Mở rộng phố đi bộ Bùi Viện
Đó là chủ trương chung, cũng đồng thời là mong muốn của đông đảo người dân, chính quyền và du khách nước ngoài đến TP.HCM.
Mở rộng phố đi bộ Bùi Viện
Đó là chủ trương chung, cũng đồng thời là mong muốn của đông đảo người dân, chính quyền và du khách nước ngoài đến TP.HCM.
Sau gần một năm hoạt động vào hai ngày cuối tuần (từ 20-8-2017), đến nay phố đi bộ Bùi Viện đã dần ổn định, được người dân và du khách đánh giá cao. UBND Q.1 đang từng bước mở rộng phố đi bộ Bùi Viện cả về không gian, thời gian.
Ngày càng náo nhiệt
Gần 8h tối, trận tứ kết World Cup còn chưa bắt đầu, những hàng quán hai bên đường Bùi Viện đã bật màn hình chiếu, bày bàn ghế để khách ngồi xem.
Khách chủ yếu là người trẻ, Tây có, ta có. Hết nửa trận đấu, nhiều khách hàng từ lạ thành quen. Anh Antoine, du khách người Pháp, cùng nhóm bạn tới chờ cổ vũ đội nhà.
Anh Antoine nói thích không khí náo nhiệt ở đây, đặc biệt là dù đông nhưng không bị “chặt chém”.
Mùa World Cup, nhiều cửa hàng ở Bùi Viện mở cửa 24/24 giờ. Những ngày cuối tuần, Bùi Viện thành phố đi bộ, xe cộ bị cấm, cả con đường chỉ còn lại cổ vũ bóng đá, ăn uống, biểu diễn, mua bán đồ lưu niệm…
Theo thống kê của UBND Q.1, sau thời gian triển khai thực hiện thí điểm, lượng du khách đến khu vực càng tăng cao.
Hiện nay, hằng ngày tuyến đường Bùi Viện tiếp đón 1.000 – 1.500 lượt khách, vào các dịp lễ hội có 4.000 – 5.000 khách đến tham quan mua sắm, sử dụng các sản phẩm dịch vụ du lịch.
So với trước khi thành lập phố đi bộ, trên toàn tuyến Bùi Viện hiện nay có 349 cơ sở kinh doanh, tăng 13 cơ sở.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu gồm nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ lữ hành, phòng tranh, quần áo, đồ lưu niệm, cửa hàng tiện lợi, spa, cắt tóc, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán bar, quán bia…
Theo ước tính của chi cục thuế, doanh thu tại các cơ sở kinh doanh tuyến Bùi Viện những ngày cuối tuần tăng 30-50% so với các ngày trong tuần và so với thời gian trước khi triển khai phố đi bộ.
Phát triển sản phẩm du lịch trong hẻm
Tháng 1-2018, Q.1 xin phép mở rộng phố đi bộ Bùi Viện về không gian: thêm đường Bùi Viện (đoạn từ Đỗ Quang Đẩu – Cống Quỳnh) và đường Đỗ Quang Đẩu (từ Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão) với thời gian: tổ chức phố đi bộ từ 19h – 2h sáng hôm sau vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Tháng 5-2018, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo tiếp tục tổ chức thí điểm hoạt động và tiến hành sơ kết đánh giá vào cuối năm 2018, đồng thời tiếp tục thí điểm phương án mở rộng phố đi bộ nhưng phải đảm bảo tốt hơn, đẹp hơn, công tác an ninh trật tự được tăng cường, các hoạt động văn hoá được cải thiện và giúp giảm tải khu vực hiện tại.
UBND Q.1 cho biết vừa trình UBND TP đề án tổ chức hoạt động phố đi bộ Bùi Viện (mở rộng), sau khi đã khảo sát và lấy ý kiến các bên liên quan.
“Việc tiếp tục duy trì tuyến đường Bùi Viện và mở rộng thêm các tuyến lân cận, trước mắt thêm đường Đỗ Quang Đẩu thành tuyến phố đi bộ là thật sự cần thiết” – lãnh đạo UBND Q.1 cho biết. Trong quá trình lấy ý kiến, vận động người dân, đa số người dân đồng tình với chủ trương chung của quận, chỉ một số hộ sinh sống trong hẻm còn băn khoăn.
Do vậy, theo đề án của Q.1, sẽ từng bước nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch trong các tuyến hẻm.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh tại đây được phép sử dụng một phần vỉa hè, không được tràn xuống lòng đường trong thời gian hoạt động phố đi bộ, khu vực lòng đường dành cho du khách, người đi bộ lưu thông.
Với các hoạt động biểu diễn, khu phố đi bộ mở rộng sẽ có nhiều lễ hội, du ca, âm nhạc đường phố, giao lưu âm nhạc, trò chơi dân gian từ 20h – 22h.
UBND Q.1 kiến nghị TP cho phép quận thực hiện xã hội hóa hoạt động phố đi bộ Bùi Viện bằng cách kêu gọi đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trang trí, cung cấp WiFi miễn phí, lắp đặt camera an ninh và phương tiện, thiết bị để phục vụ phát triển hoạt động du lịch tại tuyến phố…
Điểm đến thân thiện
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ ủng hộ phương án mở rộng phố đi bộ ra đường Đỗ Quang Đẩu theo đề xuất của Q.1. Ông cho rằng thành công của phố đi bộ Bùi Viện có ý nghĩa lớn đối với du lịch của TP.
Theo ông, Bùi Viện là phố đi bộ thứ hai ở TP.HCM đưa vào hoạt động.
Nếu như phố đi bộ Nguyễn Huệ đã thành thương hiệu, là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, văn hóa xã hội của TP thì phố đi bộ Bùi Viện, thuộc khu tứ giác “phố Tây” Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão – Đỗ Quang Đẩu – Đề Thám, là điểm đến thân thiện, gần gũi với du khách, nhất là khách nước ngoài.
Từ đó giúp họ có thể trải nghiệm không gian sinh hoạt, thưởng thức món ăn đường phố, thậm chí tự biểu diễn các năng khiếu nghệ thuật, giới thiệu văn hoá của nước mình.