27/01/2025

Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng… nghị định?

Nghị định 54 có nhiều bất cập khiến nhà thuốc các bệnh viện ‘kêu trời’ vì thiếu thuốc, còn người bệnh phải cắn răng chịu đau đớn vì không mua được thuốc…

 

Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng… nghị định?

Nghị định 54 có nhiều bất cập khiến nhà thuốc các bệnh viện ‘kêu trời’ vì thiếu thuốc, còn người bệnh phải cắn răng chịu đau đớn vì không mua được thuốc…


Người bệnh nặng không có thuốc vì vướng... nghị định? - Ảnh 1.

Mua thuốc tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Nghị định 54 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật dược sửa đổi có hiệu lực thực hiện từ tháng 1-2018 đang gây khó dễ cho bệnh nhân, nhà thuốc bệnh viện.

Bà Phạm Thị Xuân – 60 tuổi, TP.HCM – cho biết đầu năm 2018, em họ bà là ông P.H.K., 50 tuổi, ở Quảng Bình bị đau nhức xương khớp, tê liệt nửa người nên đến bệnh viện một quận khám. 

Sau khi làm các xét nghiệm, ông K. được xác định ung thư gan giai đoạn cuối, khối u đã xâm lấn tủy và di căn vào xương. 

“Em tôi làm nghề bốc vác ở cảng nên khi đau nhức cứ nghĩ là do công việc nặng nhọc, nhưng càng gắng sức lại càng đau, đến khi được phát hiện bệnh mới biết là ung thư” – bà Xuân cho hay.

 

Nhà thuốc không bán thuốc

Ung thư giai đoạn cuối là chẩn đoán gây sốc với cả gia đình ông K., nhưng mong có thuốc điều trị cho ông lại đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Theo bà Xuân, khi nhiều bệnh viện “trả về”, gia đình chọn bệnh viện quận điều trị cho ông thì gặp khó khăn về thuốc điều trị.

“Trong đơn thuốc có morphine giảm đau, lúc đầu chúng tôi mua với giá 5.000 đồng/lọ ở nhà thuốc bệnh viện, nhưng đơn thuốc đợt 2 từ ngày 4 đến 14-7 gia đình đi mua thì nhà thuốc ngưng bán. Gia đình chạy khắp các nhà thuốc cả trong và ngoài bệnh viện đều không có vì họ bảo Bộ Y tế yêu cầu dừng” – bà Xuân bức xúc cho biết.

Không có thuốc, lo ngại vì người thân đau đớn nên gia đình bà Xuân buộc phải “chữa cháy” bằng một loại thuốc khác có giá đắt gấp 10 lần so với thuốc từng uống, thế nhưng bệnh tình của em bà vẫn không thuyên giảm, luôn lăn lộn kêu đau. 

“Gia đình em tôi khó khăn, có hai con bé chuẩn bị lên cấp 3. Từ ngày chồng đổ bệnh, em dâu tôi phải xin nghỉ không lương để chạy vạy khắp nơi lo thuốc cho chồng” – bà Xuân cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia ngành y tế cho hay việc nhà thuốc không bán các thuốc giảm đau dạng đặc biệt (như morphine) thời gian qua là do vướng mắc về pháp lý.

Quy định của Bộ Y tế “làm khó”

Nghị định 54 hướng dẫn thực hiện Luật dược có hiệu lực thực hiện từ tháng 1-2018 quy định các biện pháp bảo đảm an toàn, không thất thoát thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt. 

Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện “kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt” này mãi ngày 4-5-2018 mới ban hành và có hiệu lực thực hiện từ ngày 18-6. 

“Lẽ ra thông tư này phải ban hành từ năm 2017, nhưng Cục Quản lý dược và Bộ Y tế đã chậm hoàn thành. Vì vậy, vừa qua Cục Quản lý dược mới đi thẩm định xong, hi vọng sẽ gỡ rối được việc thiếu thuốc giảm đau” – chuyên gia này cho hay.

Một lãnh đạo của Viện Huyết học và truyền máu T.Ư chia sẻ viện có điều trị bệnh nhân ung thư và cũng có dùng đến morphine nhưng số lượng không nhiều, vì vậy thời gian qua vẫn còn đáp ứng được, tuy nhiên nhiều bệnh viện đa khoa có thực hiện mổ xẻ, bệnh viện ngoại khoa hay chuyên khoa ung bướu rất khó khăn vì bệnh nhân không mua được thuốc.

