24/01/2025

Cha con ông Kèn hơn 40 năm dạy chữ, đặt tên giúp dân vạn đò

Hơn 40 năm gắn bó với bà con vạn đò trong vai trò một “thủ lĩnh”, ông Võ Văn Kèn (64 tuổi, trưởng thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã giúp hàng trăm hộ gia đình nơi xóm nghèo từ lúc họ còn lênh đênh sông nước…

 

Cha con ông Kèn hơn 40 năm dạy chữ, đặt tên giúp dân vạn đò

Hơn 40 năm gắn bó với bà con vạn đò trong vai trò một “thủ lĩnh”, ông Võ Văn Kèn (64 tuổi, trưởng thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã giúp hàng trăm hộ gia đình nơi xóm nghèo từ lúc họ còn lênh đênh sông nước…



Cha con ông Kèn hơn 40 năm dạy chữ, đặt tên giúp dân vạn đò - Ảnh 1.

Ông Kèn (bìa trái) giúp giải quyết giấy tờ cho người dân – Ảnh: CÔNG TRIỆU

“Nối nghiệp” của cha, hơn 10 năm qua người con trai Võ Văn Thương vẫn kiên trì dạy chữ miễn phí cho trẻ em như mình ngày xưa.

Người dân ở đây đều xuất thân từ vạn đò nên ít học hành, trông qua bên ngoài thấy họ dữ dằn khó bảo, nhưng họ hiền lắm, nếu mình có lý lẽ phải trái là họ nghe ngay thôi!

Ông VÕ VĂN KÈN

“Văn phòng” ông Kèn

Chúng tôi gặp ông Kèn trên chiếc ghe nhỏ tại bến sông ngay trước nhà ông thuộc thôn Lại Tân khi trời còn tờ mờ sáng. Khuôn mặt ông phờ phạc sau một đêm thức trắng bủa lưới đoạn hạ nguồn sông Hương. 

Giao cá cho vợ là bà Phạm Thị Khét, ông buộc ghe ở gốc cây. Bức tường phòng khách nhà ông treo kín đủ loại bằng khen, giấy chứng nhận từ cấp tỉnh, thành phố cho đến cấp phường xã…

 

Giấc ngủ sau một đêm thức trắng của ông kéo dài chưa đến một tiếng thì bị đánh thức bởi chị Hà Thị Bảy trong thôn. Chị Bảy vừa lấy chồng, cầm xấp giấy tờ đến nhờ ông các thủ tục nhập hộ khẩu về nhà chồng. 

Việc của chị Bảy chưa xong, một người phụ nữ luống tuổi khác cầm chiếc nón trên tay có lỉnh kỉnh các loại sổ sách giấy tờ, vừa í ới tên ông Kèn, đẩy cửa bước vào nhà, nhờ ông làm giấy khai sinh cho đứa cháu nội.

Xong việc của hai người, bà nì nằn: “Nhờ bác đặt cho cháu cái tên chi cho hay hay!”. “Khoảng 95% trẻ em trong thôn này đều do tôi đặt tên. Giao cho bố mẹ cháu đặt thì cũng chỉ ngang Cu Anh, Cu Em, Bé Em, Bé Chị mà thôi. Mình cố gắng tìm cái tên cho hay hay một tí mà đặt cho cháu!” – ông Kèn cười.

Thôn Lại Tân có 339 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, tất cả đều gốc gác vạn đò, người lớn biết chữ rất hiếm, nên hầu hết các loại giấy tờ họ đến cậy nhờ ông. Tính bình quân mỗi ngày ông làm giúp đến gần 10 đơn thư, giấy tờ. Có thời điểm “văn phòng” của ông có đến cả chục người đến nhờ, có những ngày người ta đến lũ lượt.

Cha con ông Kèn hơn 40 năm dạy chữ, đặt tên giúp dân vạn đò - Ảnh 3.

Lớp học miễn phí của anh Thương, con ông Kèn – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Người đặt tên cho trẻ

Người dân Lại Tân định cư tại khu đất ven bờ sông Hương đã hơn 10 năm nay. Trước đó, toàn bộ đều là dân vạn đò sống lênh đênh trên sông Hương đoạn gần cồn Hến thuộc phường Vỹ Dạ, được xem là “vùng trũng” về y tế, giáo dục, văn hóa và nhiều vấn đề xã hội khác của đất cố đô. 

Gia đình ông Kèn cũng thuộc cộng đồng dân cư “vùng trũng toàn tập” ấy. Ông Kèn không nhớ rõ từ khi nào và nguyên cớ gì dẫn đến vai trò “thủ lĩnh” của người dân vạn đò như hiện nay.

Ông kể hồi trước ông may mắn hơn những người khác, kể cả những người trong gia đình bốn đời nối truyền cuộc sống vạn đò của mình, là việc học chữ. Dù khó khăn nhưng ba mẹ cũng cho ông học đến lớp 8. Từ hồi còn đi học, nhiều người đã chống đò đến con đò của ông để nhờ viết một số giấy má, thư từ. Cứ thế quen dần.

