24/12/2024

Lai Châu hoang tàn

Ba ngày sau trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong 52 năm qua tại Lai Châu, toàn tỉnh miền núi này vẫn còn 37/96 xã vùng cao biên giới bị cô lập khi mạng lưới giao thông bị cắt đứt; 393 hộ dân đang trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải sơ tán khẩn cấp.

 

Lai Châu hoang tàn

Ba ngày sau trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong 52 năm qua tại Lai Châu, toàn tỉnh miền núi này vẫn còn 37/96 xã vùng cao biên giới bị cô lập khi mạng lưới giao thông bị cắt đứt; 393 hộ dân đang trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải sơ tán khẩn cấp.

 
 
 
Khu trang trại nuôi cá nước lạnh tại xã Sơn Bình (H.Tam Đường, Lai Châu) bị lũ san phẳng
 /// Ảnh: P­han Hậu

Khu trang trại nuôi cá nước lạnh tại xã Sơn Bình (H.Tam Đường, Lai Châu) bị lũ san phẳng ẢNH: P­HAN HẬU

 

 
Người mất tích, trại cá tiền tỉ trôi theo lũ
 
 
19 người chết, 11 người mất tích
Tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, thống kê đến 16 giờ ngày 26.6, đợt mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía bắc đã làm 19 người chết (Hà Giang 5 người, Lai Châu 14 người); 11 người tại Lai Châu bị lũ cuốn, sạt lở đất vùi lấp mất tích; 12 người bị thương (Lai Châu 11 người, Sơn La 1 người). Theo tổng hợp từ các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Điện Biên và Sơn La, mưa lũ đã gây ra thiệt hại 443,8 tỉ đồng. Trong đó, Lai Châu thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng; Hà Giang thiệt hại 122 tỉ đồng.
 

Quốc lộ 4D từ H.Sa Pa (Lào Cai) sang H.Tam Đường (Lai Châu) được thông xe từ đêm 25.6 nhờ sự chi viện về phương tiện, nhân lực của tỉnh Lào Cai. Nhưng khi vượt qua đèo Ô Quý Hồ để vào địa phận Lai Châu trong sáng 26.6, chúng tôi tận mắt chứng kiến khung cảnh hoang tàn sau trận lũ.

Đường vỡ, đá hộc ngổn ngang được san gạt hai bên. Trên đường đi, nước từ trên đồi vẫn chảy xuống ào ào, tràn ngang mặt đường. Thôn Chu Va 12 (xã Sơn Bình, H.Tam Đường, Lai Châu) từng nổi tiếng với những trại cá tầm trị giá hàng chục tỉ đồng giờ là đống hoang tàn đổ nát. Bể cá tường bê tông, lán trại bị lũ bẻ gãy, mái tôn bị quăng quật ngổn ngang bên dòng suối Nậm Dê lũ vẫn đang cuồn cuộn chảy.
 
Thất thần bên dòng suối này, bà Vũ Thị Mai Phương (55 tuổi, ngụ bản Chu Va 12, xã Sơn Bình) lẩm nhẩm cầu khấn, nuôi hy vọng tìm thấy chồng là ông Dương Ngọc Hưng (58 tuổi) mất tích từ ngày 24.6. Trước khi tai hoạ ập xuống, vợ chồng bà Phương là chủ trang trại cá có tiếng ở H.Tam Đường; nhưng chỉ trong 10 phút với 6 lần nước lũ dồn dập đổ về, gia đình bà mất người, trắng tay sau lũ dữ. “Nước ập về cuồn cuộn như sóng thần tôi từng xem trên ti vi”, bà Phương kể lại. Cũng ở bản Chu Va 12, nhiều gia đình có trang trại cá tiền tỉ bỗng chốc mất sạch tài sản sau trận lũ dữ.
 
Trong ngày 26.6, mưa lũ khiến các hoạt động giao thương kinh tế tại Lai Châu đình trệ khi các tuyến đường giao thông trọng yếu vẫn trong tình trạng sạt lở. Dọc đường lên cửa khẩu Ma Lù Thàng (H.Phong Thổ) vẫn ngổn ngang bùn đất dài cả trăm mét sau 2 ngày san ủi chưa thể khơi thông, khiến nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng đang bị ách tắc. Đường lên cửa khẩu chính lẫn các lối mở bị mưa lũ và sạt lở đất cắt đứt trong những ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến 5.000 ha chuối đang trong mùa thu hoạch để xuất khẩu. Tuyến vận chuyển hàng hóa từ Lào Cai sang Lai Châu chưa thể khôi phục trở lại…
 
Mưa lũ lớn nhất trong 52 năm qua

 

Lai Châu hoang tàn - ảnh 1
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng động viên bà Vũ Thị Mai Phương có chồng mất tích và mất trắng tài sản

 
Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết chưa khi nào tỉnh miền núi này lại rơi vào tình cảnh mưa lũ tàn phá tan hoang như trận mưa lũ kéo dài từ ngày 23 – 25.6. Toàn bộ các tuyến quốc lộ huyết mạch từ Lai Châu đi các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái bị lũ cắt đứt. Ngay trong nội tỉnh, các tuyến đường đi các huyện cũng bị sạt lở, đứt gãy khắp nơi. Đến chiều 26.6, hệ thống đường giao thông đến các huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè vẫn bị cô lập. Đáng lo nhất, đường giao thông đến 37/96 xã toàn tỉnh Lai Châu vẫn chưa thể khôi phục khiến nhiều vùng dân cư vẫn bị cô lập, 293 hộ dân đang ở trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. “Dù bị cô lập 3 – 4 ngày, người dân vẫn đủ lương thực dự trữ và có thể tiếp tế bằng cách vận chuyển đi bộ nhưng đường hỏng khiến công tác vận chuyển hàng cứu trợ, vận chuyển phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ đang gặp nhiều khó khăn”, ông An thông tin.
 
Ông An cũng cho hay, mưa lũ lớn đến sớm xảy ra trong tháng 6, dồn dập trên diện rộng khiến địa phương phải căng sức ứng phó. “Tổng lượng mưa cả năm của tỉnh Lai Châu khoảng 1.600 mm nhưng đợt mưa từ ngày 23 – 25.6 ở một số nơi đã lên tới gần 600 mm, chiếm hơn 30% tổng lượng mưa cả năm. Ở những vùng lũ chúng tôi đến, hỏi những người già nhất bản, họ nói từ năm 1966 đến giờ Lai Châu mới có một trận mưa lớn kinh hoàng đến thế”, ông An nói.
 
Trong ngày 26.6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác của Chính phủ, các bộ ngành T.Ư trực tiếp thị sát vùng lũ tại tỉnh Lai Châu, thăm hỏi và trao hỗ trợ cho các gia đình có người chết và mất tích. Phó thủ tướng yêu cầu ở những vùng bị mưa lũ chia cắt, chính quyền tỉnh Lai Châu phải hỗ trợ, cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống, đồ dùng sinh hoạt không để người dân đói rét, màn trời chiếu đất. “Đối với các hộ dân đã xác định trong vùng nguy hiểm, UBND tỉnh Lai Châu bằng mọi giá, mọi cách hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn”, Phó thủ tướng nói.
 
 
PHAN HẬU