Ngày 29.11.1986, Đoàn xiếc nghệ thuật TP được chính thức thành lập và có thời hoàng kim những năm 1993 – 2012. Sau đó, đoàn xiếc trở thành một bộ phận trong Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam.
NSƯT Lê Trí Tưởng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (NHNT PN), nhớ lại: “Lúc ấy, NSND Thái Mạnh Hiển về làm Trưởng đoàn xiếc TP.HCM. Ông tập hợp được các anh em gạo cội và thông thạo, giỏi nghề hợp tác. Tháng 10.1993, lần đầu tiên chúng tôi đưa rạp bạt “di động” hoành tráng từ Singapore về dựng và biểu diễn ở Thảo cầm viên. Tết năm đó khán giả đến xem đông chưa từng có và đây cũng là giai đoạn “ăn nên làm ra” của xiếc”.
Tuy nhiên, vì thiếu chỗ “an cư”, điểm biểu diễn xiếc của NHNT PN cứ bị thay đổi liên tục: từ hồ bơi Lam Sơn qua công viên 23.9, đến Đầm Sen, rồi Bình Qưới và bây giờ là công viên Gia Định (Q.Gò Vấp), mỗi lần thay đổi lại phải quảng bá, tìm kiếm khán giả, khiến cho việc bán vé ngày càng khó khăn.
Nghệ sĩ chạy Grab, mở tiệm cầm đồ
|
|
|
Một nghệ sĩ xiếc tập luyện gian khổ mà lương cơ bản mỗi tháng chỉ có 2 triệu đồng, trong khi ông bảo vệ được 4,5 triệu đồng thì liệu nghệ sĩ còn tha thiết với nghề nữa không?
|
|
|
|
|
|
Các diễn viên xiếc của TP.HCM hiện nay thường xuyên phải tập luyện và biểu diễn trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, dễ xảy ra chấn thương. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ lại quá thấp nên để trụ với nghề, diễn viên phải tìm đủ cách chạy sô. NSƯT Quốc Cơ từng kể, anh và Quốc Nghiệp có thời gian dài phải diễn “lót” cho các nghệ sĩ ca nhạc, hài kịch với thù lao rất thấp.
Ông Nguyễn Đức Thế, Giám đốc NHNT PN, cho biết: “Hiện mức tiền ưu đãi nghề của nghệ sĩ xiếc chỉ trung bình từ 950.000 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng nên rất khó thu hút được nhân tài. Tiền bảo hiểm do nhà nước mua chỉ 200.000 đồng/người/tháng. Toàn nhà hát có 43 diễn viên, trong khi nhu cầu ít nhất cũng phải 63 người mới đảm bảo được công việc nhưng không kiếm đủ, thậm chí phải ra cả phía bắc để tuyển”.
NSƯT Nguyễn Phi Sơn, Trưởng đoàn Bầu trời xanh (NHNT PN), bức xúc: “Bất hợp lý lớn nhất vẫn là thu nhập. Thử hỏi một nghệ sĩ xiếc tập luyện hết sức vất vả, gian khổ mà lương cơ bản mỗi tháng chỉ 2 triệu đồng, trong khi ông bảo vệ trực 8 tiếng đã phải trả 4,5 triệu đồng thì liệu nghệ sĩ còn tha thiết với nghề nữa không? Họ phải lăn lộn ngoài đời kiếm thêm. Tôi biết đồng nghiệp hiện nay có người đang phải chạy Grab, mở tiệm tạp hóa, tiệm cầm đồ…”.
Những tín hiệu vui
Tối 7.7, lần đầu tiên sau 32 năm thành lập đoàn xiếc, TP.HCM đã tổ chức một chương trình Giao lưu, tôn vinh nghệ thuật xiếc khiến đội ngũ những người làm xiếc thực sự cảm động.
Lần giở bộ hồ sơ công trình Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ đã ố màu thời gian, ông Nguyễn Đức Thế khoe: “Sau hơn 12 năm chờ đợi, đầu tháng 4.2019 rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, gồm 2.000 chỗ ngồi với trang thiết bị, dụng cụ, đạo cụ… hiện đại nhất sẽ được khởi công, tầm cỡ Đông Nam Á. Còn rạp xiếc ở công viên Gia Định sửa chữa gần 14 tỉ cũng sẽ hoàn thành ngay tháng 12 này. Đây thực sự là những tín hiệu vui cho xiếc TP.HCM”.
Được biết, hiện Sở VH-TT đang lên kế hoạch đưa 10 diễn viên xiếc và 4 chỉ đạo nghệ thuật đi học ở Nga, đồng thời NHNT PN cũng đang gấp rút đợt tuyển chọn mới đội ngũ kế thừa, tìm nguồn tài trợ bảo trợ văn hoá để nâng mức bồi dưỡng, thù lao và mời 2 – 3 chuyên gia xiếc Nga sang TP.HCM tập huấn.
NSƯT Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết thêm: “TP.HCM tập trung chuẩn bị cho liên hoan xiếc quốc tế vào cuối năm nay và đầu tư thêm cơ sở vật chất cho xiếc. Không chỉ tập trung để có những vở diễn đỉnh cao, Sở khẩn trương chỉ đạo cải tiến cách thức quảng bá, cập nhật lại trang web của nhà hát để khán giả trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận”.
LÊ CÔNG SƠN