“Nếu chiếu theo nghị định 54, nhà thuốc bệnh viện rất khó đáp ứng yêu cầu để được bán morphine như phải có kho riêng đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), kho bảo quản thuốc này phải tách biệt với kho bảo quản các thuốc khác… trong khi quy định về GSP sửa đổi thì hiện mới đang dự thảo, quy định thiếu đồng bộ nên cứ có này lại thiếu kia” – chuyên gia trên chia sẻ.

Gây khó cho nhà thuốc

Trong cuộc đối thoại giữa Bộ Y tế với các đại diện hiệp hội, bệnh viện tổ chức gần đây, ông Phạm Văn Học – Bệnh viện tư nhân Hùng Vương, Phú Thọ – chia sẻ không chỉ bệnh viện này mà nhiều bệnh viện khác đều đang gặp khó, do nghị định 54 quy định nhà thuốc bệnh viện chỉ được bán các thuốc đã trúng thầu vào bệnh viện. 

Theo ông Học, quy định này khiến bệnh nhân phải loay hoay nếu bác sĩ chỉ định các thuốc mới, thuốc có số lượng sử dụng hạn chế, thuốc cần thiết cho loại bệnh đó nhưng lại không trúng thầu vào bệnh viện.

Ông Phạm Hữu Quốc – giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM – cũng cho biết đang rối bời vì bất cập của quy định nhà thuốc bệnh viện chỉ bán thuốc trúng thầu vào bệnh viện. 

“Có những loại thuốc tháng 6 đã hết, nhưng tháng 11 mới được mở thầu thì bệnh viện lấy đâu ra đáp ứng nhu cầu người bệnh?” – ông Quốc đặt câu hỏi.

Theo ông Quốc, quy định này có thể làm nảy sinh tiêu cực, một số công ty dược trúng thầu phân phối thuốc “chảnh”, họ cắt thuốc vì bệnh viện chưa kịp trả tiền hoặc sai sót ở khâu nào đó. Trong khi đó, số lượng thuốc sử dụng tại bệnh viện tăng 20-30% nhưng số lượng bệnh nhân tăng 80%. 

“Bệnh nhân phàn nàn rất nhiều vì không đủ thuốc họ cần, để đáp ứng phần nào đó tôi phải chạy chỗ này chỗ kia và đang lo nếu mai mốt đấu thầu mà giá cao hơn thì lãnh đủ” – ông Quốc nói.

Không chỉ những bệnh viện quận huyện lo lắng mà cả những bệnh viện lớn, hạng đặc biệt cũng đang “kêu rên” vì nhà thuốc bệnh viện thiếu thuốc. 

Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh nghị định 54 của Chính phủ (nghị định do Bộ Y tế xây dựng) từ những ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người bệnh và cả đến nhà thuốc bệnh viện cũng than là gặp khó.

Theo ông Đỗ Văn Dũng – trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, sở đang tập hợp ý kiến chuyên gia, cơ sở khám chữa bệnh để có phản ảnh với Bộ Y tế, Chính phủ về những bất cập, chưa hợp lý, trong đó có việc bó hẹp phạm vi kinh doanh của nhà thuốc bệnh viện.

Kêu cứu về thủ tục

“Chúng tôi đang kêu cứu lên Bộ Y tế, có thông tin bộ có văn bản hướng dẫn các trường hợp đặc thù như bệnh viện chúng tôi, nhưng văn bản hiện chưa về tới bệnh viện. Từ đầu năm đến nay, nhà thuốc khá khó khăn vì quy định duyệt giá, các thuốc trúng thầu vào bệnh viện đã được thẩm định giá một lần, giờ bán vào nhà thuốc lại phải thẩm định giá lần nữa. Gửi lên Cục Quản lý dược thì khâu thẩm định giá và đăng tải lên website Cục Quản lý dược phải mất hàng tháng, nhiều công ty kinh doanh thuốc hiếm, số lượng sử dụng ít họ ngại khâu hồ sơ, nhà thuốc bệnh viện lại không có hàng” – trưởng khoa dược một bệnh viện hạng đặc biệt ở Hà Nội phàn nàn.