Cho đến khi ông làm tổ trưởng dân phố vạn đò, ngoài công việc “hành chính”, ông còn là trung tâm hòa giải của cả cộng đồng vạn đò này. Từ việc xích mích vợ chồng, xóm giềng, chuyện đánh nhau, cãi lộn giữa mấy đám thanh niên cho đến chuyện tranh giành, hiếp đáp… người ta đều gọi ông đến. 

Ông đứng ra hòa giải, khuyên can, có chuyện giải quyết nhanh và cũng có việc chậm hơn nhưng hầu hết đều ổn thoả, êm đẹp. Bởi vì cách của ông Kèn không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ hết mình cho bà con, điều quan trọng hơn là ông sống ngay thẳng, bộc trực và giữ điều uy tín.

Hơn nữa, ông còn là người góp phần giúp nhiều ngư dân chuyển đổi công ăn việc làm. Ông thường xuyên liên hệ với các trung tâm đào tạo nghề, các khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm chỗ làm cho con em trong thôn. Nên ông nói thì người dân nghe theo.

Người có uy tín

“Anh Kèn là người có uy tín, nhận được sự tín nhiệm và tin tưởng của bà con trong thôn Lại Tân. Anh nắm rất rõ các vấn đề của bà con trong thôn, từ an ninh trật tự cho đến an sinh xã hội. Anh Kèn là người có công rất lớn góp phần mang lại cuộc sống ổn định như ngày hôm nay cho người dân khu tái định cư Lại Tân!”

Ông Trần Hiếu Cơ (chủ tịch UBND xã Phú Mậu, huyện Phú Vang)

Con nối cha “vác tù và hàng tổng”

Ghé thôn Lại Tân vào một tối thứ bảy, chúng tôi đi ngang hội trường thôn thì nghe tiếng ê a của trẻ con đang học bài, xen kẽ tiếng gõ bàn và bắt nhịp của người hướng dẫn… Đứng lớp là một thanh niên chừng 30 tuổi, thái độ nhã nhặn, vui vẻ, hướng dẫn các em học tập rất tận tình. 

Đó là anh Võ Văn Thương, con trai ông Kèn, đang là cán bộ hành chính của UBND xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế.

Lớp học đó dạy chữ và kèm bài cho học sinh từ tiểu học đến THPT của thôn Lại Tân do chính anh Thương chủ trì suốt 12 năm nay. Hằng tuần vào các tối thứ ba, năm, bảy, một số học sinh chủ động đến lớp của Thương học chữ hay ôn bài. Các học sinh lười học thì anh và một số cộng sự đến tận nhà gõ cửa gọi đến lớp.

Thực ra, việc dạy học miễn phí này của Thương bắt đầu từ thời anh còn học phổ thông và là dân vạn đò ở phường Vỹ Dạ. Hồi đó, người ta chứng kiến việc anh thường xuyên chống ghe đi quanh các con đò gọi tên, thúc giục rồi đưa đón các em đến cái cồn nổi giữa sông Hương để dạy học. 

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm Huế, anh được nhận vào làm việc tại UBND xã Phú Mậu. Công việc cũng bận bịu, nhất là khi có vợ con, nhưng lớp học luôn được anh duy trì đều đặn.

Học sinh đến học ngày càng đông, có khi hơn 40 em và chia thành nhiều lớp, tính chất đa dạng. Thấy vậy, anh kêu gọi thêm các sinh viên quen biết tình nguyện hỗ trợ và đứng lớp. Người hưởng ứng nhiệt tình nhất trong số đó chính là vợ anh, dù đang còn con nhỏ nhưng vẫn tranh thủ thời gian đứng lớp cùng chồng.

“Được nhìn thấy lớp học do mình mở ra hoạt động một cách hiệu quả, các em nhỏ ngày một chăm học hơn là niềm vui mỗi ngày của tôi, đó cũng là động lực, là lý do để tôi duy trì, phát triển lớp học hơn nữa. Có lẽ tôi học được đức tính này là từ ba của mình” – anh Thương nói trong vẻ tự hào.

Trung tâm hòa giải

Hơn 10 năm trước, chính quyền Thừa Thiên – Huế thực hiện xong việc đưa dân xóm vạn đò của ông lên bờ định cư ở Lại Tân, tình hình trong thôn lúc ấy rất biến động và nhiều phức tạp.

Với vai trò thôn trưởng, ông cùng một số người lớn tuổi thường xuyên đi hòa giải các vụ việc xung đột lớn nhỏ. Ông chủ động đề xuất và được UBND xã Phú Mậu đồng ý cho thành lập tổ hòa giải của thôn do chính ông làm tổ trưởng.

Sau một thời gian hoạt động, cho đến giờ ông Kèn cùng sáu thành viên khác của tổ hòa giải có thể thở phào: “Việc thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, lời qua tiếng lại, đánh nhau đối với các xóm vạn đò là bình thường và như cơm bữa. Nhưng đối với thôn Lại Tân này là điều bất bình thường!”.