Sai lầm thường gặp khi dùng thuốc không kê đơn
Các thuốc không kê đơn (OTC) như acetaminophen hay thuốc ho ban đêm hoặc thuốc cảm lạnh…, tuy tương đối an toàn nhưng khi sử dụng vẫn có các phản ứng bất lợi
Sai lầm thường gặp khi dùng thuốc không kê đơn
Các thuốc không kê đơn (OTC) như acetaminophen hay thuốc ho ban đêm hoặc thuốc cảm lạnh…, tuy tương đối an toàn nhưng khi sử dụng vẫn có các phản ứng bất lợi
Theo Hiệp hội Dược phẩm Mỹ (APA), các thuốc không kê đơn (OTC) như acetaminophen hay thuốc ho ban đêm hoặc thuốc cảm lạnh…, tuy tương đối an toàn nhưng khi sử dụng vẫn có các phản ứng bất lợi, trong đó 5 nhóm thuốc dưới đây khá thường gặp.
Các nhóm thuốc hay gặp sai lầm khi sử dụng
Acetaminophen
Theo APA, ước tính mỗi năm có khoảng 150 người Mỹ thiệt mạng do dùng quá liều, kể cả quá liều không cố ý khi dùng acetaminophen. Acetaminophen có thể được tìm thấy mình trong các sản phẩm đơn, trong thuốc ho và trong các sản phẩm điều trị cảm lạnh kết hợp, thuốc giảm đau kê đơn và “ẩn náu” ở nhiều dược phẩm khác nên hiện tượng quá liều khó nhận biết. Quá liều có thể dẫn đến hậu quả xấu cho gan, hoặc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì lý do này khi dùng acetaminophen nên đọc kỹ nhãn mác để biết lượng acetaminophen trong từng viên thuốc, không nên uống quá 3.000 mg trong khoảng thời gian 24 giờ.
Không nên kết hợp aspirin với các thuốc kháng viêm.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Theo APA, mỗi năm có trên 15 triệu người Mỹ sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole (Prilosec), lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol esomeprazol. Quá liều có thể phát sinh hiện tượng lú lẫn, nhìn mờ và buồn nôn. Lạm dụng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng viêm niêm mạc dạ dày và suy kiệt magiê. Vì vậy, APA khuyến cáo, để hạn chế phản ứng phụ thì chỉ nên dùng PPI theo hướng dẫn của chuyên môn, hay dùng điều trị triệu chứng ợ nóng hai ngày đến một tuần, không nên dùng PPI quá 14 ngày trong thời gian 4 tháng. Có thể thay đổi, dùng thuốc kháng acid như cacbonat canxi hoặc đối kháng thụ thể histamin H2 như ranitidine sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn mà ít có phản ứng phụ.
Aspirin
Từ lâu, aspirin thường được dùng để giảm đau và sốt, ngày nay, nó còn được dùng để phòng ngừa các cơn đau tim và đột quỵ, đặc biệt, thường xuyên được nhóm người cao tuổi dùng chung với các loại thuốc khác. Theo APA, đây là cách dùng bất lợi, bởi theo quy định, aspirin không nên kết hợp với các thuốc giảm đau kháng viêm khác, như ibuprofen và naproxen. Kết hợp như vậy có thể dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu dạ dày và các vấn đề về thận. Nếu cân nhắc phác đồ điều trị bằng aspirin hoặc đã dùng thuốc hàng ngày, thì nên tư vấn dược sĩ, bác sĩ để biết các tương tác với các loại thuốc OTC khác.
Thuốc ho và thuốc trị cảm lạnh ban đêm
Theo APA, nếu mục đích duy nhất dùng cho dễ ngủ, thì không nên, như Nyquil chẳng hạn vì nó chứa nhiều thành phần chứ không đơn thuần là trợ giúp giấc ngủ. Các sản phẩm trị ho và cảm lạnh ban đêm thường có chứa nhiều thành phần, đôi khi có đến 4 hay 5 loại thuốc khác nhau, vì vậy tác dụng phụ và tương tác của thuốc rất lớn. Theo nguyên tắc, không nên dùng thuốc một khi bản thân không có bệnh, điều này dễ gây tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác với các thuốc khác. Thay vào đó, để trị mất ngủ có thể bổ sung melatonin, tắt tivi khi ở lên giường, duy trì chế độ đi ngủ khoa học, đúng giờ, ngủ sớm và dậy sớm.
Thuốc xịt mũi
Xịt mũi là loại thuốc OTC phổ biến, và bị lạm dụng nhiều nhất bởi nó được nhiều người sử dụng và thường dùng kéo dài. Theo APA, thông thường nếu dùng thuốc hơn 3 ngày, thì nguy cơ tắc nghẽn mũi có thể quay lại, phải dùng liều cao hơn, nhờn thuốc, lần sau sử dụng ít hiệu quả hơn. Cũng nên lưu ý, thuốc nhỏ mắt, nhất là thuốc làm giảm chứng sung huyết mắt cũng có tác dụng phụ tương tự, nếu lạm dụng, có thể dẫn đến nguy cơ làm cho bệnh tệ hơn, và gây giảm tác dụng của thuốc.
Thuốc xịt cũng là một nhóm thuốc rất dễ bị lạm dụng.
Giải pháp tránh lạm dụng thuốc OTC
Hãy đọc kỹ nhãn mác, các thông tin ghi ở mặt trước, mặt sau, trong giấy hướng dẫn đi kèm để biết cụ thể thuốc nào nên tránh, liều lượng, thời hạn sử dụng, các thông tin về an toàn, chông chỉ định, hay phương pháp bảo quản…
Hãy thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, và người già, nhất là nguy cơ ảnh hưởng của thuốc. Riêng trẻ em nên dùng liều khác nhau, nhóm người lớn tuổi dùng nhiều loại thuốc nên mức tương tác thuốc cũng rất lớn nên cần thận trọng.
Để tránh việc lạm dụng thuốc OTC, cách tốt nhất là tư vấn chuyên môn như dược sĩ, bác sĩ điều trị trước khi sử dụng, kể cả vitamin, thuốc bổ hay nhóm thực phẩm dưỡng sinh.
Duy Hùng
(Grandparents.com)