29/11/2024

Xe máy cũ vẫn vô tư thải khí

Đã 8 năm kể từ khi Chính phủ phê duyệt kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông, ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm.

 

Xe máy cũ vẫn vô tư thải khí

Đã 8 năm kể từ khi Chính phủ phê duyệt kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông, ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm.
 
 
 
 
 

Khí thải từ xe máy chiếm 80 - 90% tổng lượng khí thải phương tiện giao thông phát ra môi trường /// Ngọc Dương

Khí thải từ xe máy chiếm 80 – 90% tổng lượng khí thải phương tiện giao thông phát ra môi trường   NGỌC DƯƠNG

 
Chưa triển khai vì… nhạy cảm
Theo dự thảo phương án kiểm định khí thải xe máy mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ vào cuối tháng 9.2016, lộ trình kiểm định khí thải đối với xe máy có dung tích động cơ từ 175 cm3 trở lên, đã có thời gian sử dụng trên 5 năm, lưu thông tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước sẽ được chính thức áp dụng vào 1.7 tới.
 
Tuy nhiên, kể từ khi Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 566 ngày 19.1.2017 yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải, quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy bổ sung vào luật Giao thông đường bộ, đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể về thời gian triển khai đề án.
 
Đáng nói, việc kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP trên cả nước đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 – 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM, và mở rộng cho 60% xe máy tại các TP loại 1, 2. Song tại thời điểm đó, đề án này đã không được thực hiện. Nguyên nhân do xe máy liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát được đánh giá là nhạy cảm, phức tạp và dễ đụng chạm.
 
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết chưa thể triển khai kiểm định khí thải xe máy vào 1.7 tới do luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa có quy định về kiểm định khí thải đối với loại nhóm phương tiện này. “Hơn nữa, kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là vấn đề lớn đối với xã hội, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân. Trong khi đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong các thành phố. Do vậy, để có thể triển khai công tác kiểm định khí thải mô tô, xe máy cần thiết phải có khung cơ sở pháp lý”, ông Trí nói.
 
Bộ đẩy khó về cho địa phương
Quá “sốt ruột” trước tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ xe mô tô ngày càng tăng cao, đầu tháng 5 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành. Trong trường hợp quy định trên chưa được ban hành để áp dụng trên cả nước, TP mong được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm.
 
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Tính đến 1.3.2018, TP có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có 1 mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. “Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 – 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc sớm kiểm soát khí phát thải từ mô tô ở TP là cần thiết”, ông Hải nói.
 
Đáng nói là trước đề xuất này, Bộ GTVT trả lời, Sở có thể báo cáo UBND TP đề xuất với Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy tại TP. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu cần làm rõ lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải, chu kỳ kiểm định, hồ sơ, thủ tục, biện pháp kiểm soát; điều kiện của cơ sở kiểm định; các chính sách về thuế, giá dịch vụ…
 
TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, nhận xét: Bộ trả lời như vậy là đẩy cái khó về cho TP. Mọi điều kiện, quy định phải do Bộ đưa ra, không thể đẩy về cho địa phương giải quyết. Nhiệm vụ của Bộ GTVT là nhanh chóng, gấp rút đưa ra quy định về khí thải xe máy. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có bộ quy chuẩn rồi, Bộ cứ theo đó mà ứng dụng.
 
TS Mai cho rằng VN đã gia nhập ASEAN, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng phải hòa nhập theo xu hướng của các nước. Thậm chí lượng khí thải của xe máy còn chiếm tới 80 – 90% tổng lượng khí thải, ô tô chỉ thải ra 10 – 20%. Vậy không có lý do gì ô tô phải kiểm định còn xe máy thì không.
 
Việc kiểm định khí thải xe máy có thể dẫn tới 2 trường hợp. Đối với số xe cũ, không đủ tiêu chuẩn khí thải nhưng vẫn có thể tiếp tục sử dụng, chủ phương tiện có thể điều chỉnh kỹ thuật một cách dễ dàng, không quá tốn kém. Trong trường hợp xe quá cũ, sử dụng trên 20 năm, đã được xếp vào loại “xe nghĩa địa” thì bắt buộc phải loại bỏ. “Loại bỏ ô nhiễm môi trường cũng chính là bảo vệ sức khoẻ người dân. Không thể vì mãi sợ đụng chạm mà dập tắt hết tất cả các chính sách liên quan đến xe máy”, TS Mai nhận định.
 
 
HÀ MAI