực số lượng HS do tác động bởi việc tăng dân số cơ học. Theo thống kê, toàn TP tăng khoảng 67.000 HS ở tất cả các bậc học, trong đó bậc mầm non tăng 20.225, tiểu học tăng 26.812, THCS tăng 10.406 và THPT tăng 9.791. Năm học trước, số HS tăng khoảng 55.000.
Số HS tăng nhiều ở bậc mầm non và tiểu học. Đặc biệt, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, chịu ảnh hưởng tình trạng nhập cư.
Đơn cử, tại Q.Bình Tân, năm học 2018 – 2019 số HS lớp 1 có khoảng 14.000, tăng 5.866 HS tương ứng với việc cần 84 phòng học một buổi hoặc 168 phòng học 2 buổi. Trong khi đó, quận này chỉ tăng 11 phòng học tại Trường tiểu học Ngô Quyền. Áp lực khiến có những quận, huyện, sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn, có nơi đến 50 HS. Thực tế này đã phần nào hạn chế công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Đồng thời dẫn đến tỷ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp. Việc gia tăng số HS dẫn đến tăng cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP.
Ở Q.Bình Tân, để đảm bảo 100% HS có chỗ học, không chỉ phải giảm tỷ lệ học 2 buổi, bán trú mà ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD thông tin, dự kiến sĩ số lớp 1 trung bình toàn quận sẽ là 46 HS/lớp. Đặc biệt có những trường sĩ số sẽ rất cao, hơn 50 HS/lớp như tiểu học An Lạc 1, Lê Công Phép, Bình Trị 1, Bình Trị 2, Bình Long, Bình Tân…
Tăng quỹ đất, đầu tư xây dựng phòng học
Để giải quyết tình trạng quá tải, ông Phạm Xuân Tiến cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị các quận huyện tìm mọi giải pháp, tận dụng tối đa các phòng trống, phòng chức năng… để làm phòng học cho HS. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số HS mỗi lớp, bảo đảm ít nhất không quá 45 HS/lớp.
Theo thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM, để đảm bảo 100% HS có chỗ học, đến ngày 5.9, sẽ có 882 phòng học mới đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư khoảng 2.336 tỉ đồng. Số phòng tăng ở mỗi bậc học là: mầm non 272 phòng, tiểu học 369 phòng, THCS 116 phòng… Bình quân mỗi năm TP.HCM tăng 60.000 HS, Sở đề xuất TP tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi đi học.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường học, trong năm học mới, TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng cho phép TP thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án. Song song đó cần phải tăng biên chế giáo viên đáp ứng số phòng học mới.
Nhiều địa phương không đảm bảo quỹ đất cho giáo dục
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, hạn chế đầu tiên được chỉ ra là công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non. Nguyên nhân một phần là một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, không đảm bảo quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở giáo dục, chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra còn do tình trạng di dân từ nông thôn đến các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp.
Tuyết Mai
|
TUỆ NGUYỄN – BÍCH THANH